"Tôi bị sốc và tức giận. Tôi không thể tin được việc mình ngồi trong ôtô của gia đình cũng bị cho là làm tăng khả năng lây lan Covid-19", Matthew Steeves (tỉnh Ontario, Canada) nói với CBC về chuyện mình phải đóng phạt 880 USD.
Hồi tháng 2, Matthew cùng vợ và các con tấp xe vào một bãi đỗ trống gần nhà thờ tại thị trấn Kingsville để tranh thủ chơi trò Pokemon Go. Cảnh sát tuần tra phát hiện ra và tiến hành xử phạt.
"Cả gia đình đã chán ngắt việc ở trong 4 bức tường và tận dụng cơ hội ra ngoài một lúc. Tất cả vẫn tuân thủ biện pháp phòng dịch, không tiếp xúc với ai", Matthew cố gắng giải thích.
Ra ngoài săn thú Pokemon Go từng là lý do viện dẫn cho việc ra ngoài trong lúc phong tỏa. Ảnh: BI. |
Thời điểm đó, tỉnh Ontario đang áp dụng quy định người dân chỉ được ra ngoài trong trường hợp cần thiết. Lý do chơi game của người đàn ông tất nhiên không được chấp nhận.
Khi các biến thể phức tạp hơn xuất hiện, các biện pháp chống dịch ở nhiều nước buộc phải nâng lên một cấp độ mới, siết chặt hơn trước.
Tuy vậy, nhiều người vẫn giữ suy nghĩ đi ra ngoài một mình, không tiệc tùng hay tụ tập đông người, sẽ không thể bị mắc Covid-19 và làm lây lan.
Điều dễ hiểu là ở nhà quá lâu trong thời kỳ giãn cách tất yếu dẫn đến cảm giác bí bách, buồn bực. Song, người dân cũng cần hiểu việc một cá nhân ra đường tự do vào lúc "nước sôi lửa bỏng" cũng chứa rủi ro lớn.
Thách thức lệnh cấm
Tháng 3 năm ngoái tại thị trấn San Ferro (Italy), câu chuyện tương tự diễn ra. Người đàn ông 31 tuổi dẫn theo con gái ra ngoài săn Pokemon. Điều đáng nói, đây là một trong nơi bùng phát dịch sớm nhất châu Âu.
Đi chơi. Đi tập thể dục. Ra ngoài hóng mát. Đưa chó đi dạo.
Rất nhiều lý do được người vi phạm đưa ra trong lúc áp dụng quy định cấm ra ngoài nếu không có mục đích chính đáng. Trong gần 2 năm Covid-19 xuất hiện, vô số trường hợp như vậy xảy ra.
Tháng 8 năm ngoái, Jose Antonio Freire Interian (24 tuổi) và Yohana Anahi Gonzalez (26 tuổi), ở bang Florida (Mỹ) vẫn dắt chó đi dạo, mua sắm và rửa xe dù dương tính với Covid-19. Hai người sau đó bị bắt giữ ngay lập tức.
Trước đó, vào tháng 4 ở Singapore, giữa lúc số ca nhiễm mới tăng chóng mặt, video một cặp trai gái thân mật ngoài nơi công cộng được truyền tay nhau trên mạng.
Trong khu vực đã giăng dây, cô gái nằm gối lên đùi bạn trai trên băng ghế công cộng. Cả hai vô tư ôm ấp, hôn nhau và không mang theo khẩu trang.
Với đặc tính dễ lây lan ngoài không khí của virus, người dân được khuyến cáo ở nhà trong lúc số ca nhiễm tăng nhanh. Ảnh: Reuters. |
Không lâu sau, cũng tại đảo quốc sư tử, 6 thanh niên khác bị bắt giữ vì tụ tập đông người và quay clip đăng lên mạng, theo Straits Times.
“Mặc kệ lệnh cách ly, chúng tôi không thèm quan tâm. Càng cấm ra đường, chúng tôi càng ra nhiều hơn. Chúng tôi ở ngoài hàng giây, hàng phút, hàng giờ mỗi ngày cho đến khi virus lây lan toàn bộ cả nước”, nhân vật trong clip hét lớn.
Vài ngày sau, một người phụ nữ lớn tuổi ở nước này đập bàn và nói "Tôi không sợ bị phạt" khi bị bắt gặp đang ngồi ăn tại nơi công cộng.
Khi 2 nhân viên công vụ đến và giải thích, người này từ chối thi hành. "Tôi không quan tâm, tôi không sợ. Nếu tôi mà nhiễm virus thì bây giờ đã chết rồi".
Tệ hơn, Mohamed Hasan Yusuf Shaikh (24 tuổi) và Asif Rashid Shaikh (19 tuổi), đến từ Ấn Độ, không chỉ vi phạm lệnh cấm ra đường mà còn buông những lời nhạo báng, chê bai lực lượng cảnh sát.
Đóng tiền phạt, nặng hơn thì bỏ tù là biện pháp răn đe những người cố tình ra ngoài. Ảnh: AP. |
Mới nhất, chính quyền bang New South Wales (Australia) đau đầu với tình trạng người dân ồ ạt ra đường bất chấp lệnh phong tỏa.
Theo chỉ thị mới áp dụng từ 25/6, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà để mua các vật dụng thiết yếu, khám chữa bệnh, tập thể dục ngoài trời theo nhóm từ 10 người trở xuống và đi làm nếu có quy định của cơ quan.
Tuy nhiên, đến sáng 26/6, nhiều người vẫn đến các bãi biển để tập thể dục, tắm nắng.
"Không còn lời nào cho sự ích kỷ của một số người trong bức ảnh này", Sam Maher, một người dùng Twitter, nói với NZ Herald.
Lách luật
Đầu năm 2020, trong thời gian Tây Ban Nha thực hiện phong tỏa toàn quốc, cảnh sát chứng kiến nhiều trường hợp cố tình lách luật theo cách không tưởng.
Vì vẫn được phép ra khỏi nhà nếu đưa vật nuôi đi dạo, nhiều người xuất hiện tại nơi công cộng và mang theo bể cá, gà mái, thậm chí cả thú bông đồ chơi.
Cách thức này tất nhiên vẫn bị coi là cố tình làm trái quy định và người vi phạm phải đóng phạt.
Tuy nhiên, tình trạng này khiến lực lượng chức năng thêm mệt mỏi, đến nỗi cảnh sát phải lên tiếng trên mạng xã hội, đề nghị người dân dừng sáng tạo ra những cách qua mặt bởi chắc chắn không đem lại kết quả.
Để được ra ngoài, người dân từng dẫn những con vật vốn không cần đi dạo, thậm chí dắt theo thú nhồi bông. Ảnh: The Local. |
Cảnh sát thành phố Sherbrooke, tỉnh Quebec của Canada, cũng từng chứng kiến tình huống lách luật tương tự. Hồi tháng 1, sau 1 tiếng áp dụng giờ giới nghiêm, đội tuần tra bắt gặp cảnh một người vợ dùng dây buộc cổ chồng, dắt đi.
Cô gái 24 tuổi khẳng định mình "đang dắt chó đi dạo" và chỉ về phía bạn đời khi cảnh sát tra hỏi.
Theo quy định tại địa phương, người dân không ra khỏi nhà sau 20h, ngoại trừ trường hợp tới bệnh viện hoặc đưa vật nuôi đi dạo trong bán kính 1 km quanh nhà. Sau cùng, cặp vợ chồng vẫn phải đóng 1.200 USD tiền phạt.
Ngồi tù, bị xử phạt vì ý thức kém
Trước tình trạng bất chấp ra ngoài dù đã ý thức mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, nhiều quốc gia buộc phải đưa ra các biện pháp răn đe.
Những người cố tình phớt lờ đối mặt với xử phạt hành chính, hoặc nặng hơn là nhận án hình sự vì thái độ ngoan cố.
Tháng 4 năm ngoái, Alan Tham Xiang Sheng (34 tuổi, chủ doanh nghiệp bán hàng trực tuyến) trở thành người đầu tiên bị bỏ tù ở Singapore do vi phạm lệnh cách ly tại nhà.
Alan Tham Xiang Sheng (trái) và Tay Chun Hsien (phải) là những trường hợp đầu tiên chịu án hình sự tại Singapore vì làm trái lệnh phong tỏa. Ảnh: Asia One. |
Cuối tháng 3, Tham di chuyển từ Myanmar tới Singapore và nhận được lệnh cách ly 14 ngày. Tuy nhiên, Tham lại tự ý đi khắp nơi cho tới khi bị bắt.
Thẩm phán nhận định hành động của Tham là “vô trách nhiệm với xã hội” và kết án 6 tuần tù.
Ngoài ra, không ít trường hợp phá bỏ quy định không ra khỏi nhà vào phút cuối cũng phải trả giá, dù trước đó họ tuân thủ nghiêm chỉnh.
Thậm chí, kể cả những người bước chân ra khỏi phòng cũng bị coi là đã phạm tội.
Tháng 4 năm ngoái, Tay Chun Hsien (Singapore) hầu tòa tại tòa án quận với cáo buộc vi phạm giãn cách xã hội. 30 phút trước khi lệnh cách ly tại nhà kết thúc, người này ra khỏi nhà và bị phát hiện.
Tháng 12/2020, chính quyền Đài Loan phạt một người đàn ông Philippines 3.500 USD vì ra ngoài hành lang khách sạn trong 8 giây. Người đàn ông này là công nhân nhập cư đang tự cách ly trong một khách sạn ở thành phố Cao Hùng.