Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã không vô cớ khi quả quyết bệnh trầm cảm đang và sẽ tiếp tục là mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng ở châu Âu trong nhiều thập niên sắp tới. Bằng chứng là theo thống kê của các hãng bảo hiểm y tế, không dưới 1/5 người dân châu Âu đang là nạn nhân của tình trạng suy nhược thần kinh, từ nhẹ như mất ngủ bước qua trầm uất đến độ phân liệt cá tính với đủ dạng rối loạn tâm thần.
Khỏi rao cũng hết hàng!
Hơn 1 tỷ viên thuốc an thần mỗi năm chỉ để mua giấc ngủ bằng giá rất đắt vì trả góp với sức khỏe của nạn nhân. Thuốc nào cũng là dao hai lưỡi. Người dùng thuốc ngủ không thể tránh hậu quả của thuốc do:
• Sớm muộn cũng lệ thuộc thuốc, nếu không được điều trị theo nguyên nhân mà chỉ dùng thuốc theo kiểu khò khò được đêm nào hay đêm nấy. Chuyên gia ở trung tâm nghiên cứu về giấc ngủ Stuttgart, CHLB Đức đã báo động nhiều lần về hội chứng mất ngủ do thiếu thuốc ngủ.
• Bao giờ cũng phải tăng dần liều lượng, nghĩa là phải dùng thuốc nhiều hơn hoặc thậm chí đổi thuốc khác mạnh hơn, nghĩa là đành chọn thuốc độc hơn.
• Thuốc an thần hóa chất tổng hợp nào cũng có phản ứng phụ bất lợi. Người bệnh cuối cùng mất ngủ trầm trọng không vì nguyên nhân ban đầu, mà do độc tính tích lũy của thuốc an thần đã dùng trước đó.
Nhiều bệnh nhân còn rất trẻ nhưng đã phải vào bệnh viện tâm thần. |
Vấn đề không chỉ là gánh nặng tài chính
Theo ước tính của các hãng bảo hiểm, chi phí cho việc điều trị hậu quả của thuốc an thần cao tối thiểu gấp ba lần tiền tốn cho một năm uống thuốc ngủ. Phân nửa số khách hàng thân thiết của thuốc an thần vì là bệnh nhân trầm uất nên “bị” điều trị bằng thuốc ngủ kết hợp với thuốc đặc hiệu.
Éo le chính ở chỗ, theo kết quả của nhiều công trình nghiên cứu đối chứng của các trường đại học y dược lâu đời ở Đức, Áo và Thụy Sĩ, thuốc ngủ hóa chất không giúp ích được gì trong bệnh trầm uất.
Vấn đề vẫn chưa dừng lại ở đó
Các nhà nghiên cứu hiện không còn nghi ngờ việc lạm dụng thuốc ngủ thậm chí là một trong các nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Bằng chứng là:
• Không dưới 60% người dùng thuốc ngủ loại mạnh dễ mang thêm chứng nhức đầu kinh niên, khiến phải bỏ học, nghỉ việc.
• Số nạn nhân của tai biến mạch máu não trước đó thường dùng thuốc an thần cao gấp ba lần số người cao huyết áp nhưng không lệ thuộc thuốc ngủ.
• Số tử vong vì nhồi máu cơ tim trước đó hay dùng thuốc ngủ cao gấp đôi nhóm ít khi dùng thuốc.
Đừng tưởng chỉ là chuyện khổ ở xứ người
Trầm uất chắc chắn không vẫy tay từ giã nếu không bị tống khứ khỏi cửa. Vấn đề chỉ là chọn biện pháp nào. Không lẽ bắt bệnh nhân ngủ vùi để quên nỗi buồn triền miên? Thầy thuốc tất nhiên phải cho thuốc an thần, mặc dầu biết rõ đó chỉ là giải pháp hạ sách, trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng vì không lẽ để bệnh nhân thức trắng.
Nhưng như khuyến cáo của các y sĩ đoàn ở châu Âu, thầy thuốc phải tìm cho ra lối thoát cho bệnh nhân bằng cách vừa giảm thuốc, vừa thay thuốc hóa chất bằng dược thảo, vừa truy tìm nguyên nhân gây mất ngủ, chẳng hạn vì bệnh tiểu đường, rối loạn chức năng tuyến giáp, mãn kinh, liệt dương…, vừa phối hợp phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, thiền định, dưỡng sinh…, thay vì chỉ tìm cách đánh lừa hệ thần kinh của bệnh nhân bằng tác dụng chẳng khác nào gây mê của thuốc ngủ.
Đừng chọn giải pháp tạm bợ
Trong mọi trường hợp mất ngủ, thuốc an thần loại hóa chất tổng hợp rõ ràng chỉ là giải pháp tạm bợ, cho đến lúc nào thuốc mất tác dụng, hay thậm chí chỉ còn tác hại vì độc tính tích lũy trong quá trình dùng thuốc lâu dài.
Mặt khác, trầm uất khó có thể tự tung tự tác nếu có cách nào tối ưu hóa tiến trình chuyển hóa dưỡng khí cho tế bào não bộ, đồng thời ổn định dẫn truyền thần kinh bằng hoạt chất sinh học. Đáng tiếc vì giải pháp không hề thiếu, nếu thầy thuốc và bệnh nhân đồng lòng kiên nhẫn tìm về sức kháng bệnh từ thiên nhiên, với hoạt chất sinh học trong cây thuốc có tác dụng thư giãn thần kinh không hề thiếu trong kinh nghiệm y học dân gian.
Các y sĩ đoàn ở châu Âu, nơi thừa thuốc an thần, chắc chắn phải có lý do chính đáng khi cổ động người dân tập thiền, tập yoga, cho dù lời khuyên mích lòng các đại gia làm giàu nhờ bán thuốc.