Việc trang bị và trau dồi những kỹ năng này sẽ giúp bạn tự tin hơn khi đối diện với thế giới biến động từng giờ.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động toàn cầu trong gần 2 năm qua, đồng thời đẩy nhanh tốc độ phát triển của một số xu hướng như làm việc từ xa, tự động hóa, thương mại điện tử.
Theo báo cáo của McKinsey, ước tính có khoảng 25% người lao động trên thế giới, đặc biệt là công nhân, sẽ phải đổi nghề từ đây đến năm 2030. Ở các nước phát triển, con số này còn có thể cao hơn.
Chuẩn bị trước phương tiện cần thiết để cải thiện năng suất từ bây giờ là cách thích nghi với môi trường làm việc hậu Covid-19.
Trong bài viết này, Zing chia sẻ gợi ý của Lưu Thanh Huyền về các kỹ năng và cách thực hành.
Lưu Thanh Huyền
- Giám đốc Phát triển Năng lực và Tổ chức của L'Oréal.
- 8 năm kinh nghiệm trong ngành Quản trị Nhân sự.
- Sáng lập VOCO Center, dự án phi lợi nhuận hỗ trợ đào tạo - hướng nghiệp trực tuyến.
Khi quá trình số hóa các hoạt động trong doanh nghiệp được thúc đẩy, những vị trí có tính chất lặp đi lặp lại, máy móc và mang đến giá trị thấp hoàn toàn có khả năng bị thay thế bởi công nghệ.
Tuy vậy, một điểm tích cực là quá trình đó được dự báo tạo ra nhiều công việc mới. Bằng chứng là một số nhiệm vụ đơn giản lúc trước như quản lý kênh truyền thông online đang dần được chuyên môn hóa, trở thành một nghề nghiệp chính thức.
Để đáp ứng nhu cầu ngày một cao của thị trường, sau đây là 5 "top skill" bạn nên bắt đầu tìm hiểu.
Giải quyết vấn đề phức tạp
Kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp (Complex Problem Solving) hiện là một trong những yếu tố cần ở mọi lĩnh vực.
Đã qua rồi thời gian mà bạn có thể học mọi thứ về công việc ở trường học và kinh nghiệm cũ. Trong một thế giới chuyển động từng giờ, từng phút, chúng ta không có bài giải cho tất cả vấn đề.
Để giải quyết, bạn cần có sự linh hoạt, nhìn vấn đề toàn diện hơn, phân tích nó và tìm hướng xử lý.
Đây cũng là kỹ năng quan trọng giúp bạn tạo giá trị tối đa khi kết hợp với tư duy thiết kế, nghĩa là đưa giải pháp cho người dùng cuối cùng, không phải cho sếp hay ai khác.
Ngay bây giờ trong công việc hàng ngày, bạn nên thử áp dụng các hướng khác nhau để nâng cao hiệu suất, đồng thời thử đánh giá cách mình đang làm dưới góc nhìn của người khác.
Giao tiếp
Chúng ta trò chuyện mỗi ngày, nhưng không phải ai cũng biết giao tiếp hiệu quả.
Kỹ năng giao tiếp (Communication) là khả năng trình bày quan điểm mạch lạc, dễ hiểu và bảo vệ, thuyết phục người khác chấp nhận ý kiến của mình.
Bên cạnh nói, lắng nghe cũng là một phần trong giao tiếp, bởi nó thể hiện thái độ tôn trọng dành cho người đối diện.
Không ít người thiếu sót 2 kỹ năng trên vì chưa được tập luyện lúc còn đi học. Cách đơn giản để cải thiện là bạn tập nhận định về một vấn đề nào đó và nói lại một cách logic.
Tự học
Việc học không nên dừng lại sau khi chúng ta rời khỏi ghế nhà trường.
Ở thời 4.0, đặc biệt là sau những thay đổi do dịch, khả năng tiếp thu nhanh (Learning Agility) lại càng cần thiết. Lý do là những gì bạn biết về công việc có thể lỗi thời chỉ sau 1-2 năm. Hoặc, dễ thấy nhất là những ứng dụng phục vụ họp và trao đổi online cũng nâng cấp tính năng mới mỗi tháng.
Để thích ứng, người đi làm cần xác định đâu là phương pháp học hiệu quả nhất dành cho mình, song song với việc liên tục cập nhật xu hướng, thông tin mới.
Thay vì nói "tôi không biết", bạn nên sửa thành "tôi chưa biết nhưng hoàn toàn có thể biết nếu tôi muốn". Thái độ cởi mở, ham thích học điều mới sẽ đưa bạn tiến xa hơn trong sự nghiệp.
Làm việc từ xa
Kỹ năng làm việc từ xa (Remote Working) ít được đề cập trong danh sách kỹ năng cho công việc tương lai, có lẽ vì cũng chỉ mới phổ biến tại Việt Nam trong thời gian giãn cách xã hội.
Cụ thể, bạn nên chủ động thành thạo các công cụ làm việc nhóm trực tuyến, nắm rõ cách vận hành của ứng dụng và tận dụng hết chức năng để tăng hiệu quả công việc.
Chỉ với một vài cú nhấp chuột tìm kiếm cụm từ "online collaboration tool", bạn sẽ có một danh sách tên công cụ để trải nghiệm.
Mỗi môi trường bạn đến trong tương lai sẽ sử dụng một hay nhiều công cụ khác nhau, việc chuẩn bị sớm sẽ giúp bạn ít bỡ ngỡ và bắt nhịp nhanh hơn ở bất kỳ nơi nào. Ngoài ra, khi tìm được loại phù hợp với mình nhất, bạn có thể gắn bó lâu dài.
Theo quan sát của tôi, lợi thế của Gen Z là tiếp xúc với Notion, Trello, Asana,... khá sớm. Tuy nhiên, hầu hết chúng vẫn chỉ được sử dụng để tự quản lý to-do list.
Các bạn trẻ có thể thử tiến thêm một bước, dùng app để làm việc với nhau dù trong hay ngoài công ty, từ đó chuyên nghiệp hóa mọi dự án của mình.
Xây dựng mạng lưới mối quan hệ
Công việc tốt thường đến từ những người bạn quen biết, những người hiểu rõ bạn và tính chất công việc. Khi giới thiệu, họ đã ít nhiều biết bạn phù hợp với vị trí nhất định.
Do đó, xây dựng mối quan hệ (Networking) là chiếc chìa khóa cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng.
Bên cạnh việc mở rộng kết nối của mình, bạn còn có thể theo dõi những chuyên gia đầu ngành và học hỏi từ họ. Kết hợp với xây dựng thương hiệu cá nhân, Networking sẽ mở ra cho bạn nhiều cơ hội trong thời đại mới.