Thông tin từ Bảo hiểm Xã hội TP.HCM cho biết đơn vị này vừa thanh toán hai đợt bảo hiểm y tế cho bệnh nhân T.V.Cường (62 tuổi, ngụ tại quận 10, TP.HCM).
Thông tin kiểm tra được từ số thẻ bảo hiểm y tế của ông Cường, bệnh nhân này nhập viện vào ngày 4/11/2017 tại Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM, với chẩn đoán teo cơ do tổn thương tủy sống. Đến ngày 14/6, ông Cường xuất viện.
Số tiền bảo hiểm y tế của ông Cường được thanh toán thành hai đợt. Trong đó, đợt một thanh toán vào ngày 28/12/2018, với hơn 887 triệu đồng. Đợt 2, vào ngày 14/6, bệnh nhân này được quyết toán với số tiền hơn 268 triệu đồng. Tổng số tiền mà bảo hiểm y tế chi trả cho ông Cường là 1,115 tỷ đồng cho khoảng gần 20 tháng nhập viện.
Bệnh nhân nằm điều trị kéo dài tại bệnh viện, bảo hiểm y tế vẫn chi trả dù có chuyển tuyến. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM, cho biết trường hợp bệnh nhân Cường vốn nhập viện điều trị tại bệnh viện đa khoa thuộc tuyến cuối của thành phố. Do đó, bệnh viện cũng không thể chuyển đến cơ sở y tế tuyến cuối khác như Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.
Mặt khác, có thể, bệnh viện đã giữ bệnh nhân lại và điều trị hết mình trong khả năng có thể. Vậy nên bảo hiểm y tế vẫn thanh toán đầy đủ.
“Có những trường hợp thay máu ở Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM, bảo hiểm y tế còn chi trả hơn 6 tỷ đồng. Trong trường hợp này, dù bệnh nhân có chuyển đến bệnh viện nào khác thì vẫn sẽ được bảo hiểm y tế chi trả”, ông Mến nói.
Trước đó, ngày 30/7, ông Mến cho biết Bảo hiểm Xã hội TP.HCM cũng nhận được công văn phản ánh từ Giám đốc Bệnh viện quận 11, TP.HCM, về trường hợp một bệnh nhân khám, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế lớn trong thành phố, với cùng chẩn đoán bệnh trong vòng hơn một năm qua. Tổng số lần khám, chữa bệnh của bệnh nhân này là 149 lần, được bảo hiểm y tế chi trả hơn 100 triệu đồng.
“Hiện chúng tôi đã gửi công văn lên Sở Y tế TP.HCM để rà soát, kiểm tra và có hướng xử lý bệnh nhân này nếu có hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm y tế”, ông Mến thông tin thêm.