Ngày 24/5, khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, tiếp nhận bệnh nhi Trần Thanh Thảo (đã đổi tên, một tuổi, ở Phú Thọ) trong tình trạng da xanh, mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, xét nghiệm huyết sắc tố hạ thấp ở mức 64g/l, bilirubin máu toàn phần tăng cao 93,7 umol/l, bilirubin gián tiếp 84 umol/l.
Bé được chẩn đoán ngộ độc lá lộc mại gây tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng và lập tức được truyền máu cấp cứu.
Trước đó, thấy con bị táo bón, điều trị bằng men tiêu hóa một tuần không đỡ, gia đình nghe lời người quen hái lá lộc mại về nấu cháo cho bé ăn.
Sau hai lần ăn cháo, bé Thảo đi tiểu màu đỏ, da xanh, mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ. Xét nghiệm tại bệnh viện tuyến huyện cho thấy cháu bị thiếu máu nặng. Bệnh nhi được chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.
Sau 4 ngày nhập viện điều trị, hiện tình trạng của bệnh nhi ổn định, bé đã được xuất viện.
TS.BS.Lê Ngọc Duy, Phó trưởng khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: “Tính từ đầu năm 2018 đến nay, khoa cấp cứu chống độc của bệnh viện đã tiếp nhận hai ca ngộ độc lá lộc mại. Bệnh nhi khi vào viện đều rơi vào tình trạng nguy kịch do tan máu cấp dẫn tới thiếu máu nghiêm trọng”.
Hình ảnh cây và lá cây lộc mại. Ảnh: Người nhà bệnh nhân cung cấp. |
TS.BS Lê Ngọc Duy cho biết thêm trường hợp bé Trần Thanh Thảo có tiền sử thiếu men G6PD (Glucose-6-phosphat dehydrogenase) là một bệnh di truyền phổ biến thường gặp ở người, bệnh nhân thường không có đủ men G6PD giúp tế bào hồng cầu hoạt động bình thường. Người bệnh dễ bị dị ứng nặng khi ăn đậu tằm hoặc sử dụng một số dược phẩm, hóa chất có khả năng oxy hóa.
Đối với những bệnh nhi ngộ độc lá lộc mại trên nền thiếu men G6PD, tình trạng bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn những trẻ bình thường khác. Bếu không được cấp cứu kịp thời, trường hợp này rất có thể dẫn tới tử vong.
Bác sĩ Duy giải thích lá lộc mại hay một số nơi gọi là “lá mọi” là lá của cây lộc mại, một loại cây cao khoảng 2-3 m mọc hoang dại. Y văn Việt Nam chưa ghi nhận nghiên cứu về loại cây này.
Do có tác dụng nhuận tràng khi dùng liều nhỏ và tác dụng tẩy khi dùng liều lớn, người dân một số nơi thường mách nhau dùng lá này chữa táo bón, kiết lỵ…
Tuy nhiên, nếu dùng với số lượng lớn, lá cây lộc mại có thể gây ngộ độc. Các biểu hiện thường gặp sau khi ăn là nhịp tim nhanh, bệnh nhân mệt yếu, da xanh, ăn không tiêu, đầy bụng, đau vùng ruột, đi ngoài lỏng hoặc táo bón. Trẻ có nước tiểu màu đỏ, đái vặt và buốt. Nguy cơ ngộ độc lá lộc mại đã được cảnh báo nhiều lần trên các phương tiện thông tin truyền thông nhưng một số gia đình vẫn sử dụng lá này để chữa bệnh, gây nguy hiểm cho tính mạng của người thân.