Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Chán ngán quy định dọn vệ sinh, đổ rác tại văn phòng

Công ty yêu cầu Trần Mai đến công ty làm việc nếu không đi team building, trong khi đó, Anh Tú không thể đem cơm trưa lên văn phòng hoặc sử dụng sản phẩm của công ty đối thủ.

Nhiều quy định tại công ty khiến nhân viên cảm thấy không hài lòng như cấm ăn trưa tại văn phòng, phải dọn vệ sinh theo lịch phân công.

Buổi team building công ty và chuyến du lịch gia đình diễn ra cùng một dịp, Trần Mai (26 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lựa chọn phương án 2.

Theo nhân viên văn phòng này, cô đã đặt vé máy bay, phòng khách sạn cho bố mẹ từ lâu, không thể hủy bỏ. Đây cũng là chuyến đi mà các thành viên trong nhà mong chờ.

Tuy nhiên, khi trình bày lý do với sếp, cô được cho biết nếu không tham gia team building sẽ phải lên văn phòng làm việc. Cấp lãnh đạo không duyệt đơn xin nghỉ phép trong ngày này, nhân viên sẽ bị trừ lương theo công nhật nếu quyết định nghỉ.

“Quy định quá vô lý. Sếp dường như cố ép nhân sự phải đi team building”, Mai nói với phóng viên.

Khi quy định văn phòng làm khó nhân viên

Mai trao đổi tình huống của mình với bộ phận hành chính nhân sự (HR), bày tỏ sự khó hiểu khi không thể xin nghỉ phép trong ngày team building. HR cho biết đây là một biện pháp thúc đẩy nhân sự tham gia hoạt động nội bộ.

Trước đây, những ai từ chối phúc lợi này mà không thuộc diện nghỉ ốm hoặc thai sản vẫn phải đến văn phòng làm việc bình thường. HR khó xử bởi chưa có tiền lệ một trường hợp như Mai.

Sau cùng, Mai quyết định xin nghỉ 3 ngày phép không lương để có thể đi chơi cùng gia đình.

noi quy cong ty anh 1

Trần Mai phải lên công ty làm việc nếu từ chối đi team building.

Trong khi đó, Hồng Hạnh (24 tuổi, quận 4, TP.HCM) cảm thấy quy định trực nhật, dọn vệ sinh tại công ty mình không hề thỏa đáng.

Theo đó, 2 ngày/tuần, nhân viên kinh doanh này phải dọn dẹp văn phòng, bao gồm rửa tất cả cốc uống nước, đổ rác và thu gom rác thải bừa bộn.

Một số ngày có hẹn với khách hàng, cô vẫn phải tranh thủ đến công sở vào cuối giờ hành chính để hoàn thành việc dọn vệ sinh.

“Nếu không làm, tôi sẽ bị khiển trách, phạt tiền, trừ lương, ngoài ra còn khiến phòng ban bị hạ thi đua. Tôi ngại gây ảnh hưởng đến tập thể”, cô cho hay.

Anh Tú (25 tuổi, quận 3, TP.HCM), nhân viên tại một công ty sản xuất thực phẩm đóng gói, lại gặp khó khăn với quy định không mang đồ ăn đến nơi làm việc, không sử dụng các sản phẩm của công ty đối thủ.

Theo anh, cấp quản lý lo ngại việc ám mùi nên yêu cầu tất cả nhân viên không được mang đồ ăn, thức uống đến văn phòng, bao gồm cả đồ ăn nhẹ như bánh quy, snack, nước ngọt…

Trong khi đó, công ty lại không có bất cứ hỗ trợ nào để giải quyết nhu cầu ăn uống bù sức của nhân viên như như xây dựng canteen, khu ăn uống riêng biệt.

“Tôi hiểu không ai muốn ám mùi khó chịu ở nơi làm việc. Nhưng ngay cả chiếc bánh ngọt chúng tôi cũng phải mang ra cầu thang để ăn, rất bất tiện”, Tú nói.

Công ty và nhân viên đều cần lắng nghe

Theo chuyên gia nhân sự Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc công ty Quản trị tri thức cộng đồng Nhân sự KC24, thành viên mạng lưới tư vấn Bộ Kế hoạch đầu tư, giảng viên bộ môn Quản trị Kinh doanh - Đại học Hòa Bình (Hà Nội), tình trạng nhân sự bức xúc trước các quy định công ty diễn ra tại nhiều văn phòng, môi trường công sở.

Đó có thể là quy định về việc đi muộn, nghỉ không lý do, sử dụng điện thoại và email quá nhiều vào công việc cá nhân, lạm dụng máy móc, trang thiết bị của công ty cho việc riêng... và những quy định khác.

Ông Hùng Cường cho rằng người lao động thường cảm thấy không thỏa đáng với những nội quy không phù hợp với đặc điểm tính cách của họ. Ví dụ, những người hướng nội không thích quy định thúc đẩy con người giao tiếp nhiều. Họ cần khoảng không gian cho cá nhân trong môi trường làm việc.

Ngoài ra, nhân sự cảm thấy bất công khi giá trị nhận được không tương xứng với nỗ lực bỏ ra. Trong trường hợp khác, người lao động có thể bất mãn với những nội quy bổ sung, không có sẵn trong thỏa thuận ban đầu.

Khi thực hiện các quy định cho rằng không thỏa đáng, họ có xu hướng tìm kiếm sự công bằng thông qua các hành vi. Đây là một hiệu ứng tâm lý bình thường.

Một số ít tìm cách thích nghi. Nhưng đa phần sẽ phản ứng, bất mãn và có những hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến công việc. Tức là các quy định được coi là không thỏa đáng làm giảm động lực và hiệu quả làm việc trong dài hạn của nhân viên.

Theo chuyên gia nhân sự Nguyễn Hùng Cường, thay vì phản ứng tiêu cực, nhân sự nên trao đổi trực tiếp với lãnh đạo dựa trên tinh thần cầu thị. Trước đó, để cho việc trao đổi thuận lợi và thuyết phục được cấp trên, người lao động cần tìm kiếm, thu thập các thông tin, đánh giá được điểm lợi hại của quy định không thỏa đáng trên các góc độ (quản lý và nhân viên), đưa ra các đề xuất thay đổi hợp tình hợp lý.

Về phía lãnh đạo của các doanh nghiệp, việc xây dựng hệ thống nội quy đáp ứng 3 mục đích chính, bao gồm xây dựng văn hóa tổ chức, tận dụng tối đa các nguồn lực và sửa lỗi trong quá trình quản trị.

Để đưa ra những quy định không bị nhân sự phản đối, các cấp lãnh đạo cần:

  • Tính toán lợi hại của quy định mới.
  • Tham khảo ý kiến nhân viên hoặc các tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi người lao động.
  • Cho phép nhân sự tham gia vào quá trình xây dựng nội quy.
  • Đào tạo, truyền thông, tạo điều kiện, động lực để nhân viên hiểu, đồng thuận và thực hiện.

Trong trường hợp quy định đưa ra nhận về sự phản đối gay gắt, các cấp quản lý nên bình tĩnh, tạm dừng hiệu lực thực thi, tính toán lại lợi và hại.

Sau đó, sự điều chỉnh có thể được đưa ra nhằm đáp ứng mong muốn, nhu cầu của số đông. Thay vì hủy bỏ nội quy, lãnh đạo cần chỉnh sửa, rồi tiếp tục thực hiện quy định mới.

noi quy cong ty anh 2

Theo các chuyên gia, người lao động có thể đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng nội quy doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Theo chị Thạch Thảo, quản lý phòng hành chính nhân sự tại công ty sản xuất thời trang, việc để nhân viên có quyền đóng góp ý kiến vào nội quy công ty là rất quan trọng. Nó sẽ thể hiện mong muốn, nhu cầu của họ về một môi trường làm việc công bằng, văn minh.

Tại nơi chị làm việc, nhóm đông nhân sự đề xuất công ty ra quy định không để nhân viên mặc quần sort, áo ba lỗ, dép xỏ ngón đến văn phòng. Ngoài ra, họ còn kiến nghị được chấm công bằng vân tay thay vì thẻ từ để đảm bảo công bằng.

Về phía người lao động, chị Thảo cho rằng nhân viên cũng nên tìm hiểu lý do tại sao công ty ra những nội quy có phần khó hiểu hoặc khắt khe.

Đó có thể là chiến lược của các lãnh đạo nhằm xây dựng môi trường, văn hóa, thói quen làm việc nề nếp cho nhân sự, kể cả việc trực vệ sinh, không sử dụng điện thoại trong giờ làm, phạt khi đi trễ...

Sẵn sàng đóng thêm nếu chuyến team building 'đáng tiền'

Thanh Hải đóng thêm 4 triệu đồng để cùng công ty du lịch Thái Lan vì biết nếu tự đi, anh sẽ tốn hơn 10 triệu.

Mỹ Trinh - Linh Vũ

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm