Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Tôi áp dụng 'ăn con ếch' mỗi ngày để tạo động lực làm việc

Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, phương pháp "ăn con ếch" giúp tôi giảm trì hoãn và giải quyết các công việc cần thiết.

phuong phap eat that frog anh 1

Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, phương pháp "ăn con ếch" giúp tôi giảm trì hoãn và giải quyết các công việc cần thiết.

phuong phap eat that frog anh 2

Điểm chính:

  • Phương pháp Eat that Frog giúp bạn dành năng lượng cho việc khó nhất trong ngày.
  • Bạn có thể kết hợp nó với phương pháp Eisenhower.
  • Các "cú đêm" không nhất thiết phải "ăn con ếch" vào sáng sớm.

Giống với hầu hết người đi làm, tôi cũng có những ngày tràn đầy năng lượng và những ngày lười biếng, không muốn làm việc.

Để duy trì tiến độ xử lý công việc hàng ngày, những lúc như vậy, bước khởi đầu với tôi rất quan trọng. Chỉ cần bắt tay vào làm, nhiều khả năng tôi có thể thoát khỏi cảm giác tiêu cực và đi đến cuối ngày.

Đây cũng là điều mà tôi học được từ tác giả Brian Tracy - người nghiên cứu về phát triển bản thân và nâng cao hiệu suất.

Trong cuốn sách về quản lý thời gian của mình, Tracy đã đề cập đến phương pháp Eat that Frog. Bằng cách này, bạn có thể vượt qua sự trì hoãn và hoàn thành trách nhiệm của mình.


Eat that Frog là gì?

"Nếu công việc của bạn là ăn một con ếch, tốt nhất bạn nên làm ngay vào buổi sáng. Và nếu bạn có nghĩa vụ ăn 2 con ếch, hãy ăn con to hơn trước", nhà văn Mark Twain từng nói.

Câu nói trên đã truyền cảm hứng cho Brian Tracy khi ông phát triển Eat that Frog.

Về cơ bản, nguyên tắc của phương pháp này là xác định một việc quan trọng nhất trong ngày và xử lý đầu tiên.

Nhiều người bận rộn cho rằng họ có "trăm công nghìn việc" mỗi ngày, do đó không thể chỉ làm một thứ.

Ngược lại, theo Tracy, lối tư duy ông đề xuất rất phù hợp với người luôn bị nhấn chìm trong công việc. Lý do là nó giúp họ đặt việc lớn nhất, khó nhất lên hàng đầu trước khi tính tới những thứ khác.


4 bước thực hiện Eat that Frog

  • Xác định "con ếch" của bạn. Đây thường là một việc hao tốn năng lượng và đòi hỏi sự tập trung cao (đôi khi là điều bạn không thích nhưng buộc phải làm). Lưu ý: Chỉ chọn một việc duy nhất.
  • Xử lý nó. Buổi sáng ngay sau khi ngồi vào bàn, hãy "ăn con ếch" trước và cố gắng hoàn thành nhanh, không dây dưa.
  • Tiếp tục làm các việc còn lại. Bạn có thể sắp xếp theo thứ tự từ việc khó nhất đến đơn giản nhất.
  • Lặp lại hàng ngày để tạo phản xạ về lâu dài.


Vì sao Eat that Frog hiệu quả?

Ngay cả khi bạn đã quen thuộc với những cách quản lý thời gian khác như Pomodoro (quả cà chua) hay Time Blocking (lập khối thời gian), phương pháp của Tracy vẫn có thể hiệu quả với bạn vì:

  • Tăng khả năng làm việc sâu. Để ưu tiên hoàn thành một việc, chúng ta phải dời các thú vui qua một bên và cố gắng không bị phân tâm.
  • Tạo thói quen lên kế hoạch, hạn chế để những mục không tên chen vào.
  • Khích lệ tinh thần của bạn đầu ngày. Nếu đã làm được nhiệm vụ khó nhất, bạn có thể tự tin vượt qua những khó khăn khác.
  • Tận dụng năng lượng. Buổi sáng thường là lúc chúng ta minh mẫn nhất, vì vậy không nên lãng phí sức lực vào việc lặt vặt.
  • Sự đơn giản và linh hoạt. Eat that Frog dành cho mọi người ở mọi ngành nghề.


Tôi đã áp dụng Eat that Frog như thế nào?

Ở 1-2 ngày đầu, tôi liệt kê tất cả đầu việc ra giấy ghi chú vào tối hôm trước. Hôm sau, tôi sẽ làm theo thứ tự từ trên xuống dưới.

Vấn đề là tôi đã chọn sai "con ếch" của mình. Một vài ngày, tôi chỉ mất 30 phút để hoàn thành việc thứ nhất trong danh sách. Đến chiều khi phải đối diện với thứ khó hơn, tôi mất nhiều tiếng để làm vì lúc này đầu óc đã thấm mệt.

Vì vậy, tôi rút ra kinh nghiệm đánh giá "con ếch" dựa trên thời gian cần để làm, trong trường hợp mức độ khẩn cấp ngang nhau. Thông thường, đây là việc lấy của tôi ít nhất nửa ngày (trên dưới 4 tiếng).

Tập trung tối đa và không lướt mạng xã hội giữa chừng là chìa khóa. Khi làm xong, tôi nhận ra mình còn khá nhiều thời gian để ăn trưa, nghỉ ngơi rồi trở lại với việc khác.

Sử dụng ma trận Eisenhower, chia nhiệm vụ dựa trên tầm quan trọng và tính cấp thiết, để xác định ưu tiên cũng là một cách hay khi cần phân loại các yêu cầu chen ngang.

Ví dụ, trong lúc tôi đang đọc tài liệu quan trọng, nếu đối tác cần tôi trả lời email gấp, tôi sẽ cân nhắc làm việc đó trước rồi quay lại ngay khi có thể. Hoặc, tôi chờ đến khi đọc xong rồi trả lời email trước khi làm việc khác.

Với những ngày tôi thức khuya và cảm thấy mệt mỏi vào buổi sáng, tôi không ép buộc mình làm việc khó ngay.

Thay vào đó, tôi uống cà phê, khởi động bằng những việc nhẹ nhàng và chuyển sang "con ếch" khi bản thân khỏe khoắn nhất.

Thiên Hân

Đồ họa: Feng

Bạn có thể quan tâm