Tỷ phú John D. Rockefeller chỉ tốt nghiệp trung học
Ông vua dầu mỏ John Rockefeller bỏ học khi mới 16 tuổi. Ảnh: Britannica |
Trước khi trở thành một trong những người đàn ông giàu có nhất lịch sử, John Rockefeller là cậu bé bình thường trong một gia đình nông dân ở ngoại ô thành phố Cleveland, bang Ohio, Mỹ.
Năm 16 tuổi, ông quyết định bỏ học, bắt đầu sự nghiệp với mục tiêu cả đời phải kiếm khoảng 100.000 USD, theo US History.
Cuối cùng, ông vượt xa nhiệm vụ bản thân đặt ra. John Rockefeller sáng lập công ty Standard Oil, từng bước độc quyền ngành công nghiệp dầu mỏ. Đến năm 1902, nhà tỷ phú sở hữu khối tài sản trị giá hơn 200 triệu USD. Trước khi qua đời vào năm 1937, tài sản tích lũy của ông vua dầu mỏ vượt quá 1 tỷ USD.
Nhà báo hàng đầu từng bỏ học ở tuổi 15
Nhà báo Horace Greeley. Ảnh: Newrepublic |
Horace Greeley là cái tên không mấy nổi tiếng với những người ít quan tâm lịch sử báo chí. Chào đời ở bang New Hampshire vào đầu thế kỷ XIX, Greeley từng bước trở thành biên tập viên có sức ảnh hưởng hàng đầu ở Mỹ. Ông cũng là nghị sĩ quốc hội và là một trong những người sáng lập Đảng Cộng hòa.
Điều đáng nói là giáo dục đóng vai trò rất nhỏ trong sự thành công của Greeley. Ở tuổi 15, ông rời nhà, bắt đầu học việc trong một xưởng in ở bang Vermont.
Năm 20 tuổi, ông chuyển đến thành phố New York và làm việc cho tờ The New Yorker và New York Tribune. Công việc ở Trinbune giúp Greeley trở nên nổi tiếng đến mức một thị trấn ở bang Colorado mang tên ông.
Đến nay, Horace Greeley là một trong những nhà báo nổi tiếng nhất lịch sử.
Phi hành gia, anh hùng thời chiến bỏ đại học
Phi hành gia John Glenn bỏ đại học để tham gia quân đội trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ảnh: Enquirer |
Trong cuộc chạy đua căng thẳng vào thập niên 50, 60, John Glenn là gương mặt đại diện cho nỗ lực của Mỹ nhằm đánh bại Liên Xô trong lĩnh vực vũ trụ. Glenn trở thành vị anh hùng thời chiến và là một trong những phi hành gia nổi tiếng nhất lịch sử, dù ông bỏ dở chương trình đại học, Enquirer cho hay.
Ông từng là sinh viên ngành Khoa học tại Đại học Muskingum. Tháng 12/1941, Nhật Bản ném bom Trân Châu Cảng, John Glenn bỏ học, gia nhập quân đội và tham gia chiến đấu trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Người đồng sáng lập của Apple chỉ theo đại học 6 tháng
Steve Jobs bỏ đại học sau 6 tháng vì học phí quá cao. Ảnh: Biography |
Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, nhiều nhà tư tưởng vĩ đại xuất hiện. Vài người trong số họ làm nên những điều đáng kinh ngạc dù họ thậm chí chưa hoàn thành chương trình đại học.
Nhiều người sẽ nghĩ đến Bill Gates và Mark Zuckerberg. Nhưng có lẽ Steve Jobs, người đồng sáng lập Apple, mới có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong giới công nghệ.
Jobs và Steve Wozniak tạo ra chiếc máy tính cá nhân thành công đầu tiên, Apple II. Trong những năm qua, Steve Jobs giới thiệu hàng loạt sản phẩm mang tính đột phá cao như iPod, iPhone, iPad. Ông thành công sau khi chỉ học đại học 6 tháng, theo All about Steve Jobs.
Mẹ ruột của Steve Jobs từng để vợ chồng Paul và Clara Jobs nhận nuôi ông với điều kiện họ phải cho Jobs học đại học. Cuối cùng, họ chỉ hoàn thành một phần lời hứa.
Nhà văn Mark Twain tự học thành tài
Mark Twain bỏ học từ 11 tuổi nhưng vẫn trở thành nhà văn được yêu thích nhất ở Mỹ. Ảnh: Biography |
Mark Twain là nhà văn được yêu thích nhất nước Mỹ. Ông nổi tiếng nhờ hai nhân vật kinh điển Tom Sawyer và Huckleberry Finn. Trên thực tế, nhiều người đánh giá "Cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn" là "cuốn tiểu thuyết vĩ đại". Đây là thành công lớn đối với người chỉ học hết tiểu học và bắt đầu học nghề khi mới 11 tuổi, Biography cho hay.
Năm 18 tuổi, Mark Twain làm thợ in ở các thành phố New York, Philadelphia và St. Louis. Buổi tối, ông thường đến các thư viện công cộng. Đây gần như là hình thức giáo dục duy nhất mà nhà văn nhận được.
Ông đọc những kiến thức cần thiết trước khi trở thành thủy thủ. Twain làm công việc lái tàu hơi nước đến khi nội chiến nổ ra. Sau một thời gian ngắn phục vụ trong quân đội miền Nam, ông bắt đầu du lịch khắp nước, dành toàn bộ thời gian để sáng tác.
Thành công của Mark Twain chứng minh rằng, giáo dục không tạo ra trí thông minh.
Còn tiếp.