Khi xếp hàng thanh toán tại siêu thị, Tessa John-Connor (30 tuổi) để xe đẩy hàng ở phía sau lưng nhằm tạo khoảng cách với người kế tiếp. Trong khi đó, cô cũng chủ động đứng cách xa với người phía trước.
Từ khi đại dịch bùng phát, Tessa luôn muốn có nhiều khoảng cách vật lý hơn giữa mình và người xung quanh. Cô thậm chí còn trở nên nhạy cảm nếu thấy ai đó đứng quá gần mình, điều mà trước dịch cô không hề gặp phải, theo The Wall Street Journal.
Nữ diễn viên ở New York này còn có riêng cho mình quy tắc 3 lần nhắc nhở, yêu cầu mọi người giữ khoảng cách với mình nhiều hơn ở nơi công cộng.
"Đầu tiên, tôi nói với họ một cách lịch sự. Lần thứ hai, tôi nhắc nhở nghiêm khắc hơn và đến lần thứ ba, tôi thật sự sẽ chửi bới rất căng thẳng", Tessa nói và nhớ lại tình huống tương tự xảy ra với một người lạ tại Midtown Manhattan Whole Foods.
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người muốn giữ khoảng cách xa hơn ở nơi công cộng. Ảnh: The New York Times. |
Tác động tâm lý
Tessa không phải trường hợp duy nhất. Theo các nhà nghiên cứu và chuyên gia sức khỏe tâm thần, có nhiều người cảm thấy khoảng cách tiếp xúc bình thường của trước kia lại trở nên quá gần ở hiện tại.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cho biết thông qua khảo sát, họ nhận thấy mức độ yêu cầu không gian cá nhân của con người tăng trung bình từ 40% đến 50%.
"Theo chúng tôi, điều này không đáng ngạc nhiên vì mọi người thực hiện quy tắc giãn cách xã hội và lo sợ nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Do vậy, họ bắt đầu cảm thấy nhạy cảm và khó chịu nếu như ai đó đứng quá gần mình. Khi ở trong một tình huống có thể gây nguy hiểm hoặc đe dọa, bộ não của con người sẽ trở nên thận trọng", Daphne Holt, phó giáo sư tâm thần học tại Trường Y Harvard, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết.
Lo sợ nguy cơ nhiễm bệnh là lý do khiến nhiều người sợ tiếp xúc gần. Ảnh: Getty. |
Còn theo Michael Graziano, giáo sư khoa học thần kinh và tâm lý học tại Đại học Princeton, nghiên cứu chỉ ra rằng mức độ cần thiết không gian cá nhân của con người sẽ phát triển cùng với sự lo lắng, sợ hãi và thách thức cảm xúc.
"Sự lo sợ xâm nhập vào hệ thống chuyển động của bạn, kích hoạt toàn bộ phản xạ mà về cơ bản, bạn không thể kiểm soát được. Điều đó sẽ khiến bạn phải lùi lại, co rúm người và thực hiện các động tác bảo vệ", tiến sĩ Graziano nói.
Những phản xạ này giải thích vì sao bạn có thể vô tình bước lùi khi ai đó tiến đến quá gần hoặc nghiêng người nếu như thấy ai đó đi ngang qua mình.
Không thể mãi lo sợ
Anthony Thompson (35 tuổi), người làm việc trong lĩnh vực bán hàng và tiếp thị ở Denver (Mỹ), cho biết mình phải cố gắng giữ khoảng cách càng xa càng tốt với những người khác ở nơi công cộng, bao gồm cửa hàng tạp hóa hay nhà hàng.
Anh nhớ lại ngày gần đây khi đang ngồi tại một quán bar trống trải thì bất ngờ có hai vị khách đến sau, chọn ngồi chiếc ghế đẩu ngay cạnh mình.
"Điều này khiến tôi khó chịu ngay lập tức", Thompson nói.
Một số người có thể trở nên nhạy cảm, căng thẳng nếu đứng quá gần người khác ở nơi công cộng. Ảnh: WSJ. |
Theo The Wall Street Journal, đối với một số người, sự lo lắng về khoảng cách vật lý trong cuộc sống đã trở nên quá tải.
Gauri Khurana, bác sĩ tâm thần chuyên về rối loạn lo âu, cho biết cô đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân hơn kể từ khi địa phương nới lỏng giãn cách xã hội. Những người mắc chứng lo âu tiềm ẩn giờ đây phải đấu tranh để đối đầu với việc tiếp xúc trực tiếp với xã hội.
Greta Hirsch, nhà tâm lý học và giám đốc lâm sàng của Trung tâm Ross về chứng bệnh lo âu ở Washington, cho biết những người sợ hãi tiếp xúc gần người khác ở nơi công cộng có thể xem xét việc điều trị tâm lý để giảm đi tình trạng căng thẳng của mình.
"Ví dụ, trước khi tham gia một buổi hòa nhạc hàng nghìn người, bạn có thể thử thách tâm lý mình bằng cách đến rạp chiếu phim", tiến sĩ Hirsch khuyến nghị.
Hiện tại, dù các thành phố đã dần nới lỏng các hạn chế phòng dịch, những quy định giãn cách vẫn được khuyến khích hoặc bắt buộc tại nhiều không gian công cộng. Nhưng điều này sẽ thay đổi khi dịch bệnh kết thúc.
Theo tiến sĩ Graziano của Princeton, đừng để chuỗi xếp hàng tại cửa hàng tạp hóa khiến bạn cảm thấy lo sợ mãi mãi.
"Không gian cá nhân mở rộng trong thời kỳ đại dịch nhưng sẽ buộc phải thu hẹp trở lại khi dịch giảm dần. Chúng ta không thể sợ tiếp xúc xã hội mãi", ông nói.