Nhiều trường yêu cầu phụ huynh đặt cọc để đảm bảo giữ chỗ cho con. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Từ nhiều năm nay, cuộc đua vào lớp 10 công lập ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đều có có tỷ lệ cạnh tranh cao. Và đến hẹn lại lên, hàng năm, cứ đến khoảng giữa năm học, nhiều phụ huynh lại sốt ruột tìm trường ngoài công lập, đăng ký và đóng phí giữ chỗ để đảm bảo con có phương án dự phòng nếu chẳng may không đỗ các trường công lập.
Việc đóng phí đặt cọc là hoàn toàn tự nguyện, là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Tuy nhiên, những năm gần đây, phí giữ chỗ, ghi danh của các trường công lập ngày càng đẩy lên cao, nhiều trường có mức thu 10-20 triệu đồng. Trong khi đó, số tiền này thường không được hoàn lại hay chuyển nhượng nếu phụ huynh bỏ cọc.
Lý do các trường yêu cầu “cọc"
Chị T.H., nhân viên phụ trách tuyển sinh tại một trường tư thục ở TP.HCM, nói rằng việc đặt cọc giữ chỗ ở trường tư không phải chuyện hiếm, rất nhiều trường đặt ra mức phí đặt cọc như một hình thức để xác nhận số lượng học sinh đăng ký nhập học.
Chị H. ví việc thu phí đặt cọc giữ chỗ ở trường tư thục cũng giống như việc nộp đơn đăng ký học ở trường công lập, mục đích đều là giúp nhà trường xác định được số lượng học sinh để sắp xếp lớp và bố trí giáo viên, tránh tình trạng hồ sơ ảo, đăng ký chán chê rồi lại không học.
Nếu phụ huynh không xác nhận nhập học cho con, nhà trường dễ gặp những vấn đề phát sinh như thiếu học sinh so với dự kiến ban đầu, từ đó ảnh hưởng đến tình hình dạy học và vận hành của cả hệ thống.
Do đó, các trường tư thục yêu cầu phụ huynh đóng phí đặt cọc như một cách để đảm bảo trẻ sẽ nhập học. Đến khi vào năm học, số tiền đặt cọc này sẽ được nhà trường cấn trừ theo nhiều cách, ví dụ trừ vào học phí năm học, hoặc hoàn trả sau khi trẻ kết thúc thời gian học tại trường.
Phí đặt cọc có thể vài triệu đồng, nhưng cũng có thể lên đến chục triệu đồng. Ảnh: Pexels. |
Trao đổi với Tri thức - Znews, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, nhận định các trường muốn ổn định tuyển sinh, hạn chế hồ sơ ảo nên đưa ra phí đặt cọc giữ chỗ.
Phụ huynh nên đặt mình vào vị trí của các trường tư bởi hàng năm, Sở GD&ĐT đều phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường THPT ngoài công lập. Các trường muốn đảm bảo công tác tuyển sinh đúng kế hoạch, tuyển đủ chỉ tiêu thì buộc phải đưa ra điều kiện cam kết hai bên để phụ huynh cân nhắc, có trách nhiệm với lựa chọn của mình.
Nói về việc các trường căn cứ vào tiêu chí nào để đưa ra mức phí giữ chỗ, ông Lâm nhấn mạnh các trường tư thục hoạt động theo cơ chế tự chủ, được quyền đưa ra mức phí giữ chỗ, không thể cấm. Một số trường yêu cầu mức phí cao có thể dựa trên danh tiếng của họ hoặc muốn tuyển những học sinh thực sự muốn học. Việc đóng phí là là dựa trên dự thỏa thuận, tự nguyện giữa phụ huynh và nhà trường.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho rằng khi phụ huynh chia sẻ với nhà trường, nhà trường cũng cần thông cảm với phụ huynh, nên có mức thu vừa phải, phù hợp với tình hình kinh tế nói chung, đặc biệt là với gia đình có thu nhập thấp.
Theo đó, với mức phí quá cao, nhiều trường đang chỉ biết quyền lợi của mình mà làm khó phụ huynh, trong khi phụ huynh phải được quan tâm và đảm bảo quyền lợi.
“Các trường được quyền đưa ra mức phí giữ chỗ, nhưng quyền đó không phải vô hạn”, ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, trước đây, phí ghi danh chưa có trong quy định thì hiện tại, các cấp quản lý cần luật hóa để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
“Phí ghi danh cần được quy định rõ ràng về mức trần, tránh trường hợp ‘hét giá' vô tội vạ. Để tránh thí sinh ảo, các trường cũng có thể áp dụng phương án gọi dư học sinh trúng tuyển, phòng trường hợp phụ huynh rút hồ sơ", TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất.
Phụ huynh nên cân nhắc
Nói thêm về câu chuyện đặt cọc giữ chỗ, chị H. nói rằng phí đặt cọc ở một số trường khá cao, có thể lên đến 15-20 triệu. Xét về mặt ý nghĩa, số tiền đặt cọc lớn như vậy cũng là một lời nhắc nhở để phụ huynh cân nhắc thật kỹ trước khi chọn trường và xuống tiền giữ chỗ cho con.
Phí đặt cọc ở trường tư thục muôn hình vạn trạng, một số trường chỉ yêu cầu đóng vài triệu đồng, nhưng cũng có trường yêu cầu cọc cả chục triệu. Nhưng dù là bao nhiêu, tiền đặt cọc giữ chỗ vẫn là bài toán đòi hỏi phụ huynh phải sáng suốt, tránh bị các yếu tố bên ngoài tác động.
Chị H. nêu rằng xu hướng số đông có thể là một yếu tố để tham khảo, nhưng phụ huynh không nên coi đó là căn cứ để hoàn toàn quyết định chuyện học của con.
Phụ huynh nên cân nhắc đến nhu cầu học tập của con và điều kiện của gia đình để chọn trường phù hợp. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Theo chị H, trước khi chọn trường và đặt cọc cho con, phụ huynh nên căn cứ vào mục tiêu và tình hình tài chính của gia đình, sau đó chọn ra một số trường phù hợp để tìm hiểu thông tin rồi đến trường tham quan trực tiếp.
Tiêu chí để cân nhắc chọn trường cũng rất nhiều, nhưng phụ huynh nên chú trọng đến một số yếu tố như môi trường học, chương trình giảng dạy, trình độ giáo viên, độ uy tín của trường, cơ sở vật chất, triết lý giáo dục của nhà trường, chất lượng đầu ra của học sinh…
“Nhìn chung thì phụ huynh không nên đổ nhiều tiền để đặt cọc nhiều trường một lúc. Tôi khuyên mọi người nên tham khảo chọn trường kỹ rồi chỉ đặt cọc một trường để giữ chỗ cho con. Nơi đặt cọc phải đáp ứng những điều tôi nêu trên thì sau này phụ huynh mới không thấy hối hận khi xuống tiền giữ suất học”, chị H. nhấn mạnh.
Chia sẻ với lo lắng của phụ huynh, chị Vân Anh (sống tại Hà Nội, có con chuẩn bị thi vào lớp 10) cũng khuyên các phụ huynh khác không nên đặt cọc trong trạng thái vội vàng hoặc bị xao động, bị phân tâm theo đám đông dẫn đến quyết định mang tính thời điểm, tránh tâm lý lo lắng thái quá dẫn đến việc đặt cọc quá nhiều, gây lãng phí.
Khi quyết định đặt cọc vào một trường, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, khoảng cách đi lại, học phí, kinh tế gia đình và quan trọng là năng lực của con để đưa ra lựa chọn phù hợp.
“Cha mẹ nên bình tĩnh, chọn một trường phù hợp nhất với khả năng của con và kinh tế gia đình trước khi chi tiền giữ chỗ, tránh lãng phí. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên tìm hiểu kỹ các yêu cầu của nhà trường bởi các khoản phí này thường không được hoàn lại", chị Vân Anh nói.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.