Người bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm bạch hầu nếu sức đề kháng yếu. Ảnh: ear_nose_throat_consultants. |
Theo ThS.BS Trần Đăng Khoa, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM, bệnh bạch hầu biểu hiện ở hô hấp và da nên đường lây nhiễm chính là hô hấp và tiếp xúc. Hai đường lây này cũng tương tự đường lây các bệnh hô hấp khác như sởi.
Người khỏi bệnh bạch hầu thường sẽ có miễn dịch lâu dài, có thể được bảo vệ suốt đời nếu không bị suy giảm miễn dịch do dùng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh ác tính, HIV…. Tỷ lệ tái nhiễm bệnh bạch hầu không cao, chỉ khoảng 2-5%. Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh lâm sàng, bệnh nhân có thể mang khuẩn một thời gian từ vài ngày đến 2 tuần hoặc từ 2 tuần đến 1 tháng.
Nếu tiếp xúc với bệnh nhân, một số trường hợp trở thành người lành mang trùng. Ở những người này, vi khuẩn bạch hầu không độc với số lượng ít hơn 10.000 lần người mắc bệnh. Vì vậy, để tránh tình trạng gieo rắc vi khuẩn ra tập thể lành, bệnh nhân phải được cách ly và chỉ xuất viện khi cấy dịch hầu họng 3 lần âm tính cách nhau 5-7 ngày.
Sức cảm thụ của người với vi khuẩn bạch hầu không cao, khoảng 15-20%, nhưng miễn dịch không bền và không đi đôi với mức độ nặng, nhẹ của bệnh, kèm theo miễn dịch chỉ có tính kháng độc mà không diệt khuẩn. Nếu vi khuẩn bạch hầu xâm nhập nhiều và độc lực cao, người miễn dịch yếu vẫn có thể mắc bệnh.
Do đó, việc tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu cũng là cần thiết (thường sau 10 năm) để tăng cường miễn dịch bảo vệ cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh lây qua đường hô hấp thường xuyên.
Tình trạng bệnh bạch hầu đang có chiều hướng gia tăng ở Việt Nam do tỷ lệ tiêm vaccine bạch hầu ở một số vùng chưa đạt mức cao. Bệnh bạch hầu có thể phòng ngừa bằng các biện pháp bảo vệ các bệnh lây qua đường hô hấp như:
- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; che miệng khi hắt hơi hoặc ho; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.
- Đảm bảo không gian nhà ở, trường học, các nơi công cộng sạch sẽ, thông thoáng
- Với những người xuất hiện các triệu chứng bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Người dân sống trong vùng có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc khám chữa bệnh cũng như các chỉ định phòng bệnh của cơ sở y tế.
Ngoài ra, dự phòng bệnh bạch hầu tốt nhất là biện pháp chủng ngừa. Vaccine phòng bạch hầu được tích hợp trong nhiều loại vaccine kết hợp có thể chích cho trẻ em từ 6 tuần tuổi đến người lớn, một số loại thường gặp:
- Vaccine 6 trong 1 (Hexaxim hoặc Infanrix Hexa): Bạch hầu, ho gà, uốn ván, Viêm gan B, bại liệt và bệnh do Hib.
- Vaccine 5 trong 1 (Pentaxim): bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và bệnh do Hib.
- Vaccine ComBE Five: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do Hib và viêm gan B.
- Vaccine 4 trong 1 (Tetraxim): bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt.
- Vaccine 3 trong 1 (Boostrix): bạch hầu, ho gà, uốn ván.
- Vaccine 2 trong 1: bạch hầu và uốn ván.
Vaccine bạch hầu được chế tạo từ độc tố bị bất hoạt bởi formalin nên có độ an toàn cao, có thể sử dụng cho trẻ em đến người lớn.
Để con được ốm
Cuốn sách Để con được ốm giúp các bậc phụ huynh trang bị kiến thức trong việc chăm sóc trẻ một cách khoa học. Trong sách, tác giả chỉ ra những lầm tưởng của cha mẹ khi chăm sóc con. Đó có thể là những vấn đề phổ biến, trở thành thói quen thường nhật, song thực ra là lầm tưởng tai hại với các hiện tượng sức khỏe của trẻ như: Táo bón, tắm nắng, dùng kháng sinh, chảy mũi xanh…
Những vấn đề bệnh tật cụ thể trẻ thường gặp như ho, sốt, cảm lạnh… được nêu trong sách. Với mỗi bệnh thường gặp đó, sách phân tích nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị khoa học.