Nhiều người trẻ quyết định nhảy việc trước Tết dù biết thị trường tuyển dụng cuối năm tương đối ảm đạm. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Giữa tháng 11, trưởng nhóm digital marketing Thu Trang (27 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhận thông tin “sét đánh ngang tai”. Cấp trên yêu cầu cô lựa chọn hoặc hạ chức vụ và lương thưởng, hoặc nghỉ việc.
Thu Trang cho biết doanh nghiệp của cô hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, gặp khó khăn trong kinh doanh từ cuối năm 2022. Công ty liên tục giảm lương, tổ chức 3 đợt lay-off (cắt giảm nhân viên) trong năm nay.
Sau khi cân nhắc, Trang nộp đơn xin nghỉ, quyết định nhảy việc trước Tết Âm lịch.
“Thay vì đàm phán chấm dứt hợp tác lao động đàng hoàng, tổ chức gây khó dễ cho tôi. Dù không muốn, tôi buộc phải gia nhập thị trường tuyển dụng dịp cuối năm”, Trang nói.
Nhiều nhân sự bị doanh nghiệp gây khó dễ, buộc phải chuyển đổi công việc dịp cuối năm. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Theo khảo sát trên 130.000 người lao động của Cộng đồng nhân sự Việt Nam HRShare, 25% số người được hỏi cho biết có ý định chuyển đổi công việc trước Tết Âm lịch.
"Tỷ lệ này là tương đối cao trong bối cảnh kinh tế suy thoái cuối năm", Nguyễn Hùng Cường, giảng viên bộ môn Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Hòa Bình (Hà Nội), thành viên mạng lưới tư vấn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định.
Không mơ thưởng Tết
Sau 3 năm làm việc ở một start-up, Đức Huy (25 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định rời đi vì bị nợ lương 3 tháng. Dù tiếc nuối công việc yêu thích, môi trường thân thiện, anh không thể trụ tiếp vì quỹ tiết kiệm cá nhân dần cạn.
Suốt 3 tháng qua, anh ngán ngẩm mỗi khi nhận thông báo nợ lương từ công ty. Với tình trạng kinh doanh ảm đạm, dẫn đến quỹ lương thưởng eo hẹp, Đức Huy cho rằng doanh nghiệp không có khả năng chi trả thưởng Tết.
Không chỉ Đức Huy, một số đồng nghiệp của anh cũng rục rịch soạn đơn xin nghỉ việc. Theo Huy, những nhân sự ở lại công ty trong giai đoạn này đều có gia đình hỗ trợ kinh tế, không phải lo lắng nhiều về tài chính.
“Cuối năm, tôi có nhiều khoản phải chi tiêu, không thể tiếp tục làm việc không lương”, nhân viên văn phòng 25 tuổi chia sẻ.
Thu Thuý rời khỏi công ty vì quá tải công việc, phúc lợi không như mong đợi. Ảnh: NVCC. |
Sau khi nộp đơn, Huy hoàn tất bàn giao dự án trong vòng 1 tuần. Anh nhanh chóng thu dọn đồ đạc, rời khỏi văn phòng đã gắn bó từ khi tốt nghiệp đại học.
Trở về từ chuyến công tác nước ngoài, nhân viên marketing Thu Thuý (23 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) nộp đơn xin nghỉ vì quá tải công việc và phúc lợi không như mong đợi. Dù phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày trong chuyến công tác, cô không nhận được trợ cấp từ công ty.
Vị trí công tác hiện tại của cô cũng không có quy chế thưởng Tết. Bất bình với chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp, Thu Thuý quyết định “dứt áo ra đi”.
“Không có lương tháng thứ 13, thưởng Tết, tôi không có lý do để ở lại”, Thuý nói.
Thị trường tuyển dụng ảm đạm trước Tết
Sau khi thôi việc, Thu Trang dành 3-4 tiếng/ngày “lướt” các hội nhóm tuyển dụng trên mạng xã hội, với mong muốn tìm kiếm vị trí quản lý. Nhưng cô vẫn chưa tìm được công việc ưng ý.
Hiện phần lớn doanh nghiệp tiến hành thu gọn bộ máy nhân sự, cắt giảm quản lý cấp trung, khiến cơ hội tìm kiếm việc làm của Thu Trang giảm thiểu đáng kể.
“Tìm được vị trí vừa ý còn trống lúc này giống như hái sao trên trời”, Trang chia sẻ với ZNews.
Theo Thu Trang, tình trạng này trái ngược hoàn toàn với bối cảnh 1-2 năm trước. Trước đây, những trưởng, phó phòng hay trưởng nhóm như cô luôn nhận được lời mời làm việc từ các công ty trong cùng lĩnh vực, hoặc tổ chức chiêu mộ nhân sự.
Nhưng, hiện nay, dù để trạng thái tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội tuyển dụng, cô cũng không nhận được đề nghị hợp tác nào.
Đức Huy gặp khó khăn khi tìm kiếm công việc dịp cuối năm. Ảnh: NVCC. |
Giống với Thu Trang, Đức Huy cũng chật vật tìm vị trí công tác mới. Anh biết quyết định gia nhập thị trường tuyển dụng cuối năm tương đối mạo hiểm, do phần lớn doanh nghiệp muốn đón sóng nhảy việc đầu năm, không có nhu cầu mở rộng quy mô trong giai đoạn này.
Dù mong muốn ổn định công việc, gia nhập công ty mới trước Tết, anh đành “lực bất tòng tâm”. Để trang trải sinh hoạt phí trong thời gian nộp CV ứng tuyển vị trí mới, Đức Huy nhận các dự án ngắn hạn, làm việc như một freelancer.
“Ban ngày, tôi đi phỏng vấn xin việc. Ban đêm, tôi ‘cày’ các dự án freelance để có thêm thu nhập”, Huy chia sẻ về giai đoạn khó khăn này.
Lưu ý cho nhân sự chuyển việc trước Tết
Chuyên gia nhân sự Hùng Cường chỉ ra 2 nguyên nhân chính gây ra làn sóng nhảy việc trước Tết.
Thứ nhất, do hoạt động kinh doanh khó khăn, một số công ty có thể nợ lương nhân sự trong thời gian dài, dẫn đến tâm lý chán nản. Người lao động vì thế muốn chuyển đổi công việc, tìm kiếm nguồn thu nhập ổn định, lo cho bản thân và gia đình dịp Tết Nguyên đán.
Thứ hai, khi không thể gánh lỗ sau 2 năm Covid-19, một năm kinh tế ảm đạm, nhiều doanh nghiệp quyết định cắt giảm nhân sự, thu gọn bộ máy. Một số đơn vị đàm phán để người lao động nghỉ việc.
Việc quyết định chuyển đổi công việc trong giai đoạn này giúp người lao động có thể nhanh chóng tìm bến đỗ mới trước Tết Nguyên đán, tạo ra tâm lý an tâm cho bản thân và những người thân xung quanh.
Nhân sự chuyển đổi công việc trước Tết Âm lịch cần chuẩn bị các khoản thu khác để trang trải trong thời gian chưa tìm được vị trí mới. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Tuy nhiên, khi nộp đơn xin nghỉ cuối năm, nhân sự phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp trong thời gian khá dài.
Hiện các doanh nghiệp có xu hướng thu gọn bộ máy tối đa để tiếp tục vận hành trong giai đoạn kinh tế ảm đạm. Cơ hội việc làm dành cho người lao động vì thế bị giảm thiểu đáng kể.
Đối với nhóm nhân sự nghỉ việc trước Tết, chuyên gia Hùng Cường cho rằng phương án an toàn nhất là có việc chờ sẵn. Nếu không, người lao động nên đưa ra quyết định sớm, từ tháng 10 hay tháng 11, để có thời gian tìm kiếm công việc mới, ổn định trước Tết Âm lịch.
Ngoài ra, nhân sự cũng cần tính toán chi phí sinh hoạt, dự phòng cho trường hợp không tìm được việc sớm, kéo dài tình trạng thất nghiệp hết Tết. Nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động nên nhanh chóng hoàn tất thủ tục để hưởng bảo hiểm.