Theo bác sĩ Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ thể con người có khả năng thích nghi tốt nhất trong khoảng từ 20 độ C đến 30 độ C. Tuy nhiên, ngưỡng nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng, cơ thể sẽ không thể điều chỉnh kịp, gây ra các bệnh lý từ nhẹ đến nặng.
Để phòng tránh các bệnh lý do thời tiết gây ra, bác sĩ Hậu cảnh báo người dân cần có biện pháp che chắn, bảo vệ cẩn thận, tránh ảnh hưởng sức khỏe trước tình trạng oi bức do nhiệt độ cao. Đặc biệt là loại bỏ những sai lầm dưới đây khi giải nhiệt trong mùa nóng.
Tắm ngay sau khi đi dưới nắng
Thói quen "sau khi đi dưới nắng, về nhà tắm ngay” hay “do thời tiết nóng nực nên phải thường xuyên tắm” là không chính xác.
“Chúng ta không được tắm ngay mà nên nghỉ ngơi, để khô mồ hôi khoảng 30 phút. Ngoài ra, chúng ta cũng không nên tắm nhiều lần trong ngày để tránh việc cơ thể bị thay đổi nhiệt độ liên tục, không tốt cho sức khỏe”, bác sĩ Hậu nói.
Tắm gội ngay sau khi đi dưới nắng khiến nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột. Ảnh: Medical News Today |
Gội đầu trước khi ra ngoài nắng
Đối với một số người có các triệu chứng bệnh lý thần kinh trước đó như đau đầu, căng cơ, đau đầu Migraine,… việc gội đầu trước khi đi ngoài nắng sẽ dễ gây ra đau đầu, chóng mặt do cơ thể nhạy cảm khi thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Bên cạnh đó, gội đầu trước khi ra ngoài nắng mà không làm khô tóc sẽ khiến mái tóc xơ khô, hư tổn nhanh chóng.
Vào ngay phòng máy lạnh hoặc đưa mặt vào tủ lạnh
Rất nhiều người có thói quen đưa mặt vào tủ lạnh, quạt gió hoặc vào phòng máy lạnh nhiệt độ thấp để giải nhiệt. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hậu, trong thời điểm giao mùa, thói quen này rất dễ dẫn đến các bệnh lý về đường hô hấp. Việc ngồi máy lạnh quá lâu sẽ khiến cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột, mắc các bệnh như đau đầu, viêm họng, sổ mũi, choáng váng.
Ăn nhiều đồ lạnh khi cơ thể đang nóng dễ dẫn đến các bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa. Ảnh: Huffington Post |
Ăn, uống nhiều thức ăn lạnh
Thay vì uống nước lọc, nhiều người chọn các loại nước lạnh trong những ngày nắng gắt. Việc ăn uống nhiều đồ lạnh khi cơ thể đang nóng sẽ khiến mồ hôi không tiết được ra ngoài, chậm lưu thông máu.
“Ăn uống các loại thức ăn, thức uống lạnh hay có đá khi cơ thể đang nóng sẽ vô tình làm khô niêm mạc, khô chất nhầy của đường hô hấp. Việc này sẽ làm cho các vi trùng có lợi cho cơ thể chết đi, tạo điều kiện thuận lợi cho các siêu vi, vi trùng ngoại lai dễ xâm nhập, gây các bệnh lý đường hô hấp”, bác sĩ Hậu phân tích.
Uống nhiều nước ngọt có gas
Nhiều người lầm tưởng uống nước ngọt có gas sẽ giúp đánh tan cơn khát và nóng bức, nhưng thực sự lại không phải thế. Nước ngọt có gas thường chứa caffeine, gây cảm giác nghiện và lợi tiểu, khiến cơ thể rất dễ mất nước khi uống nhiều.