10 tuổi
Từ nhỏ Phúc không biết cha mình là ai, lớn lên một chút thì mẹ hóa điên dại, bạn chỉ còn bà ngoại là chốn nương tựa. Ngày Phúc còn nhỏ ngoại thường đi lang thang khắp xóm xin miếng ăn cho cả gia đình.
Biết ngoại không thể hành khất mãi được nên khi mới 10 tuổi, cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, Phúc đã xin chân chạy việc ở quán nước gần nhà.
Bùi Thanh Phúc cần mẫn làm thêm ở căng tin. |
“Ngày cầm số tiền lương ít ỏi từ công việc xách nước, rửa ly, bưng bê cho quán nước cạnh nhà chẳng hiểu sao nước mắt mình cứ chảy dài. Cũng có mấy lần mình tính bỏ cuộc nhưng nhìn ngoại cứ dãi dầu mưa nắng, hai bàn chân sưng phù lên là mình lại bước tiếp” - Phúc nhớ lại.
15 tuổi
Học hết cấp 2, ngoại gặp bạo bệnh rồi nằm liệt giường, Phúc bất đắc dĩ trở thành lao động chính trong gia đình.
15 tuổi Phúc bắt đầu thấm thía câu “Cơm người khó lắm ai ơi. Không như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn” khi nhiều lần bị chủ xỉ vả vì dám... mang vở theo học. Số tiền phụ quán chỉ 10.000 đồng/buổi, làm cả ngày là 20.000 đồng, đủ để Phúc trang trải cho mẹ và cho ngoại những chén cơm trắng, còn thức ăn thì có gì ăn nấy.
Mỗi lần ngoại với mẹ trở bệnh là tiền ăn thành tiền thuốc. "Nhiều bữa không có gạo ăn, cả ba người ôm nhau khóc”, Phúc gạt nước mắt chia sẻ.
18 tuổi
Nhờ sự giúp đỡ của thầy giáo môn công nghệ, Phúc làm thêm ở căng tin trường năm lên lớp 10. Giờ các bạn ra chơi là lúc Phúc bận rộn nhất. Xắn tay áo, Phúc hết bưng bát mì, lấy hộp tăm, miếng chanh...
“Chẳng nề hà hay mặc cảm, mình làm nhiều việc nhất có thể để lúc chuông reo là về lớp ngay cho kịp học” - Phúc nói. Thù lao mỗi tuần của Phúc là 120.000 đồng. Phúc cho hay trước đó đã để dành được mấy triệu đồng tính đóng học phí kỳ đầu tiên trường cao đẳng Y tế Tiền Giang. Thế nhưng chưa kịp vui thì bệnh của ngoại trở nặng và bà ra đi đột ngột...
5 ngày trước khi nhập học
Dù không còn học Trường THPT Lưu Tấn Phát nhưng Phúc vẫn phụ căngtin như trước, ngày hai buổi với tiền công 50.000 đồng. Thầy Lê Hoàng Nghĩa (giáo viên môn công nghệ Trường THPT Lưu Tấn Phát), chủ căngtin, chia sẻ: “Phúc không bao giờ nề hà công việc nặng nhọc. Giờ ngoại con bé mất, vừa mất tình thương mà bao nhiêu tiền dành dụm cũng đã hết”.
Phúc nói: "Chắc phải đi làm công nhân ít năm mới có tiền sau đó đi học lại". Giấc mơ được đến giảng đường của Phúc đang liêu xiêu như dáng đi của bạn, ngày chúng tôi đến trò chuyện.