- Tổng giám đốc Công ty cổ phần OneSecond Việt Nam.
- Phó chủ tịch Hội đồng tài chính cá nhân, Hiệp hội Tư vấn tài chính cá nhân Việt Nam.
- Chứng chỉ CFEI Nhà giáo dục tài chính của Hội đồng tài chính Mỹ.
Người trẻ ngày càng quan tâm đến quản trị tài chính cá nhân. Họ chú ý đến việc tích lũy, đầu tư an toàn, có kế hoạch trong tương lai và nhắm đến các mục đích dùng tiền rõ ràng.
Tuy nhiên, có một thực trạng là nhiều bạn trẻ chỉ đang tập trung vào những loại vật chất hữu hình như tiền, vàng, bất động sản… mà quên mất việc phải quản lý một loại tài sản khác quan trọng không kém: tài sản vô hình.
Dưới đây, tôi chia sẻ góc nhìn về tài sản vô hình hay còn gọi là vốn tự thân trong tài chính cá nhân.
Tài sản vô hình là gì?
Đây là loại tài sản không có hình thái vật chất, nhưng có khả năng tạo ra các quyền và lợi ích kinh tế. Đối với một doanh nghiệp, đó có thể là bằng sáng chế, các phần mềm, ý tưởng kinh doanh...
Còn với cá nhân, tài sản vô hình chính là nguồn vốn con người (human capital), bao gồm trí tuệ, sức khỏe, mối quan hệ, học vấn, sự sáng tạo… Những tài nguyên này giúp chúng ta tạo nên tài sản hữu hình.
Quản lý tài sản vô hình không kém phần trọng trong lộ trình hoạch định tài chính cá nhân. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels. |
Trên thực tế, tài sản của một cá nhân được tạo ra từ 2 nguồn lực:
- Nguồn vốn con người (human capital).
- Nguồn vốn tài sản (financial capital): Tiền, vàng, bất động sản…
Trong cùng một thời điểm cuộc đời, 2 nguồn vốn này sẽ đi theo 2 hướng hoàn toàn khác nhau.
Ví dụ:
Bạn hiện 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học. Lúc này, "financial capital" của bạn thấp hoặc bằng 0 bởi chưa có tài sản để tích lũy. Song, nếu xét về "human capital", bạn đã tích lũy được con số đáng kể qua một thời gian nhất định, đó là kiến thức từ trường lớp, kỹ năng xã hội, mối quan hệ...
Trên thang điểm 100, lúc này, tài sản vô hình của bạn ở mức khoảng 30 điểm. Từ số "của cải" này, bạn sẽ phát triển thêm, bắt đầu sử dụng nó để đi làm, tạo ra các loại tài sản hữu hình.
Qua thời gian, "human capital" của bạn bắt đầu tăng lên và đạt đến đỉnh cao nhất. Theo tôi, 30-40 tuổi chính là thời điểm đỉnh cao của tài sản vô hình, khi chúng ta tích lũy được kinh nghiệm sống, làm việc và mối quan hệ xã hội chất lượng.
Đến năm 40-50 tuổi, sức khỏe bạn kém đi, trí lực giảm, không còn cập nhật được xu hướng mới của xã hội... Sau nghỉ hưu, "human capital" của chúng ta thường sẽ giảm dần. Lúc này, nguồn vốn tài sản (financial capital) sẽ lại tịnh tiến, tăng dần đều nếu chúng ta biết tích lũy, quản lý, đầu tư.
Về cuối đời, "financial capital" có thể là đỉnh cao của một người, đạt mốc 80-90 điểm trên thang 100.
Như vậy, chúng ta có thể đưa ra công thức cho tổng tài sản của một người trong suốt cuộc đời:
Tổng tài sản (Total capital) = Nguồn vốn tài sản + Nguồn vốn con người.
Cả hai nguồn vốn này đều quan trọng như nhau. Nhiều người không quản lý tài sản vô hình vì cho rằng mình sẽ luôn có sức khỏe và công việc mà không nhận ra các nguồn vốn này sẽ giảm đi theo thời gian, dễ gặp phải rủi ro nếu có tai nạn, bệnh tật, mất khả năng lao động, không tạo ra mối quan hệ.
Khi xảy ra những vấn đề khiến "human capital" về mức 0, đó là thời điểm ta cần phải có tài sản hữu hình để giải quyết khủng hoảng tài chính của bản thân.
Tôi xin nhấn mạnh, giai đoạn bắt đầu sự nghiệp là thời điểm tốt nhất để các bạn tận dụng nguồn vốn con người nhằm tạo ra nguồn vốn tài sản. Theo thời gian, bạn phải làm cho nguồn lực tài sản này ngày càng lớn mạnh, dồi dào để có thể nuôi sống bản thân, đề phòng rủi ro khi tài sản vô hình đã cạn kiệt.
Theo chuyên gia, khi còn trẻ, chúng ta nên chú trọng phát triển và quản lý tài sản vô hình thay vì chỉ tập trung vào vật chất hữu hình. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels. |
Có thể thẩm định tài sản vô hình hay không?
Với các loại tài sản hữu hình như tiền, bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu..., việc thẩm định giá trị tương đối đơn giản.
Còn về nguồn vốn con người, có một vài cách để thẩm định giá trị chung như sau:
- Định giá chi phí tạo nên một tài sản.
- Định giá loại tài sản đấy có thể tạo ra bao nhiêu dòng thu nhập trong tương lai.
Đầu tiên, để thẩm định giá trị vốn tự thân, một người phải tự xem họ là tài sản.
Ví dụ, cá nhân đó có thể kiếm được 200 triệu đồng/năm. Từ đó, ta có thể định giá được toàn bộ cuộc sống của người đó và giá trị mà họ tạo ra là bao nhiêu tiền, hay còn gọi là Human Life Value (giá trị đời sống con người).
Thứ hai, chúng ta có thể định giá tài sản vô hình bằng cách xác định số tiền ta đã bỏ ra để đầu tư vào nó, ví dụ như mua thực phẩm sạch, ăn uống khoa học, rèn luyện sức khỏe, xây dựng các mối quan hệ, bổ sung kiến thức, học tập... Lúc đó, ta xác định được chi phí đã bỏ ra và có thể thẩm định được giá trị của nguồn vốn tự thân.
Thứ ba, chúng ta có thể định giá tài sản vô hình bằng mối quan hệ, kỹ năng. Tuy nhiên, cách xác định này hơi khó, trừ khi bạn ước tính được từ mối quan hệ, kỹ năng đó tạo ra cho chúng ta bao nhiêu thu nhập.
Ví dụ: Một mối quan hệ xã hội giúp bạn có thêm công việc thứ hai, thu nhập thêm 100 triệu đồng/năm. Lúc này, ta có thể định giá tài sản vô hình đó.
Theo chuyên gia, một vài tài sản vô hình có thể thẩm định được giá trị mà chúng mang lại. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels. |
Theo tôi, về logic, mỗi người đều cần phải tập trung phát triển tài sản vô hình song song với việc quản lý tài sản hữu hình. Tuy nhiên, khi làm việc với nhiều bạn trẻ, tôi hiểu mỗi người đều có một tư duy, quan điểm quản lý tài chính khác nhau.
Do đó, trước khi lên lộ trình tài chính trong suốt một cuộc đời của mình, tôi muốn các bạn trẻ cần phải xác định được mục tiêu cuộc sống của họ. Có người sẽ có nhu cầu ổn định kinh tế, phát triển sự nghiệp, một số khác sẽ thích trải nghiệm cuộc sống và chú trọng vào cảm xúc cá nhân.
Khi đó, góc nhìn và nhu cầu của một người sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hành vi của người đó. Vì thế, chỉ khi xác định được mục tiêu của mình, các bạn sẽ hình thành được tư duy quản lý tài sản vô hình lẫn tài sản hữu hình một cách hiệu quả nhất.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.