"Một người mẹ thấy con trai nhỏ của mình có tật hay trộm đồ người khác, nhưng thay vì nhắc nhở, bà mẹ lại bao che, khuyến khích con.
Đến khi lớn lên, người con trai cướp của, giết người, bị bắt và nhận án tử. Trước ngày thi hành án, anh ta chỉ xin ân huệ được gặp mẹ.
'Con có ngày hôm nay là do lúc nhỏ mẹ thấy con trộm đồ người khác mà không răn dạy. Khi đó con cứ nghĩ việc mình làm là đúng vì có sự đồng tình của mẹ', người con trai nói lời cuối".
Câu chuyện nổi tiếng về việc giáo dục con cái được độc giả Triết Nguyễn bình luận dưới bài viết: “Con trai lấy đồ không trả tiền, bố tát nhân viên” của Zing.vn.
Theo đó, ngày 10/11, tại trạm nghỉ Hải Đăng (xã Tân Phú, Phổ Yên, Thái Nguyên), một người đàn ông chỉ con vào quầy hàng lấy đồ ăn rồi gọi cậu bé mang gói hàng ra bóc, ăn mà không trả tiền.
Khi bị nhân viên nhắc nhở, người đàn ông ném đồ ăn thừa vào nhân viên nữ và xông tới tát nhân viên nam.
Khi được chia sẻ trên mạng, bên cạnh sự bức xúc trước hành vi ngang ngược của người đàn ông trong clip, nhiều dân mạng cũng tự hỏi: “Với cương vị một khách hàng, một công dân thì người đàn ông đó đáng bị lên án, bị phạt, còn với cương vị một người cha, sự việc xảy ra với cậu con trai đó có thể tác động thế nào tới nhân cách của cậu bé khi lớn lên?”
Trẻ em là tấm gương phản chiếu của cha mẹ
“Hồi khoảng 7-8 tuổi, mình hay được bố mẹ đưa qua nhà bác chơi vì có 2 anh chị họ tầm tuổi, hay chơi chung và nhà cũng gần nhau. Có lần mình thấy thích con búp bê mới mua của chị họ quá nên cầm về nhà chơi tiếp mà không xin phép. Khi biết chuyện, trong khi bố không nói gì thì mẹ phản ứng dữ dội lắm, bắt mình cầm ngay sang nhà bác trả lại và xin lỗi dù khi đó đang giữa trưa nắng”, Kiều Ngọc (25 tuổi) nhớ lại.
Sau lần đó, Ngọc không bao giờ dám tự ý cầm đồ hay ăn thứ gì mà chưa được sự cho phép, không chỉ riêng ở nhà người bác nọ. Một sự việc, nhưng cách xử sự khác nhau giữa bố và mẹ khiến cô gái 25 tuổi nhớ mãi và ngày càng thấm thía khi lớn lên.
“Lúc đó bố mình cứ cho rằng con búp bê chỉ là chuyện trẻ con, chẳng đáng nói nhưng mẹ thì khác. Thực sự mình biết ơn mẹ nhiều lắm vì dù hôm đó bị phạt nhưng mình lại học được thế nào là xin phép, là phép lịch sự”, Ngọc nói.
Đến nay, khi cũng đã làm mẹ, cô gái 25 tuổi luôn cố gắng tự làm mẫu cho con gái từ những việc nhỏ nhất. Đối với cô, con trẻ như tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ, cha mẹ hành động sao sẽ tạo nên con cái có tính cách như vậy.
Người đàn ông khiến nhiều dân mạng bức xúc khi lấy đồ ăn không trả tiền và hành hung nhân viên tại một trạm nghỉ ở Thái Nguyên. Ảnh cắt từ clip. |
Một nghiên cứu của Đại học Chicago (Mỹ) được đăng trên Tạp chí tâm lý học trẻ em chỉ ra rằng con cái học theo hành vi của cha mẹ theo quan sát hàng ngày, từ những động tác nhỏ nhất như câu “cảm ơn”, “xin vui lòng”.
Ngoài ra, khi thực hiện những hành vi xấu mà không bị nhắc nhở hoặc được khuyến khích, chúng sẽ coi đó là điều bình thường “mà người lớn vẫn làm” và thực hiện theo.
Theo trang web More4Kids, phản ứng tiêu cực của cha mẹ cũng ảnh hưởng đến tính cách của trẻ. Nếu cha mẹ hay la hét, cãi vã thì con cái cũng sẽ học theo và cho rằng đó là cách giải quyết vấn đề.
“Tấm gương con trẻ” phản chiếu những thứ xấu xí
Trong hơn 100 bình luận dưới bài viết về người đàn ông sai con đi lấy đồ ăn nhưng không trả tiền, có khoảng 75% số bình luận lo ngại rằng ông bố sẽ làm tấm gương xấu cho cậu con trai thông qua hành vi quỵt tiền và đánh nhân viên phục vụ.
“Đây là một trong những lý do con cái mai sau lớn lên sinh hư, trẻ em sẽ bị ảnh hưởng cách xử lý của người thân, đặc biệt cha mẹ. Trước mặt con cái mà hành xử như một người côn đồ, vô văn hoá thì sau này đừng trách sao con mình lại thế này thế kia, hư cả một thế hệ”, Vinh Nguyễn viết.
Nguyen đồng tình: “Một người làm cha và có hành vi như vậy thì con cái của ông ta sẽ ra sao? Thật không ngờ tư cách của bậc cha mẹ lại có thể tệ hại như phường côn đồ như vậy. Đến đứa bé còn biết việc không trả tiền là sai, ngập ngừng không ra khỏi quầy”.
“Trẻ em như tờ giấy trắng. Tờ giấy ấy được vẽ lên những hình ảnh đẹp đẽ hay nhuốm màu xấu xí phụ thuộc rất lớn vào cách dạy của cha mẹ. Đừng để tới khi con phạm lỗi mà thốt ra câu: ‘Con đâu biết đó là sai, con thấy cha mẹ làm vậy thì làm theo’, lúc đó hối hận cũng muộn”, Thùy Linh (23 tuổi) bày tỏ với Zing.vn.
Trẻ em học hỏi nhiều thói quen, cả tốt và xấu, từ cha mẹ và người thân trong gia đình bằng cách quan sát. Ảnh: Preparemykid. |
Để con trẻ có thể phát triển theo hướng tốt nhất, nghiên cứu của Đại học bang Michigan (Mỹ) đưa ra lời khuyên hãy “bao quanh con bạn bằng môi trường tích cực” để trẻ có thể học theo.
Bên cạnh đó, khi thấy con học được hành động tốt, hãy khích lệ để chúng biết đó là việc đúng đắn, nên phát huy. Việc khen ngợi này còn kích thích sự hứng thú, muốn thể hiện mình và được công nhận của trẻ.
Ngoài ra, hạn chế trẻ tiếp xúc với những hình ảnh, hoạt động mang tính tiêu cực, đặc biệt là sinh hoạt trong gia đình.
Khi trẻ vô tình chứng kiến hoặc bị tác động bởi hành vi xấu, hãy thẳng thắn nói về điều đó và giải thích cho con hiểu cái nào nên học, cái nào không. Trẻ em không chỉ học bằng cách “nhìn”, mà còn “nghe”.
Cuối cùng, dù có cho con học nhiều lớp, trường tới đâu, chính cha mẹ vẫn là những giáo viên gần gũi và có ảnh hưởng nhất đến con mình. Chúng đang theo dõi và học hỏi từ bạn mỗi ngày. Thay vì những hình ảnh xấu xí, hãy để con mình thấy lòng tốt, tình yêu thương và nhân hậu với thế giới xung quanh.