- Thành viên mạng lưới tư vấn của ngành Kế hoạch và Đầu tư (Cục Phát triển doanh nghiệp)
- Giảng viên bộ môn Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hòa Bình (Hà Nội)
- Giám đốc công ty Quản trị tri thức cộng đồng Nhân sự KC24
- Chủ nhiệm ban quản trị Cộng đồng Quản trị Nhân sự Việt Nam (HRShare)
2023 là năm thực sự khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, thậm chí còn khó khăn hơn giai đoạn dịch Covid-19.
Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm và hoạt động kinh doanh như vậy, việc doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự hay tạm dừng hoạt động trở thành một điều tất yếu.
Và có thể thấy trong danh sách cho thôi việc, các vị trí quản lý cấp trung dễ rơi vào tầm ngắm và có khả năng bị cắt giảm cao. Phần lớn đứng giữa hai lựa chọn: hoặc trở lại vị trí nhân viên, hoặc phải nghỉ việc.
Làn sóng lay-off khiến nhiều quản lý cấp trung lo lắng trước nguy cơ mất việc làm. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Vì sao bị lọt vào tầm ngắm?
Thực chất, thuật ngữ “quản lý cấp trung” không được thống nhất giữa các doanh nghiệp.
Một số tổ chức coi quản lý cấp trung là vị trí có nhân viên dưới quyền trực tiếp, như tổ trưởng, nhóm trưởng, trưởng/phó phòng. Một số đơn vị lại liệt kê cả vị trí không có nhân viên dưới quyền, như trợ lý giám đốc, vào nhóm quản lý cấp trung.
Ngoài ra, nếu một công ty phân cấp tổng giám đốc và giám đốc, các giám đốc cũng nằm trong danh sách quản lý cấp trung.
Một quản lý cấp trung có thể quản trị 2-12 nhân viên, bao gồm tuyển dụng, đào tạo và sử dụng.
Một số vị trí quản lý cấp trung, như nhóm trưởng, tổ trưởng, trưởng/phó phòng ít nhân viên, có quyền hạn khá thấp. Thậm chí, trong một số tổ chức nhỏ, quản lý cấp trung không có nhân sự dưới quyền.
Tuy nhiên, mức lương, thưởng của nhóm đối tượng này thường cao hơn nhân viên 1-2 bậc, chiếm tỷ trọng lớn trong quỹ lương doanh nghiệp.
Quản lý cấp trung hưởng mức lương, thưởng cao, song trở nên dư thừa trong tổ chức. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Do vậy, cũng dễ hiểu khi tiến hành tối ưu hoá bộ máy, giảm quỹ lương nhân sự, doanh nghiệp có xu hướng cắt bỏ vị trí quản lý cấp trung.
Hơn nữa, trong quá trình điều chuyển và sáp nhập các nhóm hoặc phòng ban, một số vị trí quản lý cấp trung trở nên dư thừa. Lúc này, họ được thỏa thuận sắp xếp một vị trí khác, có thể thấp hơn. Nếu không đạt được thỏa thuận, mối quan hệ lao động sẽ bị chấm dứt.
Đối với tôi, lợi ích đầu tiên của doanh nghiệp khi cắt giảm quản lý cấp trung chính là tiết kiệm quỹ lương thưởng, tối ưu chi phí vận hành. Trong giai đoạn kinh tế ảm đạm, đây là phương pháp giúp các công ty duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn.
Hành động cắt bỏ các vị trí quản lý cấp trung cũng là xu hướng đối với một số công ty phát triển theo hướng cơ cấu tổ chức phẳng (ít cấp trung gian).
Tôi cho rằng khi nhân viên có ít cấp quản lý, việc trao đổi thông tin diễn ra nhanh chóng, dễ dàng hơn. Quy trình ra quyết định cũng được rút ngắn, giúp doanh nghiệp hoạt động linh hoạt.
Nếu quản lý cấp trung bị cắt bỏ, nhân viên có thể làm việc trực tiếp với lãnh đạo cấp cao hoặc tự đưa ra quyết định đối với một số đầu việc, dự án. Như vậy, nhân sự trở nên chủ động và có trách nhiệm cao hơn đối với các hạng mục công việc đảm nhiệm.
Lối đi cho quản lý cấp trung
Làn sóng sa thải tạo ra nhiều khó khăn cho các quản lý cấp trung. Tôi nhận thấy nhiều nhân sự với chức danh trưởng phòng, giám đốc bắt đầu đăng tải trạng thái tìm việc. Trước đây, họ là những người được doanh nghiệp "trải thảm đỏ" mời về hoặc các đơn vị mô giới săn đón.
Nếu không muốn rời doanh nghiệp, các quản lý cấp trung thường phải chấp nhận trở lại vị trí nhân viên, và chịu bị giảm lương, cắt thưởng.
Tình trạng này cũng phổ biến ở các công ty, tập đoàn trên thế giới. Theo Bloomberg, Meta đã sa thải 13% nhân sự, tức hàng nghìn nhân viên, từ năm 2022 đến năm 2023, bao gồm nhóm quản lý cấp trung.
Nhiều quản lý và giám đốc của Meta phải lựa chọn giữa điều chuyển vị trí và rút lui hoàn toàn. Một số chấp nhận trở lại làm nhân viên các bộ phận thiết kế, nghiên cứu và kỹ sư. Họ không còn nắm giữ quyền giám sát các nhân sự khác.
Tương tự, FedEx cũng thực hiện cắt giảm nhân sự, bao gồm 10% vị trí quản lý, giám đốc trong vòng một năm.
Nhiều quản lý cấp trung không kịp nân cao năng lực trong thời gian ngắn, phải chấp nhận đầu quân cho doanh nghiệp khác ở vị trí nhân viên. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Việc bị sa thải cho thấy năng lực dẫn dắt, điều phối nhân sự của một số nhân sự cấp quản lý chưa tốt, không đáp ứng được yêu cầu của công ty.
Để nhảy sang vị trí tương đương tại doanh nghiệp khác, tôi khuyên rằng các quản lý cấp trung nên đi học thêm các khóa về chuyên môn và quản lý nhằm nâng cao trình độ.
Đối với những trường hợp không thể cải thiện năng lực trong thời gian ngắn, hãy cân nhắc bắt đầu lại ở vị trí nhân viên tại tổ chức khác.
Về phần mình, nếu lọt vào danh sách sa thải, tôi sẽ không ứng tuyển vào vị trí khác chuyên môn và có cấp bậc thấp hơn hiện tại. Thay vào đó, tôi sẽ tìm kiếm những vị trí tương tự còn trống tại các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn.
Ngoài ra, tôi cũng tích cực tổ chức hoặc tham gia các sự kiện kết nối, thiết lập và phát triển mối quan hệ trong lĩnh vực. Đây là cách thức tìm kiếm việc làm tốt cho nhà quản trị.
Để tránh đưa ra quyết định vội vàng, tôi luôn chuẩn bị ngân sách trang trải sinh hoạt phí cho bản thân và gia đình trong 6 tháng. Nhận các dự án tự do, cung cấp các dịch vụ dưới tư cách cá nhân là phương pháp tạo ra thu nhập tạm thời đáng cân nhắc.
Cuối cùng, việc giữ tinh thần lạc quan trong giai đoạn này đặc biệt quan trọng. Không chỉ tích cực tìm kiếm việc làm mới, coi đây là cơ hội để thay đổi, tôi cũng sẽ động viên những người xung quanh để nhận được sự ủng hộ trên hành trình mới.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.