Ở trọ một mình tại một căn hộ dịch vụ, T.D. vẫn phải tự mua sắm thực phẩm, đồng thời mua các loại thuốc điều trị bệnh.
"Hiện tại số ca F0 trong cộng đồng quá lớn, không có đơn vị, đoàn thể nào hỗ trợ việc đi chợ, mua sắm như năm ngoái nữa. Dù áy náy, tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài tự ra đường để mua thuốc, đồ ăn", D. nói với Zing.
Nhiều F0 cho biết vẫn phải ra đường để mua thực phẩm và thuốc. Ảnh minh họa: Phạm Thắng. |
"Tôi cần ra đường"
Tuy nhiên, theo D., dù ra đường khi có triệu chứng bệnh nhưng cô vẫn cố gắng tránh tiếp xúc với người khác nhiều nhất có thể. Cô đi siêu thị vào khoảng 21h, lúc nhân viên gần đóng cửa, để tránh khung giờ cao điểm mua sắm. Cô cũng chỉ mua thực phẩm, thuốc rồi nhanh chóng về nhà, đăng ký làm online và từ chối mọi cuộc vui chơi, gặp gỡ bạn bè.
"Ngay cả việc gọi ship, tôi cũng phải tự xuống lấy đồ, sử dụng thang máy chung vì nhà ở tầng cao. Thú thật, tôi cảm giác tội lỗi rất nhiều. Nhưng ở một mình, tôi cần ra đường để đảm bảo sinh hoạt", cô cho hay.
Cách đây 2 ngày, thấy mình giảm ho, D. test nhanh và có kết quả âm tính. Hiện tại, cô đi làm và sinh hoạt bình thường sau khoảng 7 ngày xuất hiện triệu chứng bệnh.
"Nếu phải ở nhà liên tục gần chục ngày mà không có người giúp đỡ, F0 rất khó cách ly hoàn toàn. Tôi cho rằng F0 nên được ra khỏi nhà nếu tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đây là phương án hợp lý bởi F0 không có nhiều hỗ trợ nữa. Còn có đề xuất cho F0 đi làm bình thường nữa cơ mà", cô nêu quan điểm.
Nhiều người cho rằng việc F0 cách ly hoàn toàn cho đến khi khỏi bệnh là khó khả thi. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Tương tự T.D., cách 4-5 ngày, P.N. (20 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) lại đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, mang găng tay y tế và rời nhà để mua thuốc, thực phẩm cho mình và bạn cùng phòng trọ.
"Tôi và bạn cùng nhà đều mắc Covid-19 nhưng tôi có triệu chứng nhẹ hơn. Chúng tôi đều từ nơi khác lên thành phố học tập và làm việc, lúc ốm đau chỉ biết dựa vào mình. Thú thực, tôi cũng lo lắng khi ra đường, nhưng chẳng còn cách nào khác", P.N. kể.
P.N. cho biết cô từng tính đến việc đặt giao thuốc men, thực phẩm tới tận nhà. Tuy nhiên, chi phí hàng hóa, ship tăng cao khiến cả hai F0 phải tính toán lại.
"Tính ra, chúng tôi phải mua tới 600.000 đồng tiền thuốc, chưa kể thực phẩm bồi bổ sức khỏe. Giữa việc trả phí ship dao động 30.000-40.000 đồng/chuyến và chạy ra khu chợ cách nhà 200 m, tôi thấy phương án sau khả thi hơn", cô nói.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người khác, P.N. thường chọn khung giờ vắng người và chỉ mua trong khoảng 15-20 phút. Mỗi lần mua, cô sẽ tính toán đủ lượng thực phẩm cho vài ngày, tránh phải ra ngoài nhiều lần.
"Tôi thấy có lỗi vì mình là F0 mà lại ra ngoài. Song, tôi cũng cảm thấy thoải mái khi được thay đổi không khí, thay vì phải chôn chân trong căn phòng trọ 20 m2 suốt nhiều ngày", cô nói.
H.T. đặt ship thuốc tận nhà, đi thang bộ xuống lấy để tránh tiếp xúc cư dân cùng tòa nhà. Ảnh: NVCC. |
Còn đối với trường hợp của H.T. (24 tuổi, TP Thủ Đức, TP. HCM), suốt hơn một tuần thành F0, cô rời nhà 2 lần để tới trạm y tế xét nghiệm Covid-19.
Do vừa đến TP.HCM lập nghiệp, cô chưa kịp chuyển xe máy tới nơi ở mới, lại sống một mình. Vì thế, H.T. phải đặt xe công nghệ để di chuyển.
"Theo yêu cầu của ban quản lý tòa nhà, tôi phải ra tận trạm y tế phường để xét nghiệm và khai báo. Nhà tôi cách nơi đó khoảng 3-4 km, hơn nữa tôi còn đang sốt và mệt mỏi nên đành phải gọi xe", cô kể.
Để bảo đảm sức khỏe cho tài xế, H.T. chủ động đeo khẩu trang, găng tay y tế, bình sát khuẩn và không nói chuyện với tài xế. Cô cũng nhắn tin trước cho tài xế và nhờ giúp đỡ.
Những ngày tự cách ly ở nhà, cô thường đặt thực phẩm và thuốc men online, sau đó đi thang bộ từ lầu 5 xuống sảnh để nhận đồ vì không muốn dùng chung thang máy với cư dân.
"Thật lòng tôi thấy ái ngại và lo lắng khi rơi vào trạng thái 'tiến thoái lưỡng nan' như vậy. Tôi chỉ biết cẩn trọng tối đa để không gây ảnh hưởng tới người khác", H.T. kể.
Lo ngại khi F0 vẫn đi lại bình thường
Trong khi đó, từ góc độ cộng đồng, không ít người tỏ ra lo lắng, thậm chí tức giận trước thực trạng một bộ phận F0 ra đường.
Thúy Hạnh cho biết cảm thấy lo lắng khi trong cộng đồng xuất hiện nhiều F0 chủ động ra đường. Ảnh: NVCC. |
Hồ Thúy Hạnh (sinh năm 1997, quận 1, TP.HCM) cho rằng việc F0 cần đảm bảo sinh hoạt tối thiểu như ăn uống, mua thuốc là điều dễ hiểu và có thể thông cảm. Tuy nhiên, thay vì việc trực tiếp đến nơi công cộng, F0 nên sử dụng dịch vụ giao hàng để có thể hạn chế việc tiếp xúc.
"Nhiều F0 có tâm lý chủ quan rằng hầu hết mọi người đều đã mắc bệnh hoặc tiêm 3 mũi vaccine nên tự do ra ngoài mua sắm. Tôi rất lo lắng trước việc này bởi bản thân và gia đình đều chưa bị nhiễm bệnh. Thử tưởng tượng người già trong nhà ra đường và vô tình tiếp xúc với F0, khả năng nhiễm bệnh là rất lớn", cô nói với Zing.
Ngoài ra, cũng theo Thúy Hạnh, nếu F0 buộc phải ra đường vì mục đích bất khả kháng như khám chữa bệnh, không thể sử dụng ứng dụng đặt hàng hoặc tình huống khẩn cấp khác, họ cần áp dụng chặt chẽ các biện pháp như đeo khẩu trang, sử dụng xe riêng, phun khử khuẩn để tránh làm ảnh hưởng đến người xung quanh.
Giống như Thúy Hạnh, những ngày gần đây, Hồng Nhung (25 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) không khỏi lo lắng khi số ca nhiễm mới ở TP.HCM có xu hướng tăng lên. Nhiều bạn bè của cô chỉ vừa âm tính một lần, hoặc đã tái nhiễm lần 2.
Tuy nhiên, một vài người có tâm lý buông lỏng, không còn lo ngại đại dịch như trước. Vì thế, họ sẵn sàng lên hẹn ăn uống, vui chơi khi vừa hết các triệu chứng Covid-19.
"Tôi từng nhận được lời mời đi uống cà phê của một người bạn, nhưng thực tế cô ấy vẫn còn dương tính với SARS-CoV-2. Người đó chủ quan khi nghĩ rằng vạch T đã mờ, tức là tải lượng virus xuống thấp và ít lây lan", cô kể.
Thực phẩm, thuốc là những mặt hàng mà các F0 cho rằng cần ra đường để mua sắm. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn. |
Nhung cho biết cô thông cảm khi nhiều F0 phải chủ động ra ngoài với lý do bất khả kháng như cấp cứu, khám bệnh, mua thuốc men và nhu yếu phẩm… Tuy nhiên, cô khuyến khích người bệnh nên đặt hàng online hoặc nhờ người thân, bạn bè hỗ trợ thay vì rời khỏi nơi cách ly.
"Tôi từng mắc Covid-19 nên hiểu cảm giác lo lắng, bức bối của nhiều F0. Tuy nhiên, cộng đồng vẫn còn nhiều người chưa từng nhiễm bệnh, hoặc chưa tiêm đủ vaccine, hoặc có khả năng tái nhiễm. Dịch bệnh không phải chuyện đùa", cô nói.