Chúng tôi tìm đến căn nhà cấp 4 còn chưa kịp tô trét của vợ chồng ông Thống nằm ở đầu thôn Trúc Lâm (phường Hương Long, Huế) đúng lúc 3 chị em Võ Thị Huệ (21 tuổi, con thứ 2 của ông Thống) cùng 2 người em sinh đôi là Võ Thị Thanh và Võ Nhật Thiện (đều 18 tuổi) đang miệt mài thêu nón lá kiếm tiền cho ngày nhập trường sắp đến.
3 chị em Huệ, Thanh Và Thiên đang miệt mài thêu nón lá để phụ giúp mẹ kiếm tiền để nhập học. |
Huệ kể, trước đây gia đình em sống chung với ông bà ngoại ở thôn Chằm (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà). Không có ruộng vườn sản xuất nên bố mẹ em đã lấy nghề vác gỗ và làm than để kiếm tiền nuôi 5 người con.
Tuy nhiên, do liên tục theo đuổi công việc nặng nhọc nên không lâu sau ông Thống bị thái hóa cột sống, từ đó không thể lao động được nữa.
“Thương mẹ sớm hôm vất vả nên học xong lớp 6 thì em đành nghỉ học để lên TP Huế làm thuê cho người ta nhằm giúp mẹ kiếm thêm chút ít nuôi anh trai và 3 em sau tiếp tục đi học.
Năm học 2008-2009 (tức 3 năm sau ngày nghỉ học), với mong muốn trở lại trường học chữ nên em nhờ bố mẹ làm đơn xin tiếp tục học tiếp chương trình lớp 7 tại Trường THCS Hương Hồ (nay là trường THCS Huỳnh Đình Túc). Vì thế, 3 chị em cùng học chung một lớp từ đó” - Huệ kể lại chuyện học hành dang dở của mình.
Mặc dù bận rộn với bài vở nhưng ngoài giờ học, Huệ vẫn tranh thủ đạp xe trên 10 km để đến chỗ làm thêm. Có nhiều lúc Huệ đến trường trong tình trạng bị chảy máu cam và ngất xỉu do kiệt sức nhưng chưa bao giờ em có ý định bỏ học.
Bằng sự nỗ lực của bản thân, năm 2012, Huệ thi đỗ vào lớp chọn Địa lý, Trường THPT chuyên Quốc học Huế. Điều kiện học tập thiếu thốn, khó khăn đủ bề nhưng suốt 3 năm học, Huệ đều là học sinh giỏi và liên tiếp mang về nhiều thành tích cho nhà trường.
Đó là giải khuyến khích Địa lý trong kỳ thi học sinh giỏi các trường THPT chuyên khu vực Duyên Hải và Đồng bắc Bắc Bộ (năm lớp 10), 2 giải nhì kỳ thi học sinh giỏi môn Địa lý cấp tỉnh và giải khuyến khích cấp quốc gia (năm lớp 11 và 12).
Noi gương anh trai đầu là Võ Nhật Cường vừa tốt nghiệp khoa Toán (Trường ĐH Sư phạm Huế năm 2014) nên trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Huệ cùng 2 em sinh đôi Thanh và Thiện đã nỗ lực làm bài tốt với ước mơ được “bước chân” vào giảng đường đại học.
Suốt gần 10 ngày qua, khi ĐH Huế công bố điểm chuẩn trúng tuyển NV1 cũng là lúc người dân làng Trúc Lâm ngỡ ngàng khi hay tin cả ba chị em Huệ đều... đỗ đại học.
Ngồi trò chuyện mà ông Thống không giấu hết nỗi lo âu khi nói về sự học của các con: “Nghe con Huệ thông báo đỗ vào ngành Địa lý, Trường ĐH Sư phạm Huế với số điểm 22,5, con Thanh đỗ ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, khoa Du lịch, ĐH Huế với 23 điểm, còn thằng Thiện đỗ trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng với 23,25 điểm mà vợ chồng tui cứ như ngồi trên đống lửa vì không biết kiếm đâu ra mấy triệu đồng khi thời gian nhập học cho các con đang cận kề...”.
Không muốn các con rời bỏ giảng đường sau 12 năm đèn sách cực nhọc nên những ngày này, bà Lê Thị Ty (mẹ Huệ) cố gắng lặn lội đi thu mua ve chai khắp nơi từ sáng sớm đến tối mịt nhằm kiếm thêm ít đồng tiền lẻ.
Huệ và các em cũng tranh thủ giúp mẹ bằng việc thêu nón lá với giá 2.000 đồng/cái. “Mỗi ngày, 3 chị em cố gắng lắm cũng thêu được 20 cái nón, còn ít thì khoảng 10 cái.
Thu nhập ít ỏi là thế nhưng tụi em đều cố gắng làm việc anh ạ. Nếu không đủ tiền đóng học phí thì em sẽ chấp nhận nghỉ học lần nữa để đi làm giúp mẹ nuôi 2 em Thanh và Thiện học đại học và cậu em út đang học lớp 8...” - Huệ ngậm ngùi trải lòng cùng tôi trước lúc chia tay.
Theo đại diện UBND phường Hương Long, hộ gia đình ông Võ Nhật Thống nằm trong danh sách hộ nghèo của phường từ năm 2012 đến nay.
Dù có hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng gia đình ông Thống luôn có truyền thống hiếu học khi cả năm người con đều nỗ lực vượt khó học giỏi, đạt nhiều giải thưởng cao của tỉnh và toàn quốc.