Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Đừng mắc bẫy chi phí chìm khi đầu tư thua lỗ

Mắc bẫy chi phí chìm là nguyên nhân nhiều người phạm sai lầm trước các quyết định quan trọng.

chi phi chim la gi anh 1

Mắc bẫy chi phí chìm là nguyên nhân nhiều người phạm sai lầm trước các quyết định quan trọng.

chi phi chim la gi anh 2

Điểm chính:

  • Chi phí chìm là những chi phí, sự việc đã xảy ra trong quá khứ và không thể thay đổi.
  • Khi xem xét các dự định, chi phí chìm không nên được tính tới.
  • Đặt mục tiêu lên hàng đầu là cách để bỏ qua ngụy biện chi phí chìm.

Nếu bạn từng một lần đối diện khoản đầu tư thua lỗ nhưng vẫn tiếp tục để "được đồng nào hay đồng nấy", hoặc bạn tiếc nuối thời gian mình bỏ ra nên không chấm dứt mối quan hệ độc hại, có lẽ bạn đã gặp tình trạng ngụy biện chi phí chìm mà không biết.

Tuy có nguồn gốc từ kinh tế học, chi phí chìm hay hiện tượng vừa đề cập cũng ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh đời sống.

Để có những quyết định sáng suốt hơn, bạn nên hiểu chi phí chìm và giải thoát bản thân khỏi nó.


Chi phí chìm là gì?

Investopedia định nghĩa chi phí chìm (sunk cost) là khoản "vốn" chúng ta bỏ ra và không thể thu hồi được.

Ở định nghĩa trên, vế thứ hai rất quan trọng, bởi nó thể hiện bản chất của chi phí chìm: Dù bạn lựa chọn hướng đi như thế nào trong tương lai, chi phí chìm trong quá khứ cũng không được bồi hoàn.

Vì vậy, chi phí chìm không nên được tính đến trong trường hợp bạn cân nhắc giữa các phương án khác nhau.

Giả sử bạn chi 1 tỷ đồng kinh doanh homestay, nhưng vì chọn sai vị trí nên không có khách hàng và liên tục lỗ. Lúc này, bạn có 2 hướng giải quyết:

  • Phương án 1: Cầm cự dù tốn tiền vận hành và không có doanh thu bù lại.
  • Phương án 2: Dừng đầu tư và để tiền cho việc khác.

Trong trường hợp này, 1 tỷ đồng là chi phí chìm vì bạn đã bỏ ra mà không lấy lại được. Bạn chắc chắn mất số tiền tương tự dù tiếp tục kinh doanh hay không.

Không ít người sẽ chọn phương án đầu tiên vì tiếc tiền, nhưng nếu hiểu bản chất của chi phí chìm và chấp nhận mình sai, bạn có thể chuyển sang việc tìm cơ hội mới.


Chiếc bẫy chi phí chìm

Bên cạnh tiền bạc, sunk cost còn có thể bao gồm thời gian, công sức mà bạn dành cho một dự án, mối quan hệ hay sở thích cá nhân.

Ví dụ, chúng ta chấp nhận bỏ 2 tiếng để xem hết một bộ phim dở tệ vì "lỡ mua vé". Chúng ta sẵn sàng dành 4 năm Đại học cho ngành học không đúng định hướng vì "lỡ chọn, lỡ thi vào". Đến khi đi làm, chúng ta lại từ đó bám trụ một công việc nhàm chán, không tạo ra giá trị.

Hoặc, chúng ta tiến tới hôn nhân dù biết rõ đối phương không phù hợp vì tiếc 3-4 năm hẹn hò.

Đây là những dấu hiệu của hiệu ứng chi phí chìm, nghĩa là một người đầu tư vào điều gì đó quá nhiều và có xu hướng sợ vứt bỏ điều đó, ngay cả khi họ biết rõ việc từ bỏ sẽ có lợi hơn, trang The Decision Lab giải thích.

Christopher Olivola, trợ lý giáo sư Marketing tại Đại học Carnegie Mellon, Mỹ cho rằng, khi hiệu ứng quá lớn và thúc đẩy bạn làm việc mình không muốn hoặc tệ hơn, nó trở thành hiện tượng ngụy biện chi phí chìm (sunk cost fallacy).

Sự cố chấp đó cản trở bạn đưa quyết định đúng đắn. Đôi khi, bạn tốn nhiều tiền của, thời gian,... hơn mình tưởng nếu sự việc kéo dài.


Làm thế nào để hạn chế?

Vì nằm ở tư duy nên cách tốt nhất để "tránh bẫy" là bạn thay đổi suy nghĩ của mình. Một số phương pháp giúp bạn quyết đoán và hạn chế quan tâm chi phí chìm gồm:

  • Nghĩ đến bức tranh lớn. Bạn mong muốn đạt được điều gì qua mỗi hoạt động của mình? Hãy chọn hướng đi đưa bạn đến mục tiêu đó thay vì tập trung vào chi phí không thể lấy lại.
  • Theo sát khoản đầu tư, chuẩn bị tâm lý cắt lỗ nếu tình hình không khả quan.
  • Quyết định dựa trên sự thật mắt thấy, tai nghe. Sunk cost fallacy dễ khiến bạn hy vọng và vẽ ra những viễn cảnh tốt hơn. Những lúc như vậy, hãy nhìn vào những con số và sự kiện đang diễn ra. Thực hành chánh niệm cũng là cách để bạn bình tâm suy nghĩ.
  • Cho phép bản thân phạm sai lầm và thừa nhận. Ai cũng có những lần chọn sai, điều quan trọng là bạn dũng cảm bước tiếp và không để quá khứ níu chân.

Thiên Hân

Đồ họa: Feng

Bạn có thể quan tâm