Theo tài liệu của Phòng Thanh tra chuyên ngành 1 - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, một số công ty trên địa bàn tỉnh An Giang, Vĩnh Long và TP.HCM đã dùng tới 48 tấn chất soda công nghiệp trong sản xuất nước mắm.
Nguyên liệu dùng trong sản xuất nước mắm gồm dịch bột ngọt của Công ty TNHH Vedan Việt Nam (dung dịch có tính axit, công bố dưới dạng phụ gia thực phẩm) hoặc dùng dịch nước tôm, dịch bổi cá (nước đầu của việc ủ cá với muối).
Soda công nghiệp được sử dụng để khử axit trong dịch bột ngọt. Theo hồ sơ công bố, dịch bột ngọt có tính axit (pH từ 3-4), giá rất thấp, tính cả chi phí vận chuyển chỉ 500 đồng/lít.
Các công ty này đã dùng tới 48 tấn chất soda công nghiệp trong sản xuất nước mắm. Ảnh: ĐH. |
PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên ĐH Khoa học tự nhiên, Hà Nội, cho biết việc sử dụng soda khi sản xuất nước mắm là được phép. Chúng được dùng khi sản phẩm dư thừa axit HCL để trung hòa. Tuy nhiên, chất này phải là loại soda thực phẩm, tinh khiết, không có hại cho người tiêu dùng.
"Soda công nghiệp còn có tên gọi Soda Ash Light - Na2CO3, là hóa chất dùng trong công nghiệp sản xuất chất tẩy rửa (như xà phòng), dệt nhuộm, không có trong danh mục phụ gia thực phẩm. Sử dụng hóa chất này để trung hòa axit trong nước mắm là trái phép. Chúng chứa rất nhiều tạp chất, không tinh khiết, gây nhiều rủi ro về sức khỏe không thể lường trước", PGS Côn nói.
Theo PGS Côn, tùy theo loại soda của từng nước mà có những tạp chất khác nhau. Vì vậy, chúng ta rất khó đoán người dân có thể ảnh hưởng cụ thể đến sức khỏe ra sao khi sử dụng loại nước mắm trên.
Tuy nhiên, amoni là tạp chất thường có trong soda công nghiệp. Nếu hàm lượng chất này vượt quá tiêu chuẩn cho phép, nó có thể chuyển hóa thành các chất gây ung thư và các bệnh nguy hiểm khác.
Na2CO3 hay soda là một hợp chất có nhiều công dụng. Nó giúp cân bằng độ pH trong bể bơi, là thành phần của một số chất tẩy trắng và tẩy rửa. Ngoài ra, Na2CO3 còn là nguyên liệu trong sản xuất giấy, thủ tinh, rayon, xà phòng…
Bởi tính ăn mòn của nó mà khi sử dụng Na2CO3, chúng ta cần cẩn trọng, đặc biệt, tuyệt đối không được dùng trong thức ăn uống, nhất là ở khuôn khổ hộ gia đình.
Trong nấu ăn, đôi khi Na2CO3 được sử dụng để thay thế NaOH (Natri Hydroxit), nhất là với bánh quy, bánh cuộn nhằm cân bằng độ pH trong thực phẩm, tăng màu nâu cho bánh.
Na2CO3 có thể gây kích ứng nặng cho mắt. Nó không phải là chất gây ung thư nhưng có thể gây nguy hiểm nếu tiếp xúc với thực phẩm chứa đường khử (đường chứa nhóm aldehyde (-CHO) hoặc ketone (-CO) như glucose, fructose, arabinose, maltose, lactose). Na2CO3 dễ bị nhầm lẫn với Na2HCO3 (natri hiđrocacbonat hay natri bicacbonat). Na2HCO3 thường được gọi với các tên thông dụng hơn như bột baking soda.