Nhà tuyển dụng có nhiều dụng ý khi đặt câu hỏi về mục tiêu sự nghiệp dài hạn của ứng viên. Ảnh minh họa: Polina Tankilevitch/Pexels. |
"Kế hoạch sự nghiệp của bạn trong 5 năm tới là gì?" hoặc "Bạn muốn mình là ai, ở đâu trong 5 năm tới?", đó là những câu hỏi thường xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng.
Không phải ứng viên nào cũng chuẩn bị hay có đáp án cho loạt câu hỏi này.
Câu hỏi về kế hoạch 5 năm thường mang mục đích đánh giá sự gắn bó, phù hợp của ứng viên. Ảnh minh họa: William Fortunato/Pexels. |
Nhà tuyển dụng thực sự mong chờ đáp án gì?
Harleny Vasquez, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp ở New Jersey (Mỹ), cho rằng khi một nhà tuyển dụng đặt câu hỏi về kế hoạch dài năm, họ thường tìm hiểu xem ứng viên có mong muốn phát triển sự nghiệp của mình tại công ty hay không.
Thực chất ý nghĩa sau câu hỏi này chính là: "Tại sao bạn muốn làm việc ở đây?" và "Bạn có thể gắn bó lâu dài với chúng tôi hay không?".
Ví dụ, nếu ứng viên có định hướng làm trong ngành marketing và đang ứng tuyển vào vị trí cộng tác viên, người này có thể trả lời rằng: "Trong 5 năm tới, tôi hy vọng sẽ giữ vai trò quản lý trong bộ phận marketing, giúp công ty phát triển mục tiêu và xây dựng thương hiệu".
Những ứng viên nghiên cứu trước các kỹ năng và lộ trình nghề nghiệp thường được công ty đánh giá cao. Những kiến thức này sẽ giúp họ trả lời các câu hỏi mở như "Giới thiệu sơ qua về bản thân".
Ngoài ra, họ cần đọc kỹ mô tả công việc, xem lại tiểu sử của nhân viên và đọc những bài báo viết về ban ngành đang ứng tuyển.
Xác định trở thành chuyên gia là câu trả lời an toàn cho câu hỏi về kế hoạch 5 năm. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels. |
Đâu là câu trả lời an toàn?
Nếu không có sự chuẩn bị về câu hỏi kế hoạch 5 năm, ứng viên có thể chọn trả lời với đáp án an toàn nhất: "Tôi mong muốn trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này".
Ngoài ra, không chỉ nhà tuyển dụng mới được đặt câu hỏi 5 năm. Ứng viên cũng nên đặt ngược lại câu hỏi này nhằm tìm hiểu xem vị trí ứng tuyển có phù hợp với các mục tiêu lâu dài của bản thân hay không.
Theo đó, ứng viên có thể hỏi: "Trong những năm tới, vị trí tuyển dụng có cơ hội phát triển ra sao, có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác không?" hoặc "Muốn được công nhận đạt thành tích cao, nhân sự phải đạt được KPI như thế nào?".
Xác định công việc yêu thích trong tương lai sẽ giúp định hình mục tiêu sự nghiệp. Ảnh minh họa: Yan Krukau/Pexels. |
Làm sao để xác định mục tiêu 5 năm của chính mình?
Trước khi trả lời nhà tuyển dụng về mục tiêu 5 năm, bản thân ứng viên cần có cho mình câu trả lời chính xác.
Một số người ngay từ khi còn nhỏ đã biết chính xác những gì họ muốn trở thành. Mục tiêu đó thúc đẩy họ phấn đấu vươn lên. Tuy nhiên, nếu ứng viên không có tầm nhìn rõ ràng về tương lai, điều đó cũng không sao.
Trước tiên, ứng viên có thể tìm hiểu sâu hơn tại sao mình chọn hướng đi ban đầu. Những sinh viên mới tốt nghiệp nên tự hỏi tại sao trước đó lại lựa chọn ngành học này hoặc suy nghĩ xem điều gì mang lại cho họ niềm vui và sự tự tin.
Tham gia các sự kiện networking liên quan đến ngành nghề mơ ước cũng giúp người lao động hiểu rõ hơn điều gì đang chờ đợi họ ở phía trước, từ đó xác định được con đường sự nghiệp của mình.
Nếu đã đi làm một thời gian, nhân sự hãy xem liệu công việc hiện tại có phù hợp với mục tiêu sự nghiệp lâu dài hay không.
Nếu muốn trở thành lãnh đạo, họ có thể xin phép sếp tham gia các cuộc họp của quản lý. Tại đây, họ sẽ hiểu thêm về công việc, cách ra quyết định của các lãnh đạo và quá trình làm việc của một nhóm nhân viên dưới sự dẫn dắt của họ.
Điều này giúp họ có cái nhìn tổng quan về vai trò và trách nhiệm của một nhà quản lý. Từ đó, họ sẽ đánh giá được vị trí này có phù hợp với bản thân hay không.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.