Trong số 19 nạn nhân được lực lượng công an giải cứu khi triệt phá đường dây buôn bán hàng trăm phụ nữ ra nước ngoài làm vợ vào cuối tháng 10/2014 thì có đến 15 người ở các tỉnh, thành ĐBSCL. Những phụ nữ này chấp nhận đánh đu với số phận lấy chồng ngoại mong có cơ hội được đổi đời.
Theo tài liệu điều tra, cuối năm 2013, Xia Rong Lei (Hạ Vinh Lôi) và Wu Hua Peng (Ô Hoa Băng, cùng quốc tịch Trung Quốc) thường xuyên dẫn theo những người đàn ông Trung Quốc sang Việt Nam tìm phụ nữ để cưới làm vợ. Mỗi trường hợp như thế, Lôi và Băng thu từ 200 - 250 triệu đồng/tùy theo nhan sắc.
Khi qua đến Việt Nam, cả 2 tìm cách móc nối với các “chân rết” tại TP.HCM là Tắt, Hiền và Chiến tìm phụ nữ để bán. Mỗi trường hợp thành công, các “chân rết” này nhận được khoảng 100 triệu đồng (có trách nhiệm bao chi phí ăn, ở và làm giấy tờ cho những người đàn ông Trung Quốc khi chọn được vợ).
Để có nguồn phụ nữ, những "chân rết" này móc nối với các đầu mối ở Tây Ninh, TP.HCM và các tỉnh miền Tây "tung quân" đến vùng nông thôn tìm nạn nhân, “rót” vào tai các cô gái trẻ về cuộc sống sung sướng, xa hoa nơi xứ người.
Ngày 22/10, khi Hạ Vinh Lôi và Ô Hoa Băng đang làm thủ tục đưa 3 phụ nữ (2 ở Tây Ninh, 1 ở Cà Mau) để bán cho những người đàn ông Trung Quốc thì bị công an tỉnh Tây Ninh phối hợp các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an bắt quả tang tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Tiếp tục đấu tranh, lực lượng công an đã bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Sương (46 tuổi, ngụ xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), Nguyễn Thị Tắt (39 tuổi, ngụ xã Nam Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang), Nguyễn Thị Ngọc Hiền (32 tuổi, ngụ xã Xuân Hoà, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) và Du Quốc Thắng (còn gọi là Chiến, ngụ xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Những kẻ buôn người trong đường dây bán cả trăm phụ nữ ra nước ngoài bị bắt giữ. |
Khai thác nhanh các nghi can, lực lượng chức năng giải cứu thêm 16 nạn nhân đang được tập kết tại các tụ điểm ở tỉnh Tây Ninh và TP.HCM do Sương, Hiền và Tắt và Thắng làm đầu mối, chờ làm thủ tục đưa ra nước ngoài. Qua điều tra, tổng cộng số phụ nữ mà đường dây này đã buôn bán lên đến 166 người.
Chúng tôi đã lần theo địa chỉ tìm về quê của những người muốn lấy chồng ngoại ở Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu… Điều trớ trêu, khi đường dây bị triệt phá, nhiều cô gái đã cắt liên lạc với gia đình, lưu lại TP.HCM hoặc tá túc tạm thời nhà người quen, tiếp tục giấc mơ chồng ngoại.
Lê Thị Diễm (21 tuổi, ngụ xã Thuận Hòa, Long Mỹ, Hậu Giang), sinh ra trong một gia đình khó khăn. Cô được cậu ruột giới thiệu lấy chồng ngoại vào đầu tháng 7/2014. Trong thời gian Diễm lưu lại Sài Gòn học tiếng Hàn, chờ ngày xuất ngoại thì đường dây môi giới bị triệt phá.
Cô không quay trở về nhà, thậm chí người thân trong gia đình cũng không biết Diễm đang làm gì, ở đâu mà chỉ nghe đang tập trung học tiếng Hàn, chờ xuất ngoại.
Cũng là một trong những nạn nhân, nhưng từ khi đường dây bị triệt phá, Trần Thanh Thanh (22 tuổi, ngụ thị trấn Hòa Bình, Bạc Liêu) chưa trở về quê. Những người thân trong gia đình ở Bạc Liêu đều không tin con mình bị lừa vào đường dây mua bán người.
Một cô gái được giải cứu khỏi đường dây buôn bán phụ nữ. |
Hoàn cảnh gia đình Thanh cũng hết sức khó khăn. Không có đất canh tác, cha mẹ Thanh phải cất tạm căn chòi lá trên đất của người khác và mưu sinh bằng nghề chài lưới. Học đến lớp 6, cô nghỉ học để phụ giúp gia đình.
Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP.HCM - chia sẻ: "Giấc mơ đổi đời đã hình thành trong suy nghĩ của nhiều cô gái trẻ có gia cảnh nghèo khó. Nhiều phụ nữ vì muốn lấy chồng ngoại đã không hợp tác với cơ quan công an mà còn xem những kẻ buôn người đang bị cơ quan công an đang xử lý là ân nhân”.
Thanh có người dì lấy chồng ngoại, nên cũng muốn đi theo, mong có cuộc sống giàu sang đỡ đần mẹ cha. Tuy nhiên, giấc mơ của Thanh chưa thành hiện thực.
"Con gái tôi muốn có chồng nước ngoài là do tự nguyện, không ai ép buộc gì cả. Tôi không tin con mình bị lừa bán sang nước ngoài để làm vợ. Sự việc xảy ra thế này gia đình tôi không biết tính ra sao”, mẹ của Thanh nói.
Tại hội thảo về “Tội phạm mua bán người và môi giới hôn nhân trái phép” do Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) tổ chức tại Tiền Giang vừa qua, Đại tá Lý Hồng Sinh - Phó Giám đốc công an tỉnh Tây Ninh - cho biết mỗi năm tỉnh Tây Ninh triệt phá 7 - 8 đường mua mua bán người, giải cứu hàng chục phụ nữ. Mỗi cô gái đưa sang Trung Quốc thành công được bán với giá từ 150 - 250 triệu đồng.
Số tiền này, được chia đều cho các đối tượng môi giới khoảng 100 triệu đồng, đến những tay cò mồi còn 30 triệu đồng và gia đình nạn nhân chỉ thực nhận 20 - 30 triệu đồng. Thực tế, đa số các phụ nữ sau khi kết hôn đã bị bán làm gái mại dâm trong các nhà chứa hoặc phải lấy người tàn tật, tâm thần hay đáng tuổi cha chú.
"Để dụ dỗ, các đối tượng thường hứa hẹn sang Trung Quốc chọn chồng trẻ đẹp, giàu có… nhưng khi tới nơi nạn nhân bị thu giữ hết giấy tờ tuỳ thân và bán cho những người đàn ông ở các vùng đồi núi, sống cuộc sống cực khổ", Đại tá Lý Hồng Sinh cho hay.