Gần 100 gờ giảm tốc dành cho người đi bộ được chính quyền thị trấn Đài Nhi Trang ở Tảo Trang, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc lắp đặt ở ngay lối vào một khu di tích. Khoảng cách giữa mỗi gờ chỉ cỡ một bước chân và rộng vài mét dọc theo con đường.
Việc làm “bất thường” trên đã làm dấy lên sự quan tâm của giới truyền thông Trung Quốc. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) còn châm biếm và gọi đây là con đường “bàn giặt”, bởi giống chiếc bàn giặt quần áo cổ truyền của nước này hơn là một con đường.
“Đường bàn giặt” ở thị trấn Đài Nhi Trang ở Tảo Trang, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Imaginechina/REX/Shutterstock. |
Cộng đồng mạng xã hội của Trung Quốc lại cho rằng khi xuống dốc, những gờ giảm tốc có thể được coi là một bậc thang tạm thời dành cho người đi bộ. Chúng giúp cho người đi bộ không bị trơn trượt, nhất là khi mùa đông tuyết rơi.
Nhưng có người đặt câu hỏi rằng tại sao chính quyền không sửa đường thành bậc thang, sẽ có tác dụng hơn là những đường gờ.
Thị trấn cổ Đài Nhi Trang được xây dựng trong triều đại Tần và Hán (221 TCN-220 sau CN), là một phần của Đại Vận Hà, kênh đào nhân tạo lâu đời và dài nhất trên thế giới, trải dài gần 1.800 km qua các tỉnh như Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông, Giang Tô và Chiết Giang. Phần cổ xưa nhất của kênh đào này có niên đại từ thế kỷ 5 TCN.
Sau trận chiến Trung Quốc - Nhật Bản, Đài Nhi Trang bị tàn phá nặng nề, và được xây dựng lại vào năm 2008. Hiện nay, nơi này vẫn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc truyền thống như cầu đá, đền thờ... và hệ thống vận tải đường thủy lâu đời .
Đài Nhi Trang được coi là một trong những thị trấn sông nước đẹp nhất Trung Quốc.