Tối qua (11/1) tại nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), chương trình nghệ thuật Duyên dáng Việt Nam đã trở lại với số 26 mang chủ đề Thương quá Việt Nam. Không chỉ tập trung vào phần biểu diễn âm nhạc, chương trình còn là sự hòa quyện giữa nghệ thuật múa, khiêu vũ, trình diễn ánh sáng, âm thanh, dàn dựng sân khấu, xiếc… Tất cả đã tạo nên một màn trình diễn đong đầy cảm xúc và màu sắc.
Duyên dáng Việt Nam 26 được chia thành 4 mảng chính, được dàn dựng xuyên suốt thông qua góc nhìn của biên đạo múa người Pháp gốc Việt Linh Rateau, nghệ sĩ nghệ thuật đương đại Tuấn Andrew Nguyễn, Tuấn Lê - đạo diễn của chương trình nghệ thuật Làng tôi và À ố show và biên đạo múa Tấn Lộc. Ba trong số họ đều những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, nay quyết định trở về Việt Nam sẽ lần lượt kể lại những câu chuyện, những cảm nhận, cách nhìn khác nhau về quê hương.
Cũng vì lý do này mà chương trình đã có sự pha trộn giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, điển hình như màn nhảy hip hop, đọc beatbox trên nền nhạc của đàn tranh, ca khúc Dòng máu Lạc Hồng được phối lại với âm thanh điện tử, Thương nhau lý ngựa ô theo điệu jazz… Những mảng miếng này đã mang đến một cách cảm thụ khác khá thú vị cho người xem, đặc biệt là các người trẻ. Dù vậy, khán giả vẫn thật sự chưa cảm thấy đã tai, đã mắt khi những tiết mục có sự hòa quyện”kim- cổ” này chiếm tỉ lệ khá ít trong tổng số gần 20 màn trình diễn. Các tiết mục còn lại chủ yếu tập trung vào nghệ thuật biểu diễn múa, khiêu vũ.
Ở phần đầu, Linh Rateau khi viết lại câu chuyện của bản thân - một cô gái mang dòng máu Pháp - Việt đã tìm thấy tình yêu thông qua nghệ thuật nhảy múa đường phố. Ngày trở về Việt Nam cũng là lúc Linh thực hiện được ước mơ được vùng vẫy trên chính quê hương. Ca khúc Bonjour Việt Nam do Thái Trinh trình bày được Linh chọn để mở màn cũng thay cho lời chào của mình.
Nghệ thuật nhảy hip hop được thể hiện đậm nét qua chương dàn dựng bởi Linh Rateau. |
Đến phần của biên đạo múa Tấn Lộc, anh lại vẽ ra một bức tranh ngày mùa sinh động với những điệu hò, câu ca vọng cổ, hình ảnh người nông dân cần cù lao động trên cánh đồng lúa rồi chuyển sang cảm giác hồ hởi khi trúng mùa. Đây cũng là chương đậm chất quê hương nhất bởi Tấn Lộc là người duy nhất sinh ra và lớn lên ở Việt Nam.
Hình ảnh quê hương miền Nam tái dựng trong phần của Tấn Lộc. |
Nghệ sĩ Tuấn Andrew Nguyễn lại mang đến một góc nhìn có sự hòa quyện mạnh mẽ, mãnh liệt nhất giữa nghệ thuật đương đại và các yếu tố dân tộc. Với chương này, có lẽ khán giả lần đầu tiên được chứng kiến màn hát ca khúc Cát bụi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kết hợp cùng beatbox, nhảy hip hop trên điệu nhạc tranh hay Thu Minh biến tấu ca khúc Dòng máu Lạc Hồng với nền nhạc điện tử hiện đại. Chính Tuấn Andrew cũng đã cống hiến một màn đọc rap rất thú vị.
Thương nhau lý ngựa ô được chơi theo điệu nhạc jazz. |
Kết chương trình, Tuấn Lê đã mạnh dạn mang chương trình biểu diễn diễn xiếc Làng tôi từng được anh mang biểu diễn khắp thế giới về Việt Nam lần đầu tiên. Đây có lẽ cũng là chương để lại nhiều cảm xúc nhất với hình ảnh cây tre quê hương được nhấn mạnh trên sân khấu, cộng thêm hiệu ứng ánh sáng, âm thanh đã cống hiến những khoảnh khắc mà khán giả Việt Nam hiếm khi mới có dịp cảm nhận. Ca khúc Tiếng Việt được giám đốc âm nhạc Đức Trí sáng tác riêng cho Duyên dáng Việt Nam 26 với ca từ ý nghĩa, thông qua qua giọng hát Mỹ Tâm là cái kết trọn vẹn cho đêm trình diễn này.
Buổi diễn xiếc Làng tôi lần đầu xuất hiện trên sân khấu Việt. |
Một chi tiết không thể không nhắc đến chính là dàn dựng sân khấu và ánh sáng rất đẹp với những chi tiết không quá rườm rà, màu mè sặc sỡ mà vừa rất gần gũi lại vô cùng sang trọng. Điểm trừ lớn nhất thuộc về 2 MC Lương Mạnh Hải và Tú Trinh khi các truyền đạt ý tứ của bộ đôi này khá cứng nhắc, thiếu cảm xúc vốn rất cần thiết trong một chương trình như thế này. Lương Mạnh Hải còn mắc lỗi nhỏ khi đọc sai tên Thái Trinh và quên giới thiệu Thu Minh. Nếu chọn được MC dày dặn kinh nghiệm và có duyên hơn thì đêm trình diễn sẽ hay hơn rất nhiều.
Hai MC Lương Mạnh Hải và Tú Trinh là lựa chọn chưa hợp lý. |
Duyên dáng Việt Nam 26 tiếp tục khẳng định hướng đi riêng của mình trong thời kỳ nền giải trí trong nước đang khủng hoảng với sự du nhập ồ ạt của văn hóa nước ngoài cùng sự thờ ơ với các chương trình được đầu tư nghệ thuật tử tế. Dù để mong muốn một chương trình thật sự bùng nổ là rất khó, nhưng đây vẫn là món khai vị vừa vặn, hy vọng sẽ mang đủ sức thôi thúc các đầu bếp tiếp tục đến những món ăn ngon khác trong bữa tiệc nghệ thuật thịnh soạn của năm nay.