Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Em gái mang thai hộ cho anh trai, có loạn luân?

Từ 15/3, những người phụ nữ không thể sinh con sẽ được phép nhờ người mang thai hộ. Các quy định về pháp lý, y tế...đã có, song họ sẽ phải đối mặt với rắc rối về quan niệm xã hội.

Chỉ nên nhờ người thân bên vợ mang thai hộ

Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ (MTH) vì mục đích nhân đạo ghi rõ, người MTH phải là “người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ MTH bao gồm: anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ”. 

Như vậy, người nhờ MTH với người MTH có thể là những người cùng dòng máu về trực hệ, những người có họ trong phạm vi ba đời và những người có quan hệ thân thích khác của bên vợ hay bên chồng.

Nhiều cặp vợ chồng đang mong mỏi tìm người mang thai hộ
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, nếu em gái MTH cho anh trai có bị coi là loạn luân không? Người em gái MTH cho vợ chồng người anh, khi đứa trẻ sinh ra lớn lên biết được cô ruột đã sinh ra mình và gọi là mẹ, như vậy, vô hình chung, hai anh em ruột trở thành cha mẹ của đứa trẻ sẽ nảy sinh những bất cập ảnh hưởng đến luân thường đạo lý. Hiện nay, trình độ dân trí ở một số nơi còn thấp, còn lạc hậu nên họ không hiểu hết ý nghĩa của việc MTH vì mục đích nhân đạo mà chỉ thấy em gái mang thai của anh trai là nghĩ ngay đến... sự loạn luân?

Một ý kiến nữa cho rằng, Luật Hôn nhân và Gia đình (HNVGĐ) cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Như vậy, trong thời gian em gái MTH cho anh, thai nhi phát triển nhờ dinh dưỡng từ người mang thai, vậy giữa em gái, anh trai và đứa trẻ có phải là dòng về máu trực hệ hay không?

Có ý kiến cho hay, Luật HNVGĐ quy định như thế là không khả thi vì anh em trai không thể nhờ chị em gái ruột hoặc chị em gái con bác, chú, cô, dì ruột MTH. Do đó, đề nghị sửa đổi thành “là người thân thích cùng hàng của bên vợ nhờ MTH” (bỏ cụm từ “hoặc bên chồng”). Vì người được nhờ MTH là người thân thích cùng hàng bên vợ của cặp vợ chồng nhờ MTH thì đứa trẻ sinh ra không bị ảnh hưởng gì đến tâm sinh lý, phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Bệnh viện có đủ năng lực thẩm định hồ sơ pháp lý MTH?

Luật quy định, bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật MTH phải tổ chức tư vấn y tế, pháp lý, tâm lý cho vợ chồng nhờ MTH hộ và người MTH. BV phải có trách nhiệm xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật MTH… chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ và chuyên môn kỹ thuật do cơ sở mình thực hiện. Đây là quy định bất khả thi, bởi đối với các bệnh viện, bác sĩ chỉ có thể tư vấn các vấn đề liên quan đến y tế, còn các vấn đề pháp lý là trách nhiệm của cơ quan công an. Bệnh viện chỉ có thể xem xét hồ sơ đề nghị được MTH và thực hiện khi hồ sơ đó có đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định. Bệnh viện không thể thẩm định được các loại giấy tờ đó có hợp pháp hay không.

Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ.

Nhiều ý kiến cho rằng, để tránh các vấn đề phức tạp, rắc rối của việc MTH mang thai hộ, các bệnh viện không nên tham gia nhiều vào việc xét duyệt tính pháp lý, sắp xếp hay thương lượng giữa hai bên liên quan. Ở nhiều nước, việc xét duyệt, hướng dẫn hợp đồng, tư vấn các cặp vợ chồng thường được thực hiện bởi các tổ chức độc lập với cơ sở y tế thực hiện kỹ thuật. Các bệnh viện chỉ đơn thuần là nơi thực hiện kỹ thuật chuyên môn y tế sau khi các bên liên quan đã hoàn tất các thủ tục. Thông thường, các kiện cáo về các vấn đề liên quan xảy ra sau này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ sở y tế thực hiện kỹ thuật.

Một lo ngại nữa là theo quy định, bên nhờ MTH là người trực tiếp chi trả các khoản phí thực hiện dịch vụ nên trong trường hợp xảy ra tranh chấp, họ sẽ được cơ sở y tế bảo vệ, bên MTH sẽ là người bị thiệt song chưa có những quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho người MTH. Một quy định hoàn toàn mới ra đời và đang được người dân đặc biệt quan tâm, do vậy những băn khoăn, vướng mắc sẽ còn rất nhiều.

Những rắc rối có thể xảy ra khi em bé chào đời

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến - chuyên gia đầu ngành về sản khoa - khuyến cáo: Các cặp vợ chồng phải ý thức được những rắc rối liên quan đến việc nhờ MTH có thể xảy ra sau này khi em bé chào đời.

Theo Thứ trưởng Tiến, em bé sinh ra nhờ MTH hoàn toàn mang dòng máu của bố mẹ, chứ không phải của người MTH. Nhưng trước khi thực hiện kỹ thuật MTH cần thực hiện đầy đủ các vấn đề liên quan tới luật pháp, thực hiện các cam kết để đảm bảo em bé và cặp vợ chồng nhờ MTH được pháp luật bảo vệ, không gặp phải tình trạng người MTH cố tình làm khó, đòi con sau này. 

Sẽ có thể xảy ra các tình huống: người MTH không muốn giao đứa trẻ; đứa bé có thể bị dị tật và cả hai bên liên quan đều không muốn nhận đứa trẻ và đổ lỗi cho bên còn lại hoặc cho nhân viên, cơ sở y tế; thất bại và tốn kém với nhiều đợt điều trị MTH gây tâm lý căng thẳng, mệt mỏi cho các bên; cặp vợ chồng nhờ MTH có thể ly dị hoặc ly thân trong khi điều trị, một trong hai người cũng có thể mất vì bệnh hay tai nạn; cặp vợ chồng nhờ MTH không nhận đứa trẻ do đã ly dị, tai nạn, do trẻ bị dị tật, bệnh lý...

Thứ trưởng Tiến cho biết thêm, các kỹ thuật MTH hiện nay được thực hiện tốt, chỉ cần cặp vợ chồng nộp hồ sơ đầy đủ theo quy định, sau đó bộ phận thẩm định riêng của các BV sẽ thẩm định những hồ sơ đó nếu đủ điều kiện sẽ được thực hiện ngay kỹ thuật MTH.

http://laodong.com.vn/tham-thi/em-gai-mang-thai-ho-cho-anh-trai-co-loan-luan-306447.bld

Theo Đức Anh/Báo Lao Động

Bạn có thể quan tâm