Đăng ký làm việc xuyên Tết, bartender Hoàng Anh (25 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) không về nghỉ lễ với gia đình. Anh tranh thủ dịp này kiếm thu nhập, vì lương các ngày 30 Âm lịch, mùng 1 và 2 Tết được tăng 1,5 lần.
Hoàng Anh cho biết hệ số lương này thấp hơn năm ngoái. Tuy nhiên, anh vui vẻ chấp nhận mức thu nhập này sau khi chủ quán bar bày tỏ mong muốn được nhân sự hỗ trợ dịp lễ. Hơn nữa, anh cũng cần kiếm thêm để "hiện thực hoá" kế hoạch đổi xe máy trong năm mới.
Không chỉ làm việc trong suốt kỳ nghỉ lễ, anh còn chủ động đăng ký số giờ làm gấp đôi ngày thường. Hoàng Anh ước tính mình nhận được gần 10 triệu đồng khi đứng quầy chỉ trong 3 ngày Tết.
“Đây là năm thứ 2 tôi xa quê dịp Tết Nguyên đán vì công việc. Bố mẹ ở nhà cũng thông cảm, hiểu cho đặc thù nghề nghiệp của con trai”, Hoàng Anh chia sẻ với Tri thức - ZNews.
Nhiều người trẻ làm việc xuyên suốt Tết Nguyên đán nhằm gia tăng thu nhập, không về quê trong kỳ nghỉ lễ. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Không chỉ Hoàng Anh, nhiều người trẻ cũng chọn ở lại thành phố để kiếm thêm thu nhập, thay vì về quê nhà đón Tết Âm lịch. Họ mong muốn nhận mức lương gấp đôi, gấp ba trong dịp này, đồng thời tiết kiệm chi phí đi lại, quà cáp.
Trong khi một số tranh thủ về nhà sắm sửa cho bố mẹ trước Tết, nhiều người lại quyết định dành thời gian cho gia đình sau khi kỳ nghỉ lễ chính thức kết thúc.
Làm việc xuyên Tết
Là phiên dịch viên chuyên phục vụ khách du lịch, thương nhân đến từ châu Âu, Hà An (26 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) dần quen với những mùa Tết không về nhà. Cô nhẩm tính đã 3 năm chưa đón Tết ở quê hương Nam Định.
Hà Anh nhiều năm ở lại thành phố tiếp các đoàn khách nước ngoài thay vì về quê đón Tết. |
Với nhiệm vụ tiếp đón các đoàn khách quốc tế từ mùng 1 đến mùng 3 Tết, cô nhận thêm khoản tiền thưởng bằng một tuần lương từ phía công ty.
Hơn nữa, khách hàng thường tip nhiều hơn cho cô trong dịp lễ, Tết.
Những năm trước, Hà An cho biết gia đình chỉ phàn nàn vài ba câu, rồi “tặc lưỡi” để con gái ở lại thành phố gia tăng thu nhập.
Tuy nhiên, dịp Tết Giáp Thìn 2024, gia đình thể hiện thái độ phản đối quyết liệt hơn, mong con gái về quê dịp đầu xuân năm mới.
“Bố mẹ một phần vì thương con vất vả, một phần muốn tôi về quê chào hỏi họ hàng, đi xem mắt, tìm kiếm đối tượng nên duyên. Thế nên, tôi càng quyết tâm ở lại Hà Nội”, Hà An nói.
Tương tự, barista Thảo Trang (23 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng làm việc xuyên suốt Tết Nguyên đán, không về quê nhà Thanh Hóa dịp này. Trang cho biết giá vé máy bay những ngày cận Tết tăng cao khiến cô ngần ngại bỏ ra một khoản chi phí di chuyển.
Hơn nữa, nếu có mặt ở quê trong dịp lễ, Thảo Trang sẽ phải lo một khoản chi lớn cho việc biếu xén, quà cáp, ngốn vào quỹ tài chính eo hẹp của cô trong năm nay.
Nhận thấy “tốn kém đủ đường”, Trang quyết định ở lại TP.HCM làm việc suốt kỳ nghỉ. Đi làm ngày lễ, barista này nhận mức lương gấp đôi cùng phụ cấp ăn trưa, ăn tối.
“Tôi tranh thủ ‘cày tiền’ trong dịp này. Bố mẹ cũng hiểu nỗi lo tài chính của con gái nên không giục về”, Thảo Trang nói với Tri thức – Znews.
Về nhà trước hoặc sau kỳ nghỉ lễ
Thảo Trang dự định về nhà vào ngày 19/2, đón cái Tết muộn bên gia đình. Sau một tuần làm việc với mức lương nhân đôi, cô để dư được một khoản mua vé máy bay. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm giá vé máy bay khởi hành từ TP.HCM có xu hướng "hạ nhiệt".
Hơn nữa, khi về quê muộn, cô có thể tránh phải nghe các câu hỏi gây khó, như "Bao giờ lấy chồng?" hay "Lương tháng bao nhiêu?", từ người thân, họ hàng. Cô cũng tiết kiệm được một khoản chi phí quà cáp, lì xì. Số tiền này cô dự định sẽ gửi trực tiếp bố mẹ.
“Về quê sau Tết, tôi mới có thể thực sự nghỉ ngơi, không phải ‘chạy đôn chạy đáo’ lo cỗ bàn hay chào hỏi họ hàng”, Trang nói.
Cô dự tính sẽ ở nhà đến hết Rằm tháng Giêng (tức ngày 24/2), rồi trở lại thành phố làm việc. Phương án này giúp cô vừa đỡ tốn kém, vừa có thời gian dành cho gia đình và bản thân.
Một số về quê sắm sửa trước Tết, nhiều người lại đón lễ muộn cùng gia đình. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Trong khi đó, Hoàng Anh đã về quê từ trước Tết Nguyên đán. Xác định sẽ làm việc xuyên kỳ nghỉ lễ, anh mua vé xe khách về Thái Bình từ ngày 23 tháng Chạp (2/2), sửa soạn lễ cúng ông Công, ông Táo cùng gia đình.
Hoàng Anh gửi 3 triệu đồng cho bố mẹ sắm sửa cây quất, cành đào, bánh mứt. Anh cũng tranh thủ 3 ngày ở nhà phụ giúp việc vặt, như chuẩn bị mâm cỗ cúng hay trang hoàng nhà cửa.
“Biết bố mẹ đều có tuổi, tôi không yên tâm để phụ huynh ‘tự thân vận động’, cố gắng thu xếp về trước Tết đỡ đần được việc gì hay việc đấy”, Hoàng Anh tâm sự.
Thu vén xong xuôi cho gia đình, anh mới yên tâm lên xe quay lại thành phố, chuẩn bị tinh thần làm việc xuyên suốt kỳ nghỉ lễ.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.