“Mặc dù có một nhóm bạn chơi chung đã lâu, tôi chưa bao giờ thấy thật sự gần gũi với họ. Tôi luôn có cảm giác mình là người ngoài cuộc”.
“Tôi không phải người dễ hòa nhập và cũng không thường chia sẻ với người khác. Có lẽ đó là lý do khiến tôi khó giao lưu và kết bạn”.
“Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu tôi có ai đó để tâm sự mỗi lúc buồn chán, nhưng điều này không phải muốn là có được”.
Đó là những chia sẻ của Reece (27 tuổi, sống ở Đài Bắc) khi được hỏi về hiệu quả các mối quan hệ và sự cô đơn của giới trẻ trong thời buổi hiện nay.
Có thể thấy, cuộc sống của những người trưởng thành hay người đang chênh vênh ở ngưỡng cửa trưởng thành, cũng như sự bùng nổ của mạng xã hội, đang dần khiến con người khó khăn khi giao tiếp với nhau ngoài đời thực.
Tình trạng này đang ở mức báo động khắp các nước châu Á khi ngày càng nhiều người trẻ không tìm được bạn bè thân thiết và thường xuyên rơi vào cảm giác lạc lõng, cô đơn.
Với nhiều người, tri kỷ và bạn thân là hai khái niệm rất xa xỉ. Ảnh: Sushant Ahire. |
Xã hội càng hiện đại, con người càng cô đơn?
Theo nghiên cứu mới nhất của YouGov, thế hệ Millennial (sinh từ năm 1981-1996) là những người cô đơn và lạc lõng nhất.
Nghiên cứu cũng đi sâu vào lý do đằng sau thực tế này. Những người được hỏi đã chia sẻ về khó khăn mà họ gặp phải khi kết bạn, từ tính cách nhút nhát đến khó tìm được sở thích và mối quan tâm chung để hình thành một tình bạn thân thiết.
Bonnie (24 tuổi, Trung Quốc) là con một trong gia đình. Cô luôn cảm thấy mình như một nàng công chúa, nhưng cũng vô cùng áp lực vì muốn trở thành niềm tự hào duy nhất của bố mẹ.
Cô quen với việc học tập và chơi đùa một mình từ nhỏ, trong khi các bạn đồng trang lứa khác đều có anh, chị, em để cùng làm những điều đó hoặc định hướng tương lai cho họ.
Bonnie dần trở nên tự ti, rụt rè khi tiếp xúc với người lạ vì cô luôn có cảm giác bản thân không có trải nghiệm gì để chia sẻ.
“Nếu có anh trai hay chị gái giúp tôi gánh vác trọng trách này, có lẽ tôi sẽ cởi mở hơn với mọi người xung quanh”, cô nói.
Hơn hết, thời kỳ bùng nổ của mạng xã hội lại khiến những người trẻ cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết.
Priscilla (27 tuổi, Thái Lan) cảm thấy khó chịu khi bạn bè cô dành “toàn tâm toàn ý” cho mạng xã hội. Họ đăng ảnh, bình luận, nói chuyện với cô trên mạng rất vui vẻ, nhưng khi đối mặt ngoài đời lại kiệm lời, mất tự nhiên.
Vì không thể hòa nhập với thế giới ảo của các bạn, Priscilla dần sống khép kín và không chia sẻ với ai về những việc xung quanh cô.
Trong khi các phương tiện truyền thông đại chúng giúp thế hệ Millennial dễ dàng kết nối với người khác, họ lại không hề hạnh phúc như những bức ảnh selfie, sống ảo đẹp đẽ được đăng tải tràn ngập trên mạng.
Càng chăm chút làm đẹp cho mạng xã hội, con người càng ít thời gian tiếp xúc với người khác hơn. Ảnh: Jun Cen. |
Theo nghiên cứu của Đại học Pennsylvania, mối liên kết giữa việc sử dụng mạng xã hội và mức độ hạnh phúc với cuộc sống cá nhân của mỗi người đi theo hướng tỷ lệ nghịch.
Theo đó, càng “vùi đầu” vào điện thoại thông minh, khả năng gia tăng cảm xúc tiêu cực như cô đơn, trầm cảm càng trầm trọng hơn.
Mặt khác, thế hệ Y, Z đều đang là những người bước vào độ tuổi trưởng thành - giai đoạn dễ nảy sinh cảm giác cô độc, một mình.
Các yếu tố bên ngoài như rời xa gia đình, chuyển đến nơi khác, cơ hội thăng tiến sự nghiệp hay nghĩa vụ phải chu toàn với gia đình đều khiến việc duy trì tình bạn trở nên khó khăn hơn.
Thú nuôi, trò tiêu khiển và những dịch vụ đặc biệt
Tại Nhật Bản, hầu hết quán cà phê đều chứa rất nhiều bàn ghế đơn để phục vụ cho khách hàng đi một mình.
Reiko Michiko (28 tuổi) cho biết cô tìm đến quán cà phê để làm việc đến tối muộn thay vì ở nhà. Cô cảm thấy vơi bớt cảm giác cô đơn vì ít nhất cô biết rằng vẫn có người xung quanh mình, dù họ chỉ là những người xa lạ.
Ông Shunsuke Aoki, nhà sáng lập công ty robot Yukai Engineering, nhanh chóng bắt được xu hướng cô đơn của giới trẻ nước này.
Công ty ông cho ra mắt hàng chục mẫu robot độc đáo, với mục đích chính biến chúng trở thành những tri kỷ thân thiết của con người.
Nhiều người tìm đến thú cưng, các dịch vụ đặc biệt hay những trò tiêu khiển để giảm bớt cảm giác cô đơn. Ảnh: YaoYao. |
Nhiều người còn lập ra nhóm chat chào mừng những thành viên mới của cộng đồng “nuôi” robot và chia sẻ các mẹo để đặt tên, chụp hình cho chúng.
Cùng với đó, theo báo cáo của Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR), vào năm 2016, các công ty Hàn Quốc đứng thứ nhì châu Á sản phẩm bán ra là 41.000 robot, sau Trung Quốc với hơn 65.000 con.
Cũng ở Nhật Bản, nhiều dịch vụ được mở ra để phục vụ những người trẻ cô đơn hoặc chưa sẵn sàng để tìm kiếm một mối quan hệ.
Họ phải trả 4.000 yen nếu muốn ôm một người trong 20 phút hay 4.500 yen để đi dạo hoặc ngồi tâm sự với người lạ trong một giờ.
Còn ở Thái Lan, sự bùng nổ của trò chơi trực tuyến, thể thao điện tử cùng tỷ lệ trầm cảm gia tăng khiến nhiều thanh thiếu niên Thái Lan lao vào các trò cờ bạc đỏ đen.
Theo tổ chức phi chính phủ California Council on Problem Gambling chuyên về chống nạn cờ bạc, một trong số những lý do giới trẻ tìm đến thú vui này là để thoát khỏi cảm giác cô đơn, buồn chán, hoặc vì mục đích làm giàu nhanh chóng, gây ấn tượng với người khác, kết thêm nhiều bạn mới.