Với bài luận xuất sắc, điểm trung bình học tập ấn tượng và thư giới thiệu từ những giáo viên uy tín, Kelly Hyles, nữ sinh một trường trung học danh tiếng ở New York, Mỹ đã đỗ vào 8 trường thuộc Ivy League - nhóm đại học quyền lực ở Mỹ. Ngoài ra, cô cũng nhận thư trúng tuyển từ các trường hàng đầu như Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Johns Hopkins cùng 11 trường khác.
Để có được thành công hôm nay, nữ sinh 17 tuổi đã trải qua chặng đường chông gai mà không phải ai cũng đủ kiên trì để đi đến đích.
Thành công hiện tại là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ. Ảnh: CNN. |
Lòng hiếu học, tính chuyên cần dường như đã ăn sâu vào máu Kelly. 10 năm đầu đời, cô sinh sống và học tập tại Vryheid's Lust, ngôi làng nhỏ ở Guyana.
"Ở đây, học sinh học tập rất nghiêm túc. Giáo viên được phép đánh học trò. Đây không phải việc gì nghiêm trọng, chỉ là một cách để giữ kỷ luật trường học", Kelly kể.
Nghị lực phi thường
Năm 11 tuổi, mẹ cô, bà Anette, dẫn con gái đến Mỹ với hy vọng con được tiếp nhận nền giáo dục tốt hơn.
Hai mẹ con trải qua thời gian đầu tại đất nước xa lạ một cách khó khăn. Bà Anette phải làm hai công việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống, cũng như đóng học phí cho con. Bản thân bà cũng là tấm gương về tinh thần lao động chăm chỉ.
Sau khi trúng tuyển vào trường Trung học Toán, Khoa học và Kỹ thuật ở Harlem, một trong 9 trường danh tiếng nhất ở New York, Kelly phải mất hơn 1,5 tiếng mỗi ngày để đi từ nhà đến trường.
Nhưng chừng đó chưa là gì so với những gì cô phải vượt qua. Và thực tế cho thấy, khó khăn hoàn toàn không thể đánh bại cô gái trẻ giàu nghị lực này.
Lớp học của Kelly có hơn 130 học sinh. Cô là một trong số ít học sinh da màu. Đây cũng là tình trạng phổ biến tại các trường trung học có tiếng tăm tại New York. Song Kelly cảm thấy vấn đề này rất đáng được quan tâm.
"Tôi tin chắc rằng, số lượng học sinh da đen giảm không phải do họ thiếu năng lực mà vì họ không được chuẩn bị cẩn thận và thiếu tự tin", cô nói.
Kelly hy vọng bản thân có thể góp phần cải thiện tình hình thông qua việc hợp tác với DREAM, chương trình dành cho học sinh muốn dự thi vào trường chuyên. Trong suốt 3 mùa hè, Kelly dành mỗi ngày để tư vấn, hỗ trợ học sinh từ trường học cũ của mình.
"Mục đích chính của tôi là giúp các em tự tin hơn, không nghi ngờ khả năng bản thân", nữ sinh cho hay.
Tại trường, Kelly Hyles đạt toàn điểm A. Tuy nhiên, tất cả không chỉ nhờ trí tuệ bẩm sinh mà còn phụ thuộc rất lớn vào sự cố gắng không ngừng nghỉ.
Tháng 5/2015, Kelly làm bài thi SAT đầu tiên và đạt kết quả không như mong muốn. Chuyện này khiến cô nản lòng trong thời gian ngắn nhưng nhanh chóng trở thành động lực để cô học trò nỗ lực hơn nữa.
Một cậu bạn trong lớp cho Kelly những cuốn bộ đề ôn thi mà cậu không cần nữa. Đây là sự trợ giúp rất lớn đối với nữ sinh 17 tuổi.
Thời gian sau đó, Kelly tận dụng mọi thời gian để học bài. Mỗi ngày, cô chỉ ngủ khoảng 5 tiếng, đồng thời tạm gác lại mọi hoạt động vui chơi, vùi đầu khổ học vì hiểu rõ, mẹ không đủ tiền để cô học lại nếu trượt đại học.
Với hoàn cảnh kinh tế hiện tại, Kelly cần phải đạt được học bổng vì chỉ mỗi lệ phí ứng tuyển cũng đã có phần vượt quá khả năng tài chính của hai mẹ con.
Học thôi chưa đủ
Nỗ lực hết mình nhưng nữ sinh hiểu, điểm số không phải là thứ duy nhất giúp cô thực hiện ước mơ.
Kelly Hyles là thủ khoa trong khóa tốt nghiệp 2016 của trường. Ảnh: Facebook. |
Kelly nhận thức được, để thành công, cô cần hoàn thiện bản thân về mọi mặt. Vì thế, ở trường, ngoài việc là học sinh xuất sắc, Kelly còn là đội trưởng đội cổ vũ và là vũ công. Cô không muốn bị đánh trượt vì hồ sơ ứng tuyển của mình chỉ có mỗi bảng điểm đẹp.
Ngoài ra, năm 2014, Kelly Hyles còn cùng hai bạn học khác thành lập Hiệp hội Học sinh Da đen tại trường. Bài luận ứng tuyển của cô cũng viết về tình trạng bất ổn sau những vụ thanh thiếu niên da màu bị sát hại.
Trong bài luận của mình, Kelly viết: "Tại thời điểm đó, trường không có bất cứ câu lạc bộ nào để học sinh có thể nói ra những bất công họ gặp phải".
Hàng tuần, Hiệp hội gặp mặt để thảo luận về các vấn đề xã hội, cũng như những thành tích người da đen đạt được. Kelly cũng tổ chức ngày Blackout mỗi tháng một lần nhằm quảng bá văn hóa da đen.
"Điều ý nghĩa nhất của Blackout là, qua đó, tôi nhận ra những điểm tương đồng giữa những nền văn hóa có vẻ khác biệt. Tôi chắc chắn rằng, tinh thần tự yêu quý bản thân sẽ tiếp tục bao trùm ngôi trường này", cô viết trong bài luận tuyển sinh".
Kelly luôn biết rõ bản thân muốn gì và lên kế hoạch cẩn thận để thực hiện điều đó.
Hồi học trung học năm cuối, sau khi xác nhận bản thân thực sự đam mê khoa học và biết trường liên kết với phòng thí nghiệm, nữ sinh 17 tuổi đã dành thời gian nửa ngày để tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của gene đặc biệt tại bệnh viện Mt. Sinai.
Luôn tin vào bản thân
Cô hiểu rõ những thiệt thòi khi làm người da đen và lại là phụ nữ nhưng chưa từng vì thế mà tự ti.
"Tôi chưa từng coi chủng tộc hay giới tính là rào cản. Ngược lại, đây là động lực giúp tôi học tập chăm chỉ hơn", Kelly chia sẻ.
Cô cho biết thêm, hồi đầu đến Mỹ, thực sự sốc văn hóa song thực tế dạy nữ sinh cách thích nghi với hoàn cảnh.
Kelly kể, trong những ngày đầu tại đây, khi gặp một phụ nữ, cô cất tiếng "Chào dì" theo thói quen và bị bà ấy coi như người điên. Nhưng khó khăn ban đầu là sự chuẩn bị tốt nhất để Kelly có thể phát huy hết khả năng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Nữ sinh ứng tuyển vào 22 trường, trúng tuyển 21 trường và lọt vào danh sách chờ của Đại học Stanford. Mặc dù Harvard là ước mơ từ nhỏ của mình, Kelly vẫn đang cân nhắc các lựa chọn khác.