Một số doanh nghiệp có xu hướng "từ bỏ" tiệc tất niên năm nay. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
"Trong 3 năm gắn bó, tôi mới chỉ được tham gia một bữa tiệc tất niên duy nhất", Hồng Hà (25 tuổi, quận 4, TP.HCM), nhân viên tại một công ty công nghệ, kể với Tri thức - Znews.
Năm 2021, cũng là năm đầu tiên cô làm việc ở doanh nghiệp này, ban lãnh đạo không tổ chức tiệc year end party (YEP) do ảnh hưởng của đại dịch. Sang năm 2022, công ty đã tài trợ 100% chi phí du lịch Đà Lạt cho toàn bộ nhân sự vào dịp tổng kết năm.
Nhưng năm nay, do tình hình kinh tế khó khăn, ban lãnh đạo công ty "nhắm mắt làm ngơ" trước mong muốn tổ chức liên hoan của nhân sự, dù chỉ quy mô nhỏ gọn.
Hồng Hà cho biết trưởng phòng của cô đành bỏ tiền túi và chuẩn bị một số món quà nhỏ trị giá dưới 100.000 đồng để xoa dịu các nhân viên cấp dưới trong phòng ban.
Nhiều doanh nghiệp quyết định cắt giảm tiệc cuối năm để tiết kiệm chi phí vận hành. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Sau khi nhận món quà "của ít lòng nhiều" từ cấp trên, nhân viên văn phòng này phần nào nguôi ngoai cảm giác thất vọng. Hồng Hà cho biết nhiều bạn bè của cô cũng gặp tình cảnh tương tự.
Loại bỏ tiệc tất niên là dấu hiệu cho thấy các công ty đang nỗ lực duy trì vận hành trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Việc công ty chuyển đổi tiệc tổng kết cuối năm thành quà tặng bằng hiện vật, hoặc cắt bỏ chi phí này hoàn toàn khiến nhân sự không khỏi thất vọng. Bộ phận nhân sự cũng rơi vào thế khó khi vừa phải làm hài lòng lãnh đạo, vừa phải xoa dịu nhân sự công ty.
Không còn tiệc tất niên
Trước Tết Dương lịch 2 tuần, Quỳnh Chi (26 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chán nản khi thấy đội thiết kế đồ họa ở công ty bắt đầu thiết kế áo phông, lịch và một số vật khác.
Doanh nghiệp dự định sẽ tặng toàn bộ nhân viên những món đồ này thay thế cho việc tổ chức tiệc YEP, từ đó tiết kiệm được một khoản chi phí lớn.
Quỳnh Chi mong muốn liên hoan gắn kết thay vì nhận quà tặng hiện vật từ công ty. Ảnh: NVCC. |
Quỳnh Chi cho biết không chỉ cô mà nhiều đồng nghiệp khác cũng cảm thấy hụt hẫng, khác hẳn với không khí hào hứng của một năm trước.
Cuối năm 2022, doanh nghiệp của Quỳnh Chi tổ chức tiệc tất niên lớn tại một khách sạn 5 sao ở Hà Nội, bao gồm chương trình văn nghệ, tiệc tối và booth chụp hình lưu niệm. Ước tính, công ty chi hơn 2 triệu đồng/người.
“Tổng giá trị quà tặng năm nay chỉ khoảng 500.000 đồng/người, giảm 75% so với năm ngoái”, nhân viên văn phòng nói.
Theo Quỳnh Chi, buổi liên hoan cuối năm là cơ hội hiếm hoi trong năm để toàn bộ nhân sự trong công ty giao lưu và chia sẻ, giúp gắn kết nội bộ. Phương án tặng quà thay cho tiệc tùng đã làm mất đi mục đích kết nối của dịp đặc biệt này.
Theo khảo sát của công ty tài chính NerdWallet thực hiện với 500 chủ doanh nghiệp tại Anh năm 2022, 36% công ty dần loại bỏ tiệc tất niên. Một trong những lý do chính dẫn đến quyết định này là áp lực tài chính.
Chuyên gia của NerdWallet cho biết phần lớn tổ chức phải xem xét lại và tối ưu hoá chi phí vận hành để vượt qua vùng trũng kinh tế. Việc cắt giảm khoản chi cho tiệc tùng cuối năm là phương án tiết kiệm hàng đầu.
Cân não "co kéo" tiệc tất niên
Đầu tháng 11, Trần Ly (quận Tây Hồ, Hà Nội), trưởng phòng PR nội bộ tại một công ty công nghệ, nhận "bài toán khó" từ lãnh đạo cấp cao. Cụ thể, ngân sách dành cho tiệc YEP bị cắt giảm đến 50% so với năm ngoái.
Phòng truyền thông nội bộ của Trần Ly đau đầu tìm phương án cân đối chi phí nhằm tổ chức liên hoan cuối năm với mức chi phí 300.000/đồng người.
Sau khi khảo giá các nhà hàng, cũng như những đơn vị cung cấp dịch vụ tổ chức văn nghệ, cô nhận thấy ngân sách không đủ hoàn thiện một bữa tiệc tươm tất. Trưởng phòng PR nội bộ đành quyết định gửi trực tiếp khoản phúc lợi cho nhân sự.
“Nếu cố tổ chức, tôi phải cắt cái nọ, giảm cái kia. Tôi không muốn buổi tiệc cuối năm thiếu chỉn chu”, cô nói.
Thay đổi phương án đồng nghĩa Trần Ly nhận thêm nhiệm vụ xoa dịu nhân sự. Cấp trên mong muốn truyền tải thông tin đến nhân viên một cách khéo léo, tránh tạo ra tâm lý bất bình, bức xúc vì tiệc liên hoan bị cắt bỏ.
Loại bỏ tiệc tất niên là phương án được nhiều doanh nghiệp ưu tiên nhằm tối ưu chi phí vận hành, gồng gành qua giai đoạn khó khăn. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Chung cảnh ngộ với Trần Ly, Quốc Dũng (TP Thủ Đức, TP.HCM), trưởng phòng hành chính nhân sự của một công ty tài chính, cũng phải “cân não” giải bài toán tiệc tất niên trong giai đoạn doanh nghiệp gặp khó.
Quy mô công ty anh Dũng bao gồm 50 nhân sự, được chia thành 10 nhóm nhỏ có chức năng, đảm nhiệm những dự án khác nhau. Để tiết kiệm chi phí tổ chức lễ trao giải, chương trình văn nghệ toàn doanh nghiệp, anh Quốc Dũng quyết định phân bổ ngân sách về các đội, nhóm.
“Các đội có thể tự liên hoan nhỏ, không cần gala, chụp hình lưu niệm, đỡ được khoản nào hay khoản đấy”, anh Dũng nói với Tri thức - ZNews.
Hơn nữa, sếp trực tiếp có mối quan hệ thân thiết, gần gũi với cấp dưới, dễ dàng xoa dịu nhân viên hơn. Không có cách giải quyết khác, anh Quốc Dũng đành “đá quả bóng trách nhiệm” về phía các trưởng nhóm, trưởng bộ phận khác.
Chàng trai bỏ việc văn phòng đi viết sách
Từ năm 2014, khi tham gia một nhóm dành cho người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội, Lê Kiên Trung (sinh năm 1993, Hà Nội) tìm thấy những mẩu chuyện và các lưu ý du lịch Việt Nam khá thú vị. Đến năm 2016, anh viết cuốn sách đầu tiên của mình mang tên The Hanoi Digest. Khi trình bày ý tưởng với cấp trên và nói rằng muốn được nghỉ việc, Trung bất ngờ nhận được sự ủng hộ. Điều này càng thôi thúc Trung phát triển cẩm nang du lịch cho người nước ngoài hơn, không chỉ là Hà Nội mà còn là TP.HCM, Hội An, Ninh Bình,...