Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Học CEO Samsung, SK Group đổi tên tiếng Anh và cái kết

Xuất phát từ những tập đoàn lớn, việc sử dụng tên tiếng Anh tại nơi làm việc trở thành xu hướng ở Hàn Quốc, nhưng không phải ai cũng đón nhận.

Không ít nhân viên phản đối dùng tên tiếng Anh vì không biết đọc sao cho đúng. Ảnh minh họa: Felicity Tai/Pexels.

Tại Hàn Quốc, nhiều công ty cho phép nhân viên sử dụng tên tiếng Anh ưa thích của họ khi làm việc để tạo điều kiện cho giao tiếp theo chiều ngang.

Theo một số lãnh đạo cấp cao, điều này sẽ giúp mọi người hạn chế gọi nhau bằng tên tiếng Hàn, một ngôn ngữ yêu cầu cao về kính ngữ, chức danh và các hình thức khác.

Nhiều người cho rằng bằng cách loại bỏ tên tiếng Hàn và hệ thống kính ngữ phức tạp gắn liền với chúng, nhân viên sẽ có thể trò chuyện cởi mở, hiệu quả hơn và khuyến khích sự đổi mới, Korea Herald đưa tin.

Tuy nhiên, xu hướng này cũng đặt ra nghi vấn: Liệu nó có hiệu quả hay không trong một xã hội vốn coi trọng giá trị truyền thống?

CEO Samsung anh 1

Việc chuyển sang tên tiếng Anh và biệt danh khiến nhân viên Hàn Quốc khổ sở vì không biết đọc tên sếp, đồng nghiệp. Ảnh: Dramabeans.

Cái tên rắc rối

Chey Tae-won, chủ tịch tập đoàn lớn thứ 2 Hàn Quốc SK Group, trở nên nổi tiếng khi yêu cầu nhân viên gọi ông là "Tony", thay vì "ngài chủ tịch" vào tháng 3 năm ngoái.

Tương tự, Phó Chủ tịch kiêm CEO Samsung Electronics Han Jong-hee cùng đồng CEO Kyung Kye-hyun đã nói cấp dưới chỉ gọi họ bằng tên viết tắt tiếng Anh là JH và KH mà không đề cập đến chức danh.

Học theo 2 tập đoàn lớn, nhiều công ty ở xứ kim chi nhanh chóng áp dụng điều này vào nội quy.

Nhưng không phải ai cũng hoan nghênh các chính sách xưng hô bằng tên thay thế.

Tại Kyobo Life Insurance, sự hoài nghi bao trùm toàn bộ công ty khi lãnh đạo ban hành quy định gọi nhau bằng tên tiếng Anh từ 4 tháng trước.

"Thật là nực cười. Giao tiếp không được cải thiện và một số đồng nghiệp thậm chí không thể phát âm tên tiếng Anh. Vì vậy, chúng tôi đã phải ghi rõ cách đọc bằng tiếng Hàn trên mạng nội bộ của công ty", một người lao động than thở.

CEO Samsung anh 2

Tỷ phú Hàn Quốc Chey Tae-won muốn nhân viên gọi mình là "Tony", thay vì "ngài chủ tịch" với đầy đủ kính ngữ. Ảnh: SeongJoon Cho/Bloomberg.

Chính sách được triển khai vào tháng 8/2023 nhằm mục đích nâng cao tinh thần năng động, linh hoạt và đổi mới khi công ty bảo hiểm nhân thọ 65 tuổi này đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các startup fintech.

Tuy nhiên, một số nhân viên vẫn không hài lòng. Người phát ngôn của Kyobo nói rằng “nickname” (tạm dịch: biệt danh) đang được sử dụng rộng rãi trong nội bộ doanh nghiệp, trong khi nhiều nhân sự khác cho biết họ rất ít dùng nó.

“Công ty phát một bài hát hàng ngày khuyến khích đặt tên tiếng Anh, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ai làm theo và tôi cũng vậy”, một nhân viên tiết lộ.

Kim, cựu nhân viên của Line Friends, công ty kinh doanh nhân vật từ ứng dụng nhắn tin Line, chia sẻ anh từng đặt tên tiếng Anh là James.

Thế nhưng, sau đó không lâu, anh được trưởng nhóm đề nghị đổi vì giám đốc điều hành đã dùng tên này.

Không thể phản đối, Kim quyết định chọn David - một cái tên không mấy gây được tiếng vang với anh. Ngay sau đó, công ty cũng loại bỏ quy định này.

“Một chính sách nhằm xóa bỏ hệ thống phân cấp cuối cùng lại nhấn mạnh đến cơ cấu quyền lực hiện có trong công ty”, Kim nói.

Nên dùng hay bỏ?

Suh Yong-gu, giáo sư chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Nữ sinh Sookmyung, cho biết đây là một trong những lựa chọn dễ dàng nhất mà các doanh nghiệp Hàn Quốc thực hiện để cố gắng giảm bớt áp lực cấp bậc.

"Các chuyên gia kinh doanh toàn cầu thường khuyên nên giới hạn hệ thống phân cấp không quá 4 lớp. Họ cho rằng việc giao tiếp trong một công ty trở nên khó khăn khi có nhiều hơn số đó”, Suh nhấn mạnh.

CEO Samsung anh 3

Kakao ghi tên tiếng Anh lên ghế ngồi của nhân viên. Ảnh: Kakao Bank.

Ông giải thích thêm thói quen phổ biến của người Hàn Quốc là gọi ai đó bằng chức danh thay vì tên của đối phương. Điều đó tạo ra rào cản trong việc giảm thứ bậc khi nhân viên phải đối mặt với việc đột ngột xưng hô cấp trên bằng tên tiếng Hàn.

Suh cho biết việc sử dụng tên tiếng Anh có thể mang lại một giải pháp thay thế ít rắc rối hơn.

Sở thích giao tiếp theo chiều ngang tăng mạnh của giới trẻ cũng góp phần tạo nên xu hướng này.

Một cuộc khảo sát do Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc thực hiện vào tháng 4 cho thấy 77,9% người thuộc thế hệ Millennials và Gen Z thích kiểu giao tiếp theo phong cách lãnh đạo.

Kim Beom-soo, người sáng lập gã khổng lồ công nghệ thông tin Hàn Quốc Kakao, khẳng định công ty cô là một trong những nơi sử dụng tên tiếng Anh sớm và thành công nhất tại xứ củ sâm.

Kể từ khi thành lập vào năm 2010, Kakao đã thúc đẩy văn hóa nhân viên và CEO đều dùng nickname.

Kim thừa nhận ban đầu việc chuyển đổi khiến không ít người cảm thấy khó xử và cần thời gian để điều chỉnh.

Độ tuổi trung bình của người lao động tại Kakao tương đối trẻ cũng được coi là yếu tố then chốt giúp quy định này thành công.

Công ty thực phẩm CJ CheilJedang cũng cho rằng tên tiếng Anh cũng rất quan trọng với nhân viên làm việc ở nước ngoài.

CJ CheilJedang không bắt buộc nhưng đặc biệt khuyến khích nhân sự sử dụng nickname.

Theo dữ liệu từ đơn vị này, trong số 37.000 nhân viên trên toàn cầu, có khoảng 26.000 người lao động có quốc tịch nước ngoài. Ngoài ra, họ đã chuyển tên phòng ban sang tiếng Anh.

Nhân sự thời Gen Z

Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.

Không cần 'đóng thùng' nhưng vẫn ra dáng CEO

Không chỉ đóng bộ nhàm chán, các doanh nhân có thể diện trang phục vừa lịch sự vừa sành điệu, hợp mốt, thể hiện dấu ấn cá nhân qua quần áo.

An Thy

Bạn có thể quan tâm