Dịp cuối năm là thời điểm diễn ra nhiều bữa tiệc và sự kiện, ngập tràn không khí lễ hội náo nhiệt và đầy niềm vui.
Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn hòa mình vào đám đông và tận hưởng sự ồn ào của những cuộc vui này. Thế nhưng, họ vẫn chấp nhận mọi lời mời dự tiệc vì lo sợ những hậu quả có thể xảy đến nếu từ chối, theo NPR.
Khách mời nên mạnh dạn nói lời từ chối các cuộc vui nếu không muốn tham dự. Ảnh minh họa: Polina Tankilevitch/Pexels. |
Nỗi sợ từ chối
Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA), được công bố gần đây trên tạp chí Journal of Personality and Social Psychology, 77% trong số hơn 2.000 người được khảo sát cho biết sẽ chấp nhận lời mời tham dự một sự kiện nào đó dù họ không thấy hứng thú.
Tiến sĩ Julian Givi, trợ lý giáo sư tại Đại học West Virginia (Mỹ) và tác giả nghiên cứu, chia sẻ rằng ông thực hiện nghiên cứu này từ chính trải nghiệm cá nhân.
"Tôi được mời tham dự một đám cưới. Vì địa điểm khá xa và việc di chuyển vất vả, tôi thực sự không muốn đi. Nhưng tôi lại nghĩ rằng 'Mình chẳng thể từ chối nhỉ? Họ sẽ ghét tôi nếu làm vậy?'", ông kể lại.
Xuất phát từ nỗi lo lắng này, tiến sĩ Givi băn khoăn mọi người có đang làm quá về những hậu quả tiêu cực đó, thậm chí liệu chúng có thực sự tồn tại hay không.
Nghiên cứu cho thấy lý do khiến nhiều người thường ngần ngại nói lời từ chối là sợ làm đối phương thất vọng. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ đôi bên, ngay cả đó là mối quan hệ lâu dài. Cùng với đó là nỗi lo lắng sẽ không còn nhận được lời mời nào khác trong tương lai.
Thành thật với cảm xúc không muốn tham dự tiệc tùng là quyền của mỗi cá nhân. Ảnh minh họa: Polina Tankilevitch/Pexels. |
Sự thật về việc từ chối lời mời
Cuộc nghiên cứu của tiến sĩ Givi đã “giải oan” cho cảm xúc thực của người gửi lời mời.
Khi đánh giá và dự đoán cảm xúc sau khi từ chối một lời mời, có sự chênh lệch lớn giữa những người mời và khách mời.
Nhóm khách mời thường phóng đại về những hậu quả tiêu cực, dù phía người mời lại không hề cảm thấy như vậy. Tiến sĩ Givi nhấn mạnh rằng sự phóng đại này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực trong mối quan hệ giữa hai bên.
Trong khi đó, trên thực tế, người mời thường thông cảm và chấp nhận khi người khác có lý do từ chối. Việc nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn có thể xoa dịu những lo lắng không cần thiết và xây dựng mối quan hệ một cách lành mạnh hơn.
Nghiên cứu cũng lưu ý rằng việc gượng ép nhận lời mời trong mùa lễ hội cũng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Để có thể từ chối nhưng vẫn thể hiện được sự trân trọng đối với người mời, tiến sĩ Givi đưa ra một số gợi ý như sau:
- Đừng chỉ nói “không”, hãy đính kèm lý do hợp lý trong lời từ chối. Việc chia sẻ thêm về lý do bạn không thể tham gia có thể khiến đối phương thấu hiểu và dễ cảm thông hơn.
- Hãy thẳng thắn đề cập đến vấn đề tiền bạc nếu đó là sự kiện cần chi trả. Tiến sĩ Givi cho biết người mời sẽ không gây áp lực cho khách mời nếu lý do liên quan đến vấn đề tài chính.
- Đưa ra một đề xuất thay thế. Hãy chủ động gợi ý một cuộc hẹn khác để thể hiện rằng bạn coi trọng mối quan hệ này và vẫn muốn tiếp tục kết nối với họ.
Nhà có nhiều cột
Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Lifestylegiới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.