Theo Nhà tâm lý học trẻ em Mona Delahooke, cả phương pháp dạy con truyền thống và phương pháp dạy con nhẹ nhàng đều không ổn cho sự phát triển của trẻ. Ảnh: Vecteezy. |
Nhà tâm lý học trẻ em Mona Delahooke cho hay bà không thích cụm từ phương pháp nuôi dạy con cái "nhẹ nhàng" (gentle parenting).
"Người ta đang nói quá nhiều về phương pháp này nhưng không thật sự hiểu nó. Mọi người nghĩ rằng điều này đơn giản là nói 'không', tuy nhiên, đó không phải là tất cả", bà nói.
Trong cuốn Brain-Body Parenting: How to Stop Managing Behavior and Start Raising Joyful, Resilient Kids (tạm dịch: Cách ngừng quản lý hành vi và nuôi dạy những đứa trẻ vui vẻ, kiên cường) của mình, Delahooke đề cập đến một phương pháp nuôi dạy trẻ chi tiết hơn là "nuôi dạy trẻ thích ứng" (responsive parenting).
"Nghiên cứu khoa học thần kinh di truyền chỉ ra phương pháp này có thể kích thích khả năng hồi phục trong mỗi người", bà nói
Nuôi dạy con thích ứng với nuôi dạy con nhẹ nhàng
Theo bà Delahooke, phương pháp nuôi dạy con cái nhẹ nhàng không được định nghĩa rõ ràng trong nghiên cứu.
"Nó chỉ là một thuật ngữ nghe có vẻ thu hút", bà nói thêm rằng so với phương pháp nuôi dạy con truyền thống, bố mẹ theo phương pháp nuôi dạy con nhẹ nhàng có ít quyền lực với con cái hơn.
Phương pháp dạy con nhẹ nhàng thực ra chỉ là một thuật ngữ và không có định nghĩa rõ ràng. Ảnh minh họa: Unsplash. |
Khác với phương pháp nuôi dạy trẻ nhẹ nhàng, phương pháp nuôi dạy con thích ứng đã được tác giả Delahook và các đồng sự định nghĩa..
"Đây là phương pháp xoa dịu thần kinh của trẻ khi chúng gặp khó khăn", bà nói
Nuôi dạy con thích ứng với nuôi dạy con truyền thống
Nhiều người vẫn còn cho rằng trẻ em hành động tốt để thu hút sự chú ý và đạt được những thứ chúng muốn hoặc không vì mục đích gì cả. Theo tác giả Delahooke, suy nghĩ này có thể để lại hậu quả nếu phụ huynh nào theo đuổi phương pháp nuôi dạy con truyền thống.
"Chúng tôi không nghĩ vậy. Chúng tôi tin rằng trẻ em làm tốt chỉ vì muốn cha mẹ chúng hài lòng", bà nói.
Ngoài ra, theo bà, khi một đứa trẻ thể hiện sự thất vọng vì không được mua món ăn vặt mà chúng muốn, đứa trẻ này không phải không biết ơn, chỉ là em chưa đủ phát triển về tâm lý để biết cân bằng và đối phó với sự thất vọng.
"Trẻ con chưa thể biết tự cân bằng cảm xúc. Chúng sẽ có một quá trình rất dài để học cách chấp nhận sự thất vọng, sự chông chênh và cách tự nói chuyện với bản thân", bà Delahooke đánh giá phương pháp nuôi dạy con truyền thống không chú trọng những gì bà liệt kê ở trên, không tốt cho sự phát triển cảm xúc con trẻ.
Bà tiếp tục lấy ví dụ về đứa trẻ nói trên. Theo phương pháp dạy con truyền thống, đứa trẻ sẽ vừa không có đồ ăn vừa bị la mắng hoặc bị phạt và không được cha mẹ hiểu cảm xúc của mình.
"Không chỉ nổi giận, bạn gán động cơ tiêu cực lên con, trong khi đối với con trẻ, cảm xúc mong muốn có gì đó chúng nhìn thấy trong cửa hàng là hoàn toàn bình thường", bà nói.
Theo bà Delahooke, phụ huynh không nên gán suy nghĩ của mình lên con trẻ và trừng phạt chúng. Ảnh: Pexels. |
Ngược lại, ở phương pháp dạy con thích ứng, phụ huynh sẽ thừa nhận cảm xúc của con, dạy con biết điều tiết cảm xúc thông qua những mối quan hệ an toàn và tin cậy xung quanh.
Tiếp cận cơn giận dữ của con bằng sự đồng cảm thay vì phán xét có thể ảnh hưởng đến hóa học não bộ của chúng theo hướng tích cực.
"Khi sự thất vọng được nhẹ nhàng chấp nhận, phản ứng căng thẳng của não và cơ thể của đứa trẻ sẽ giảm bớt. Sự quan tâm của người lớn thay đổi cách cơ thể và não bộ của trẻ phản ứng với căng thẳng cũng như làm giảm các yếu tố kích thích căng thẳng", bà giải thích.
Khi để con trẻ tự tìm cách xử lý những cảm xúc khó chịu, phụ huynh đang giúp chúng tăng khả năng điều tiết cảm xúc.
"Những điều bất ngờ xảy ra thường xuyên xung quanh con trẻ. Nếu phụ huynh không để con tự xử lý khi gặp khó khăn, chúng sẽ không phát triển được khả năng phục hồi và điều chỉnh cảm xúc", bà nói.
Delahook cho hay: "Những người trẻ trường thành được nuôi dạy theo phương pháp này có các mối quan hệ tốt hơn và mức độ hạnh phúc cao hơn". Theo bà, dạy con theo phương pháp thích ứng có thể góp phần giúp con hạn chế các bệnh tâm lý khi trưởng thành do chúng đã học cách cân bằng cảm xúc từ nhỏ.
Mục Giáo dục gợi ý những tựa sách hay cho những độc giả quan tâm đến vấn đề khám phá và phát triển bản thân.