“Lúc hay tin dương tính với Covid-19, mình khá sốc, khóc một trận quá trời”, Nguyễn Thị Thanh Hằng (sinh năm 1997, TP.HCM) kể lại với Zing.
Ngày 17/7, Hằng xét nghiệm test nhanh với Covid-19. Khi đó, cô đang tham gia công tác chống dịch tại địa bàn phường 2, quận 10.
Thanh Hằng trở thành F0 tại TP.HCM hồi cuối tháng 7. |
Đến ngày 3/8, cô gái 24 tuổi bình phục, nhận xét nghiệm âm tính. Hoàn thành xong thời gian tự cách ly tại nhà, Hằng lần nữa xung phong, tiếp tục đi tham gia hỗ trợ ở địa bàn.
“Có lẽ do lại được làm điều bản thân mong muốn là phụ giúp mọi người nên mình cảm thấy khỏe lên rất nhiều”, cô nói.
Bất ngờ khi nhiễm Covid-19
Tham gia tình nguyện từ nhiều năm nay, Hằng thường xuyên góp mặt trong các hoạt động hỗ trợ mùa dịch ở khu vực sinh sống.
Trong những lần dịch bùng phát ở TP.HCM, cô cùng các thành viên khác ở phường đi phát khẩu trang, phân phát cơm, đồ tiếp tế cho ai có hoàn cảnh khó khăn hay người đang trong khu vực phong tỏa. Những lúc khác, cô phụ giúp đội ngũ y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
Nói về trải nghiệm trở thành F0, Hằng gọi đó là kỷ niệm không thể quên.
Cô gái 24 tuổi hiện là bí thư khu phố 5, phường 2, quận 10 (TP.HCM). |
Trước ngày xét nghiệm dương tính, cô gặp một vài triệu chứng như nhức đầu, mỏi người, đau họng.
“Ban đầu, mình nghĩ chỉ bị cảm cúm thông thường hay mệt mỏi vì di chuyển nhiều. Mình cũng đã tiêm một mũi vaccine vào cuối tháng 6. Nhưng càng về sau, mình nghĩ đến khả năng nhiễm Covid-19 nhiều hơn. Hôm kiểm tra đó, linh tính mách bảo cơ thể đã bị virus SARS-CoV-2 tấn công”.
Lần này, dự cảm của Hằng đã đúng. Dù đã lường trước, cô vẫn không tránh khỏi cảm giác lo lắng.
"Khi đó, mình khóc nhiều lắm. Nhờ mọi người động viên, mình dần bình tĩnh lại, gọi điện báo về gia đình. May mắn, mình không lây nhiễm cho người thân. Trước đó, mình đã dọn đồ đạc lên trụ sở phường ở, vừa tiện đi làm nhiệm vụ mà cũng đảm bảo an toàn cho cả nhà".
Hằng được sắp xếp cách ly, chữa trị ngay tại chỗ. Cô cùng một vài người F0 khác chuyển lên tầng cao hơn, ở tách biệt.
Mắc Covid-19, Hằng bị tức ngực, khó thở, mất vị và khứu giác. |
"Vài ngày sau khi phát hiện bệnh, mình có biểu hiện khó thở, mất khứu giác, vị giác. Cảm giác lúc đó rất mệt, như có thứ gì đè nặng lên ngực".
Nhớ tới lời khuyên của bác sĩ, cô gắng tập thở đều, vận động nhẹ. "Sau 2-3 ngày, mình dễ thở trở lại, còn vị giác và khứu giác mất thời gian lâu hơn mới về như cũ", Hằng cho hay.
Cô gái tự thấy mình may mắn khi những triệu chứng gặp phải vẫn ở mức nhẹ. Bản thân vẫn tự đi lại, sinh hoạt như bình thường.
Vốn là người ưa vận động, hay đi gym, Hằng duy trì việc tập thể dục, tránh nằm ì một chỗ trên giường trong lúc chữa trị.
Mỗi buổi sáng, cô uống thêm C để tăng sức đề kháng, sau đó dành khoảng 10-15 phút lên sân thượng phơi nắng.
"Mình dành 30 phút mỗi ngày tập thể dục, nhảy dây, chạy bước nhỏ. Nếu không luyện tập, mình xoay sang dọn dẹp phòng, làm cái này cái kia để tay chân được vận động", cô nói.
“Có lẽ vì bệnh tình phục hồi nhanh nên tâm lý mình không bị ảnh hưởng nhiều. Suốt thời gian nhiễm bệnh, mình vẫn giữ được sự vui vẻ và tích cực”, Hằng nói thêm.
Hết cách ly tại nhà 1 tuần, cô nhanh chóng xin đi hỗ trợ chống dịch trở lại ở khu vực mình sinh sống. |
Chỉ một câu "Cám ơn" là hết mệt mỏi
"Trong lúc điều trị, cách ly một chỗ, đứng ngó xuống sân thấy các anh, chị, em khác trong nhóm vẫn bận rộn hỗ trợ chống dịch, mình cũng muốn làm cùng lắm mà không được", Hằng chia sẻ.
Bị Covid-19 làm gián đoạn cuộc sống gần 1 tháng, Hằng cho biết cô cũng khá "cuồng tay", "cuồng chân".
"Ngoài kia vẫn còn rất nhiều người cần giúp đỡ, công việc của cả nhóm cũng vất vả nên chỉ chờ hết thời gian tự cách ly là mình lại xin các anh chị đi phụ giúp ngay".
"Mình đã quen với việc đi hỗ trợ tình nguyện rồi, bắt ở nhà chắc mình không chịu nổi". |
"Hạnh phúc", "vất vả nhưng vui lắm" là những gì cô gái miêu tả lại cảm giác lần nữa tất bật cả ngày đi phân phát lương thực, trao các suất cơm miễn phí hay vận chuyển bình oxy.
Vừa hồi phục, Hằng chú ý phòng bị cẩn thận hơn khi ra ngoài. Khẩu trang, găng tay là những vật dụng không thể thiếu.
Ngoài ra, cô tránh tiếp xúc gần với người khác, phun khử khuẩn thật kỹ mỗi lần vận chuyển đồ.
"Mình không sợ sệt dịch bệnh hay dè chừng ai cả vì cả nhóm đã làm việc cùng nhau lâu, quen và hiểu rõ sức khỏe, tính cách mình thế nào. Thấy mình quay trở lại san sẻ nhiệm vụ, các thành viên khác đều chào đón, hỏi thăm mình khỏe hẳn chưa".
Hiện tại, công việc văn phòng của Hằng đang tạm dừng vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Mỗi ngày, cô gái lại tranh thủ ra gặp mặt cả nhóm, xem có nhiệm vụ nào cần thực hiện là xắn tay vào làm.
"Mình sẽ tiếp tục đi hỗ trợ đến khi thành phố hết dịch. Với mình, chỉ cần nhận được câu 'Cám ơn' từ những người được giúp đỡ là đã thấy ấm lòng. Mình cũng muốn gửi lời tương tự tới bạn bè, đồng đội ở phường đã sát cánh. Và nhất là tới gia đình, tới mẹ và anh hai, những người rất lo lắng nhưng luôn ủng hộ, động viên mình mỗi ngày".