19h ngày 27/10, Đinh Tiến Đạt (40 tuổi), chủ tiệm cà phê Early Morning - Tea & Coffee (quận Phú Nhuận), cùng các nhân viên gấp rút phun khử khuẩn không gian quán, chuẩn bị nguyên liệu khi nhận thông tin được phục vụ tại chỗ.
Anh Đạt cho biết từ khi mở bán mang đi, ngày nào mọi người cũng dọn dẹp nên chỉ cần sắp xếp lại bàn ghế, thêm một số khâu khác để phù hợp với quy định giãn cách.
“Lúc nhận tin, tôi phải nhắn mọi người họp ngay để bàn về quy trình đón khách. Trước mắt, tôi và cả nhóm dự định có các bước như khai báo y tế bằng mã QR, rửa tay trước khi gọi món và ngồi cách nhau 2 m. Tôi sẽ xem tình hình như thế nào để điều chỉnh sau”, anh Đạt nói với Zing.
Vì tình hình dịch bệnh còn khá phức tạp cộng thêm với việc hầu hết nhân viên đã về quê từ trước, ông chủ 40 tuổi cũng khá lo lắng khi hoạt động trở lại.
Anh Đạt họp với các nhân viên để chuẩn bị mở cửa trở lại theo hình thức phục vụ tại chỗ. |
Từ khi bắt đầu giãn cách, anh đã trang bị đầy đủ những vật dụng phòng dịch như buồng khử khuẩn, nước rửa tay, đồ bảo hộ, khẩu trang để đảm bảo an toàn cho nhân viên, shipper và khách hàng.
“Chưa biết lượng khách sẽ thế nào, tôi sợ sẽ khó kiểm soát nếu quán quá đông nên định lùi giờ mở cửa trễ hơn 1 tiếng để đảm bảo mọi thứ phải được chuẩn bị kỹ lưỡng”, anh Đạt nói thêm.
Cần thêm thời gian chuẩn bị
Tối cùng ngày, nhóm chat của các thành viên tiệm Mai Cà Phê (quận 10) lập tức “bùng nổ” khi nhận tin được đón khách tại chỗ trở lại.
Từ chủ quán cho tới nhân viên, ai cũng vui mừng, nóng lòng được gặp lại những khách hàng cũ, đón những người bạn mới tới thăm quán, uống cà phê sau nhiều tháng.
“Tôi biết thông tin này lúc 19h và lập tức gửi vào nhóm chung. Chúng tôi mừng lắm, cuối cùng cũng có thể đón khách tại chỗ rồi”, Hà Nguyễn (27 tuổi), chủ tiệm cà phê, chia sẻ với Zing.
Gần một tháng nay, tiệm Mai Cà Phê duy trì hình thức bán mang về với 9 trên tổng số 30 món nước trong thực đơn.
Dù mức doanh thu giảm hơn 70%, có thời điểm chỉ nhận được 1-2 đơn/ngày do lượng khách hàng online chưa ổn định, Hà Nguyễn và đội ngũ nhân viên vẫn cảm thấy may mắn khi được làm công việc yêu thích sau 5 tháng đóng cửa vì dịch.
Hà Nguyễn dời ngày bán tại chỗ sang 29/10 để hoàn tất các khâu chuẩn bị cuối cùng. |
“Dù tối ưu chi phí nhân sự, đơn giản hóa quá trình chuẩn bị, chúng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn khi bán mang về. Nghe tin được đón khách tại chỗ, tôi như trút được gánh nặng vì cuối cùng cũng có thể hoạt động ‘hết công suất’”, chủ quán nói.
Hà Nguyễn cho biết do thường xuyên phân công nhân viên ghé quán chăm sóc cây cối, vệ sinh không gian, tiệm không bị động khi chuẩn bị mở cửa đón khách trở lại.
Tuy nhiên, quán vẫn quyết định dời ngày bán hàng tại chỗ sang ngày 29/10 để hoàn tất những công đoạn cuối cùng.
“Thông báo được ban hành khá gấp rút nên chúng tôi chưa kịp chuẩn bị đủ nguyên vật liệu tươi cho tất cả món nước, bánh trong thực đơn. Quán sẽ đón khách tại chỗ muộn hơn một ngày, nhưng đảm bảo chất lượng phục vụ, hình ảnh và quy định chống dịch”, chị chia sẻ.
Thay đổi mô hình kinh doanh
Thay vì chuyển sang bán mang về như đa số quán cà phê, tiệm KJ Project (quận Tân Bình) của chị Dương Ngọc Quỳnh Như (29 tuổi) chấp nhận đóng cửa suốt 5 tháng dịch bệnh.
“Với mình, tiệm cà phê nên mở bán tại chỗ vì thức uống này cần gắn liền với trải nghiệm về không gian, hương vị cũng sẽ ngon hơn khi thưởng thức ngay”, chủ quán lý giải.
Do đó, khi nghe tin được đón khách tại chỗ, Quỳnh Như cảm thấy phấn chấn hơn nhiều.
“Tôi chỉ vừa biết tin lúc 20h, liền lập tức kiểm tra lại các khâu chuẩn bị như nguyên vật liệu, vệ sinh không gian quán để chuẩn bị đón khách. Tôi luôn tin sớm muộn gì thì hàng quán cũng được bán tại chỗ trở lại, cuộc sống bình thường mới là vậy mà”.
Như Dương cảm thấy phấn khởi khi nghe tin hàng quán được phục vụ tại chỗ. Ảnh: Phương Lâm. |
Vài tuần trước, chị quay lại quán sau nhiều tháng để bắt đầu dọn dẹp. Do đóng cửa khá vội vàng, đồ đạc, dụng cụ trong quán cũng hư hỏng khá nhiều.
“Tôi phải dọn dẹp, thay mới một vài món đồ để bù vào những phần hỏng hóc. Ngoài ra, tôi cũng bố trí lại số lượng chỗ ngồi, đảm bảo quy định 5K. Cũng may tôi chuẩn bị từ sớm nên không quá bị động”.
Mở lại quán sau giãn cách, tiệm của Quỳnh Như cũng thay đổi mô hình kinh doanh từ cà phê sang bán thêm cả bánh ngọt. Với sản phẩm chính là món ngọt, dễ dàng mua mang về, chị cho biết lượng khách ngồi lại tại quán sẽ giảm bớt so với thời điểm trước.
“Tôi quyết định giảm công suất hoạt động xuống còn 50%, chấp hành nghiêm chỉnh quy định phòng dịch. Tôi nghĩ mình phải thay đổi để thích nghi dần với cuộc sống bình thường mới”.