Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

F0 sống một mình tự chữa bệnh, thức tới 3h làm việc

Khi phát hiện mình mắc Covid-19, Hương Trang (24 tuổi) vừa ở nhà điều trị, vừa tiếp tục làm việc từ xa. Cô ngại trì hoãn công việc, ảnh hưởng tới đồng nghiệp trong lúc bị ốm.

Vừa vào TP.HCM làm việc được 2 ngày, Hương Trang (24 tuổi) đã phải ở nhà tự cách ly vì mắc Covid-19.

Khi đó, điều khiến Trang lo lắng nhất không phải tình trạng sức khỏe, mà làm thế nào để thu xếp sinh hoạt và công việc khi sống một mình ở TP.HCM.

"Thời điểm đó, tôi đang thực hiện dự án nên công việc bận rộn, không thể nghỉ ngang. Vì vậy, tôi vẫn tiếp tục làm việc từ xa, có hôm thức tới 2-3h làm báo cáo dù họng đau rát, người ê ẩm", cô kể.

Giống như Hương Trang, nhiều F0 ở thời điểm hiện tại vẫn tiếp tục sinh hoạt, làm việc trong khi điều trị tại nhà. Bên cạnh nỗi lo về sức khỏe, họ không muốn trì hoãn công việc, học tập và e ngại chi phí sinh hoạt tăng cao khi phải mua thuốc men, thực phẩm bồi bổ.

F0 song mot minh o TP.HCM anh 1

Nhiều F0 sống một mình ở TP.HCM bối rối khi phải thu xếp sinh hoạt, công việc khi mắc bệnh. Ảnh: Duy Hiệu.

Lo chi phí sinh hoạt tăng

Từ tuần trước, Phùng Tiên (20 tuổi, ngụ tại quận 3) bắt đầu xuất hiện một số triệu chứng nhẹ như mệt mỏi, đau rát họng, nhưng chủ quan do nghĩ bản thân đã thực hiện các biện pháp phòng dịch và tiêm vaccine.

"Ban đầu, tôi cũng bối rối vì mắc Covid-19 vào thời điểm bận rộn với việc học và đi làm. Tôi không dám nói với gia đình vì sợ người thân lo lắng, chỉ dành ra một ngày để thông báo với nhà trường, cấp trên. Giờ, tôi phải tạm nghỉ học trực tiếp và quay sang làm việc online", Tiên chia sẻ với Zing.

F0 song mot minh o TP.HCM anh 2

Phùng Tiên tiếp tục học tập, làm việc tại nhà khi mắc Covid-19. Ảnh: NVCC.

Sống một mình tại TP.HCM hơn 2 năm, Tiên đã hình thành thói quen sống độc lập, có thể tự chăm sóc bản thân. Nhưng khi phải cách ly và điều trị tại nhà, cô gặp khó khi phải làm mọi thứ từ xa.

"Tôi không có thói quen mua sắm online nên khá lúng túng khi phải đặt đồ qua các app giao hàng. Có khi, tôi mất hàng giờ để tìm đủ đồ cần mua, đối chiếu giá cả, rồi thêm mã giảm giá. Tôi sống một mình, chi phí sinh hoạt cũng giới hạn nên phải chi ly hơn", cô nói.

Gần một tuần qua, Tiên đã bỏ ra hơn 600.000 đồng để mua thực phẩm, thuốc men và kit test Covid-19. Cô cho biết số tiền trên được trích từ khoản dành dụm sau vài tháng đi làm thêm.

"Thời gian này, tôi không thể ra ngoài làm việc nên thu nhập giảm đáng kể, chỉ dựa vào khoản tiết kiệm khẩn cấp mình tích cóp. Lo lắng kinh tế bị hao hụt sau đợt này, tôi đã xin sếp được làm ở nhà. Lượng công việc giảm, nhưng ít ra vẫn có thu nhập để lo sinh hoạt phí", cô nói.

F0 song mot minh o TP.HCM anh 3

Hồng Ngọc bỏ ra số tiền bằng 1/2 chi phí thuê nhà hàng tháng để đặt thuốc men, thực phẩm trực tuyến trong quá trình điều trị Covid-19. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Hồng Ngọc (24 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cũng có cùng trăn trở với Tiên. 4 ngày trước, cô vô tình trở thành F0 vì lây từ một người bạn.

Với tính chất công việc freelance, cô thấy may mắn khi nguồn thu nhập không đứt đoạn. Song, Ngọc cho biết mình chi tiêu nhiều hơn hẳn bình thường vì liên tục đặt mua thực phẩm, thuốc men để điều trị tại nhà.

"Tôi sống một mình nên có suy nghĩ mình phải mua nhiều đồ lên để phòng trừ các trường hợp xấu. Dù chỉ bị đau họng, tôi vẫn mua thêm cả thuốc hạ sốt, máy đo SPO2 cho yên tâm. Thực phẩm cũng mua rau củ, hoa quả đắt hơn một chút do muốn bồi bổ sức khỏe. Tính ra, tôi đã chi khoảng 1,5-2 triệu đồng để mua sắm, bằng 1/2 tiền thuê nhà rồi", Ngọc kể.

Duy trì tinh thần lạc quan

Ngày đầu tiên sau khi có kết quả dương tính với Covid-19, Hương Trang đã lên mạng, tìm nhà thuốc gần nhất để đặt các loại thuốc, thiết bị y tế cần thiết. Chưa có nhiều kiến thức điều trị Covid-19, cô phải nhờ dược sĩ kê đơn, tư vấn liều lượng sử dụng.

"Tôi đặt mua thuốc hết 600.000-700.000 đồng và mua thực phẩm với chi phí tầm 1 triệu đồng. Với tôi, số tiền này nằm trong mức có thể chi trả.

F0 song mot minh o TP.HCM anh 4

Hương Trang hiện đã trở lại văn phòng sau 2 tuần điều trị tại nhà, song lại lo lắng về các di chứng hậu Covid-19. Ảnh: NVCC.

Song, tôi thấy có chút 'dở khóc, dở cười' do vừa đặt cọc tiền nhà xong đã phải mua thuốc, chưa được ăn uống hay trải nghiệm gì ở Sài Gòn", Trang cười, nói.

Dù trở thành F0, nữ nhân viên văn phòng vẫn tiếp tục làm việc tại nhà. Cô cho biết thời điểm hiện tại là cao điểm nên có nhiều việc phải xử lý, không thể chậm trễ.

"Có đồng nghiệp đùa rằng tôi là F0 nhưng làm việc còn năng suất hơn cả bình thường.

Tất nhiên, tôi vẫn dành thời gian để nghỉ ngơi, ăn uống và tập thể dục nhẹ nhàng để sức khỏe chóng hồi phục".

Chia sẻ với Zing, Trang cho biết xung quanh cô cũng có nhiều bạn bè, đồng nghiệp mắc Covid-19. Nhưng khác với vài tháng trước, tâm lý của các F0 và cộng đồng đã thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Cô cho biết giờ hầu hết người dân đều tiêm vaccine đầy đủ, hoặc đã khỏi Covid-19 nên tâm lý e ngại, kỳ thị F0 đã giảm bớt. Ngoài ra, các F0 có thể điều trị tại nhà, dễ dàng đặt mua thuốc men, thực phẩm online và vẫn làm việc từ xa để không bị gián đoạn sinh hoạt.

Vì thế, dù sống một mình ở một thành phố lạ, Trang vẫn giữ tinh thần tích cực, lạc quan trong quá trình tự điều trị bệnh.

"Tôi vẫn làm việc và sinh hoạt như bình thường, chỉ khác là ở nhà nhiều hơn, làm mọi thứ online. Tôi đã âm tính sau 2 tuần điều trị tại nhà và quay lại văn phòng. Điều tôi quan tâm nhất bây giờ là các di chứng hậu Covid-19 thôi", cô chia sẻ.

Chi tiêu hàng tháng đội lên vì tiền mua kit test

Lương 8 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các khoản chi tiêu, Bích Phương thường tiết kiệm được 1/4 số này. Tuy nhiên gần đây, cô phải sử dụng hết khoản này để mua kit test.

Trang Minh

Bạn có thể quan tâm