Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) ngày 18/6 cho biết vừa phối hợp với Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động và một số đơn vị triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ gần 3 triệu sách giáo khoa giả.
Cơ quan chức năng đang làm việc với các chủ doanh nghiệp in ấn, tiêu thụ sách giả và phân loại tang vật để mở rộng vụ án.
Hai trong số các kho tập kết sách giả tại Hà Nội. Ảnh: N.H. |
Trưa cùng ngày, hàng chục cảnh sát chia làm nhiều tổ công tác đồng loạt kiểm tra 19 địa điểm gồm hệ thống văn phòng, nhà xưởng và kho hàng của Công ty cổ phần In và văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát.
Tại các địa điểm trên, lực lượng liên ngành phát hiện gần 3 triệu sách giáo khoa giả, được gắn tem giả của nhà xuất bản. Cơ quan chức năng thu giữ 3 dây chuyền gia công, in ấn sách và nhiều tài liệu, tang vật liên quan.
C03 làm rõ những người liên quan đã thiết lập đường dây sản xuất, in ấn và tiêu thụ sách giả tại một số cửa hàng ở Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Kết quả điều tra bước đầu cho thấy nhóm sản xuất hàng giả đã thu lợi bất chính gần 50 tỷ đồng. Bộ Công an đánh giá đây là đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả lớn nhất từ trước đến nay.
Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp (Đoàn luật sư Hà Nội), Nghị định 159 quy định hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu... từ 300 bản trở lên, thì bị phạt tiền 20-30 triệu đồng.
Nếu thu lời bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu tác phẩm từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 225 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị truy cứu theo Điều 192 Bộ luật Hình sự do buôn bán hàng giả.