Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Được và mất của phim truyền hình Việt 2012

Dù chưa thực sự xuất sắc, có những phim gây ấn tượng mạnh như những năm trước nhưng so với năm 2011 lổn nhổn sạn và thảm họa thì phim truyền hình Việt năm 2012 dường như đã nhận ra lời cảnh tỉnh, bắt đầu đi vào quỹ đạo.

Được và mất của phim truyền hình Việt 2012

Dù chưa thực sự xuất sắc, có những phim gây ấn tượng mạnh như những năm trước nhưng so với năm 2011 lổn nhổn sạn và thảm họa thì phim truyền hình Việt năm 2012 dường như đã nhận ra lời cảnh tỉnh, bắt đầu đi vào quỹ đạo.

Nhiều phim điểm sáng

Nếu như bộ phim chính luận Không chùn bước, xoay quanh câu chuyện phá án băng nhóm giang hồ Năm Cam, trở thành hiện tượng của phim truyền hình Việt Nam năm 2011 thì năm 2012, Cầu vồng tình yêu đánh dấu sức hút của khán giả dành cho thể loại tâm lý, gia đình này. Chiếm sóng giờ vàng VTV3 suốt gần 1 năm trời, Cầu vồng tình yêu đã để lại cho khán giả nhiều ấn tượng sâu sắc và là tâm điểm của cộng đồng mạng trong suốt một thời gian dài. Bộ phim Việt hóa từ kịch bản Hàn này cũng đã đem lại tên tuổi cho hai gương mặt Hồng Đăng – Hồng Diễm. Trong khi đó, Đàn trời, bộ phim kể về cuộc chiến chống tham nhũng quanh dự án của Chương trình 135 tại một vùng nông thôn miền núi do đạo diễn Bùi Huy Thuần thực hiện tiếp tục khẳng định “đặc sản” chính luận của VFC khi tạo được sự quan tâm rất lớn khi công chiếu. Thuộc se-ri Cảnh sát hình sự, Đầm lầy bạc của đạo diễn trẻ Bùi Quốc Việt cũng được đánh giá khá cao khi ra mắt khán giả. Có thể nói, sau một vài sự tiếp nối không thành công, bộ phim có thể là điểm sáng để lấy lại hình ảnh cho se-ri Cảnh sát hình sự vốn đã quen thuộc với khán giả yêu truyền hình.

Cảnh trong phim Cầu vồng tình yêu.

Với số lượng kênh phát sóng trải rộng nên số lượng phim phía Nam luôn ồ ạt. Việc một đạo diễn chạy sô 2-3 phim cùng một thời điểm hay 2-3 đoàn quay chung bối cảnh là chuyện thấy được nhưng năm 2012 cũng ít thấy xuất hiện những “thảm họa” như năm 2011. Tập trung nhiều với những câu chuyện, bối cảnh hiện đại nhưng bộ phim đáng xem nhất lại là về đề tài nông thôn, Đất mặn. 49 tập phim xoay quanh quá trình mở đất, giữ đất, dùng đất rồi không còn đất để sinh sống… đầy trăn trở trải dài qua 4 thế hệ của những người nông dân vùng ĐBSCL được tái hiện dưới bàn tay của đạo diễn Tường Phương đã gây xúc động lớn cho khán giả màn ảnh nhỏ. Cũng về đề tài nông thôn, Chuyện xứ dừa hay Lúa trổ bông cũng mang lại niềm tin cho khán giả truyền hình. Ở mảng chính luận, Bước qua bóng tối với diễn xuất của Quý Bình trong vai Nhân “lì” cũng gây được ấn tượng mạnh với khán giả. Sau khi phim phát sóng, hàng loạt các diễn đàn yêu phim ảnh đã tràn ngập các comment tốt cho diễn xuất của Quý Bình trong phim này.

Năm 2012 cũng đánh dấu sự xuất hiện của diễn viên Việt Trinh với vai trò đạo diễn. Bộ phim về đề tài Phật giáo, Trở về, phát sóng đầu năm 2012 sau quãng thời gian vận động bạn bè, vay mượn, thế chấp nhà, với số tiền vốn 5 tỷ đồng và miệt mài quay ở Campuchia đã mang lại cho thành công rực rỡ. Tiếp đà, cuối năm 2012, dự án Trở về 2 tiếp tục được Việt Trinh triển khai để gửi tới khán giả.

Ngoài những điểm sáng lớn vừa kể trên, truyền hình Việt năm 2012 còn xuất hiện khá nhiều phim đáng chú ý khác như Ầu ơ ví dầu, Anh hùng Nguyễn Trung Trực, Trước ngưỡng cửa cuộc đời, Vòng xoáy bạc, Những công dân tập thể, Huyền thoại IC… hay những đề tài cho lứa tuổi teen như Trường nội trú, Lạc mất linh hồn… và dạng sitcom như Những phóng viên vui nhộn, Cửa sổ thủy tinh…

Cách làm phim để… mất!

Ngoài những điểm sáng nêu trên, năm 2012 vẫn tiếp tục điệp khúc “nhanh, nhiều, tiện, rẻ” nhìn thấy nhan nhản ở các đoàn làm phim. Chuyện một đạo diễn cùng một lúc nhận 2-3 phim, chuyện các đoàn phim va nhau cùng bối cảnh là chuyện thường thấy khi kịch bản vẫn quanh quẩn nơi đô thị, với các câu chuyện tình yêu trong nhà ngoài phố cho đỡ tốn chi phí, kéo nhanh chi phí sản xuất cho phim… Nhiều nhà sản xuất giờ săn lùng một đạo diễn, bởi anh nổi tiếng “làm phim nhanh nhất Việt Nam”. Anh này, một ngày quay một tập là chuyện bình thường, thậm chí dân trong nghề còn đồn anh chỉ huy một lúc ba đoàn phim ở ba bối cảnh khác nhau. Hỏi anh vì sao lại làm nhanh như thế, có bao giờ anh tính đến chất lượng của phim không? Anh cười mỉm đầy chua chát: “Đôi lúc làm nghề mình không được chọn lựa, người ta nhét cho mình một cục tiền rồi bảo rằng, cứ làm như thế, và như thế là được rồi, đừng làm ẩu để báo chí chê là đạt chỉ tiêu”. Nói xong, ảnh hỏi ngược lại: “Nếu chú mày là anh, liệu có làm để nuôi vợ con không?”.

Cảnh trong phim Trở về của đạo diễn Việt Trinh.

Còn những đạo diễn như Tường Phương, Phương Nam, Phan Hoàng… với cách làm tỉ mỉ, trau chuốt cho từng cảnh quay, thì nay trở thành nỗi ám ảnh không chỉ của các nhà sản xuất nhỏ mà còn cả những diễn viên thích… chạy sô. Thậm chí, họ còn đồn nhau: “Đừng bao giờ ký hợp đồng với mấy đạo diễn này, họ làm kỹ quá, mình chết là cái chắc…”. Thật đau lòng nhưng biết làm sao, bởi cách làm ẩu lâu nay đã trở thành một thói quen của một số diễn viên thích… chạy sô.

Chính vì tư duy như vậy nên nếu phim không có kịch bản hay hỗ trợ thì gần như xét về mọi mặt, chỉ như một dạng minh họa với diễn viên khóc cười 4-5 phim y hệt nhau, đạo diễn không thèm rời monitor, quay phim chẳng buồn ngồi nghĩ góc máy và họa sỹ thì chẳng cần thiết kế nhiều bối cảnh. Bởi, thời gian chỉ có vậy. Mà kịch bản hay giờ như mò kim đáy bể, người viết không đủ kiến thức, đội ngũ biên tập gần như bị bỏ qua. Chính vì vậy, những cảnh phản cảm như màn liếm ngực trong phim Hoa nắng bị khán giả “ném đá” dữ dội thì diễn viên trong phim lại cho rằng “chuyện thường thôi”; kịch bản về y đức ngành y như Chân trời trắng thì bị sinh viên ngành y cho là thiếu thực tế, sai lệch, xúc phạm ngành.

Tuy nhiên, những hạt sạn lớn chỉ tồn tại ở những Hãng phim nhỏ, dạng “năm ăn năm thua” thời kỳ đầu, còn một số Hãng phim tư nhân lớn cũng bắt đầu cân nhắc giữa sản phẩm – thương hiệu – tài chính cho cân đối. Năm 2012 được đánh giá là năm không có nhiều phim “thảm họa” bị khán giả tẩy chay như những năm trước. Việc kiểm duyệt đã và đang cho khán giả một cái nhìn khả quan hơn. Thời gian qua, câu chuyện kênh SCTV1 chấp nhận phát sóng cho các Hãng phim bằng cách đo rating người xem, như là cách khích lệ các nhà làm phim: Ai làm giỏi, phim hay sẽ được trả tiền cao. Ai làm dở, phim ít người xem phải chịu lỗ. Hàng loạt phim như Tay chơi miệt vườn, Chàng mập nghĩa tình, Chuyện xứ dừa… đã phải chịu cảnh phập phồng lo sợ khi phim phát sóng. Cũng may, chất lượng tốt nên các phim trên từ huề vốn đến lời… âu cũng là cách tốt để các nhà làm phim bắt đầu chuyên nghiệp hơn trong cách làm phim.

Theo Thế giới điện ảnh

Theo Thế giới điện ảnh

Bạn có thể quan tâm