Anh Nguyễn Thế Hùng (sinh năm 1974, ngụ quận Long Biên) nhận kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 khi đang nằm điều trị tại Bệnh viện Phổi Hà Nội.
Đó là sáng 26/7, ngày sinh nhật của anh. Tin nhiễm Covid-19 ập đến như một "món quà" không mong đợi, càng đáng ngại hơn khi trước đó, anh đã bị cắt hoàn toàn lá phổi bên trái. Dẫu vậy, nam F0 lại rất bình tĩnh.
"Chính tôi cũng thấy ngạc nhiên với cảm giác lúc đó của mình. Thực tế, tôi đã nghi mình nhiễm bệnh từ buổi đêm hôm trước khi bác sĩ đưa cho tôi bộ đồ bảo hộ y tế, dặn tôi mặc để chuyển phòng.
Tôi rời đi, còn chào mọi người trong phòng và chúc họ không bị mắc bệnh như tôi. Trong đầu tôi chỉ có suy nghĩ rằng giờ lo lắng cũng không thay đổi được thực tế. Tôi phải sống để còn thực hiện lời hứa với con là mua cho nó mấy tập còn thiếu của bộ truyện Doraemon. Tôi tin là mình sẽ làm được vì đã từng vượt qua cửa tử vài ba lần rồi", anh Hùng chia sẻ với Zing.
Anh Hùng mắc bệnh phổi, đã cắt hoàn toàn lá phổi trái. |
Một lá phổi và 28 ngày khỏi Covid-19
Khoảng 15h cùng ngày, anh Hùng và 5 F0 khác tại Bệnh viện Phổi Hà Nội lên xe cứu thương, được đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh) để điều trị Covid-19.
Các bệnh nhân được bác sĩ bố trí chung một phòng bệnh, phát các đồ dùng và thiết bị y tế cần thiết, sau đó hỏi cặn kẽ về tiền sử bệnh nền. Nhìn cơ sở vật chất tại bệnh viện tương đối ổn, đây lại là nơi từng điều trị thành công cho nhiều ca Covid-19 nặng, anh Hùng thấy yên tâm nhiều hơn.
Ngày đầu tiên ở viện khá nhẹ nhàng đối với anh Hùng. Anh chỉ ngứa cổ họng nhẹ, một triệu chứng đã xuất hiện từ ít ngày trước đó. Vào ban đêm, anh cũng có thể ngủ sâu.
Thế nhưng tình trạng sức khỏe của anh nhanh chóng trở nặng từ 27/7 - ngày thứ 2 anh nằm viện.
"Đến gần sáng, tôi thấy chân mình lạnh còn người thì nóng. Tôi sốt 38 độ. Ngày thứ 3, tôi sốt mê man, nằm bệt ở giường. Ngày thứ 4, chân tay, đầu óc tôi rất đau nhức, tôi cũng bắt đầu mất vị giác và khứu giác.
Tôi không ăn cháo mà vẫn ăn cơm theo chế độ của bệnh viện. Tôi không thích cháo và cũng nghĩ rằng cháo không đủ năng lượng, không thể giúp tôi có sức chiến đấu với bệnh tật", anh Hùng kể lại.
Bên trong phòng điều trị của anh Hùng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW. |
Sau chuỗi ngày bị virus "hành" gây mệt nhọc, đến ngày thứ 9, anh Hùng đã cắt sốt, cảm thấy các triệu chứng dần giảm nhẹ.
Ngày thứ 22 nằm viện, anh vui mừng nhận kết quả âm tính lần một. Những ngày sau, khi tình trạng sức khỏe dần ổn định trông thấy, anh tiếp tục nhận kết quả âm tính lần 2 và lần 3, không có dấu hiệu tổn thương phổi do virus.
Chiều 22/8, ngày thứ 28 ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, anh Hùng đủ điều kiện xuất viện. Lại là những lời chào với bệnh nhân cùng phòng, thế nhưng lần này anh Hùng không phải chuyển đến một nơi điều trị khác nữa mà được về nhà với gia đình.
"Chuyến xe đưa tôi về nhà có 7 bệnh nhân, nhà mỗi người nằm rải rác khắp Hà Nội. Nhìn danh sách địa chỉ của từng người, tôi biết mình sẽ xuống xe cuối cùng. Thế nhưng tôi vẫn thấy rất vui vì không phải ở lại bệnh viện thêm một ngày nào nữa. Vậy là cuối cùng tôi cũng được gặp lại gia đình rồi", anh Hùng phấn khởi.
'Tôi thấy mình may mắn'
Hiện tại, anh Hùng đã hoàn thành 14 ngày tự cách ly tại nhà theo quy định. "Hậu Covid-19", anh gặp một số triệu chứng như ớn lạnh, mệt mỏi, thỉnh thoảng ù tai, ngứa cổ và ho. Tuy nhiên đối với anh, tình trạng này không thể khó khăn như chuỗi ngày điều trị tại bệnh viện.
"Tôi đã chứng kiến được sự nguy hiểm của căn bệnh này, thế nhưng không thấy sợ hãi. Ngược lại, tôi thấy mình may mắn nhiều hơn. Tôi thật sự biết ơn sự chăm lo tận tình của lực lượng y bác sĩ, người thân và bạn bè", anh nói.
Anh Hùng luôn nghĩ đến gia đình, người thân làm động lực vượt qua bệnh tật. |
Cũng theo anh, trên hành trình vượt qua Covid-19, sự lạc quan chính là một liều thuốc rất quan trọng. Có tinh thần tốt, bệnh nhân mới có thể có sức mạnh và ý chí để ăn uống bồi dưỡng, tập luyện và thực hiện đúng phác đồ điều trị.
"Tôi mong những ai chẳng may mắc Covid-19, đặc biệt là người có bệnh nền như tôi, không nên hoảng sợ mà phải chấp nhận sự thật rằng mình bị bệnh và phải lạc quan để chữa bệnh. Bệnh tuy nguy hiểm nhưng ta hoàn toàn có thể chiến thắng được để bình phục trở về với người thân.
Mọi người hãy nghĩ là bên ngoài bệnh viện là rất nhiều người lo lắng cho mình, mong mình sớm khỏi bệnh. Vì vậy, mình càng phải cố gắng chữa trị để sớm gặp lại gia đình", anh Hùng chia sẻ.
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.955 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trưa 23/9, thành phố ghi nhận thêm 5 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 2 trường hợp ở khu cách ly, 3 người còn lại sống tại vùng phong tỏa.