Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Facebook, TikTok loạn tin giả ăn theo cuộc chiến mới chống Covid-19

Lợi dụng sự hoang mang của cộng đồng khi dịch bệnh quay trở lại, nhiều đối tượng tung tin giả, làm clip tiêu cực để có lượt like, share, tương tác trên mạng xã hội.

Ngày 27/7, bài đăng trên Facebook của Võ Hồng Phương, nhân viên công ty du lịch S. có trụ sở ở Bình Dương, nói về việc đưa khách du lịch trốn khỏi Đà Nẵng giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều người bức xúc.

Với những từ như “tẩu thoát”, “yên ổn”, người này không chỉ gây hoang mang trong bối cảnh dịch bệnh mà còn khiến nhiều người bức xúc vì thái độ phân biệt, kỳ thị.

Sau đó, đại diện công ty S. lên tiếng khẳng định hoàn toàn không có chuyện nhân viên công ty đưa khách “tẩu thoát” và cho biết lùm xùm trên mạng đều xuất phát từ việc nhân viên sử dụng ngôn từ không đúng chuẩn mực.

Cùng thời điểm, các diễn đàn chia sẻ một clip có nội dung phân biệt người Đà Nẵng của 5 cô gái trên TikTok.

Cụ thể, một cô gái đóng vai chủ tịch, lần lượt bắt tay chào các "đối tác" của công ty. Đến người giới thiệu tới từ Đà Nẵng, "chủ tịch" và những người còn lại giật mình, không bắt tay và đuổi người này ra khỏi phòng.

Trước đó, chủ nhân đoạn video cũng liên tục chia sẻ thông tin thất thiệt về số lượng ca nhiễm, lịch trình di chuyển của các bệnh nhân.

Sau thông tin ở Đà Nẵng xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 mới từ ngày 25/7, các vụ tung tin giả, tạo clip câu view, câu like xuất hiện ngày một nhiều. Lợi dụng sự quan tâm và tâm lý hoang mang của cộng đồng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại, không ít người đang bất chấp để có lượt like, share, tương tác trên mạng xã hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân.

tin gia ve dich covid anh 1

Tin giả về dịch bệnh hoành hành trên mạng xã hội. Ảnh: SCMP.

Đánh vào nỗi sợ hãi để trục lợi

Những ngày gần đây, hàng trăm tài khoản Facebook cùng chia sẻ thông tin sai lệch về phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi người dân “suy nghĩ thấu đáo trước khi mua vé máy bay du lịch giá rẻ”.

“Chúng ta có tầm 4-6 ngày để nó chuyển giai đoạn từ 75 ca lên mức 100-500 ca. Và có khoảng 8-12 ngày (sau khi thiết lập mốc 500) để lên mức 1.000-5.000 ca. Rất cần truyền thông để bà con ở nhà. Hạn chế đi lại 1 tuần để đợt sóng này biểu hiện lâm sàng hết và khoanh lại. Rất ngắn ở mức này”, bài đăng này viết.

Bộ Y tế mới đây khẳng định: “Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không phát ngôn như vậy”. Thế nhưng, tin giả này hiện vẫn lan truyền với tốc độ chóng mặt trên Facebook, thậm chí nhiều tài khoản của người nổi tiếng cũng chia sẻ nội dung này.

Liên quan tới sự việc, ca sĩ Hòa Minzy đã phải chịu mức phạt 7,5 triệu đồng vì đăng tin giả về phát ngôn của Phó Thủ tướng. Giọng ca sinh năm 1995 nhận sai và gửi lời xin lỗi đến người hâm mộ vì chia sẻ thông tin sai lệch trên trang cá nhân.

Trước đó, hồi tháng 2, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã mời ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, diễn viên Ngô Thanh Vân và diễn viên Cát Phượng lên làm việc và xử phạt mỗi người 10 triệu đồng vì lan truyền tin giả về tình hình dịch bệnh.

tin gia ve dich covid anh 2

Tin giả kèm hình ảnh Phó Thủ tướng đang được chia sẻ tràn lan trên Facebook.

Tin đồn thất thiệt còn là một trong những yếu tố kích động dân chúng tích trữ trong mùa dịch. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khi các ca nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận tại Đà Nẵng, mạng xã hội xuất hiện nhiều tin giả về các ca nghi nhiễm, dự đoán giá vật tư y tế, nhất là khẩu trang, tăng mạnh trong thời gian tới.

"Đây là chiêu trò của những người bán hàng online tự đẩy giá, hét giá để đánh vào tâm lý người mua ở thời điểm hiện tại. Tình trạng này đã xảy ra trong đỉnh dịch, do những bên thu gom, tăng giá bán, gây hoang mang cho người dân", bác sĩ Khanh cho biết.

Theo The Guardian, mỗi ngày, Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung có thể lan truyền hàng trăm nghìn tin giả về dịch bệnh. Các nền tảng tỏ ra bất lực càng khiến nạn tin giả ngày một trầm trọng và nguy hại hơn.

Lý giải lý do con người dễ dàng tin vào những thông tin sai lệch hoặc lừa đảo, Jeff Hancock, giáo sư ngành Truyền thông của Đại học Stanford (Mỹ), cho rằng càng sợ hãi, mọi người càng có nhu cầu tìm kiếm thông tin để giảm thiểu cảm giác bất an.

“Vì tin giả khiến chúng ta cảm thấy thỏa mãn hơn, hoặc đơn giản giúp ta có cớ để đổ lỗi cho những gì đang diễn ra. Đó là lý do tại sao con người lại dễ tin, dễ chia sẻ thông tin không chính thống, thiếu xác thực”, giáo sư cho biết.

Còn đối với những kẻ tung tin giả, động cơ chủ yếu và cuối cùng vẫn luôn là tiền. “Mô hình kinh doanh của ngành truyền thông là dựa trên sự chú ý, quan tâm của người dùng. Chính vì vậy, kẻ xấu sẽ sử dụng tin giả hoặc tin sai lệch để câu dẫn sự chú ý của mọi người, từ đó kiếm tiền dựa trên sự chú ý ấy”, ông Hancock nói.

Nhiều quốc gia mạnh tay với tin giả

Để ngăn chặn tin giả và những tác hại của nó, luật pháp nhiều nước có quy định nghiêm ngặt và chế tài xử phạt nặng với những tổ chức, cá nhân xuyên tạc thông tin và truyền bá fake news.

Hồi tháng 1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố việc bịa đặt và phát tán thông tin sai lệch về dịch Covid-19 là “hành vi phạm tội nghiêm trọng”.

Tại Thái Lan, các nhà chức trách cho biết sẽ tiến hành buộc tội 7 người vì lan truyền những bài viết bị cáo buộc vi phạm Đạo luật về Tội phạm máy tính năm 2017 của nước này. Nếu bị kết án, người vi phạm có thể đối mặt án tù 5 năm và phạt 100.000 baht (3.200 USD).

Trong khi đó, chính phủ Singapore dẫn POFMA (Protection from Online Falsehoods and Manipulation Act, tạm dịch: Đạo luật Chống Thông tin sai trái và Thao túng trên mạng - PV) nhằm kiểm soát việc lan truyền thông tin giả có liên quan đến Covid-19.

tin gia ve dich covid anh 3

Nhiều nước xử lý mạnh tay để đẩy lùi nạn tin giả trong mùa dịch. Ảnh: BBC.

Tờ Khaleej Times của UAE đưa tin hôm 8/3 rằng Bộ Nội vụ UAE (MoI) cảnh báo bất cứ người nào lan truyền tin đồn hoặc tin giả về dịch Covid-19 trên mạng xã hội tại nước này sẽ bị trừng phạt theo Luật Trực tuyến.

Cụ thể, người vi phạm có thể đối mặt với án tù từ 3 năm đến chung thân hoặc tiền phạt lên tới 3 triệu AED (hơn 816.000 USD).

Đầu tháng 5, Saudi Arabia thông qua quy định phạt tù 5 năm và phạt tiền 800.000 USD đối với những người chia sẻ tin giả trên mạng xã hội. Tương tự, tội lan truyền thông tin thất thiệt cũng phải đối mặt với án tù từ 6 tháng đến 10 năm tại Benin, Brazil, Burkina Faso… và phạt tiền lên đến hàng nghìn USD tại Ai Cập, Kenya, Malaysia…

Còn tại Việt Nam, từ ngày 15/4, Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, một số hành vi bị xử phạt bao gồm: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc. Mức tiền phạt từ 10-20 triệu đồng.

Trong bài viết riêng cho Zing, bà Phan Tường Yên - chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý đang sống và làm việc tại TP.HCM - cho rằng mỗi người cần học cách hoài nghi, ngay với chính bản thân mình, để không bị dẫn dắt bởi fake news:

- Luôn tự vấn, rằng liệu mình có đang bị thu hút bởi những từ tiêu cực trong tiêu đề? Nghiên cứu đã cho thấy rằng ngay cả khi những người tham gia nói mình muốn xem tin tức tích cực hơn, họ vẫn chọn những câu chuyện tiêu cực để dừng lại xem khi online.

- Tự hỏi, mình muốn chia sẻ tin tức này là vì sao? Bởi vì nó nghe hay ho? Bởi vì nó thực sự hữu ích? Bởi vì nó đang “thay lời” mình để bày tỏ quan điểm hay nỗi lòng? Hay bởi vì mình sợ phải “đứng ngoài cuộc”, mình cần phải tham gia vào dòng chảy ấy?

- Chậm lại và tự hỏi xem bản thân đang đặt niềm tin vào bài viết/tin tức này vì điều gì? Liệu có phải vì người viết là bạn thân của mình? Vì người viết là giám đốc bệnh viện? Vì đó là trang tin yêu thích của mình? Vì người chia sẻ cho mình là cậu bạn tiến sĩ ở Mỹ? Hay vì mình đã dành vài phút kiểm tra và thấy thông tin đáp ứng tương đối các tiêu chí của một bản tin tốt?

'Bình yên rồi sẽ trở lại' - dân mạng vẽ tranh cổ vũ Đà Nẵng chống dịch

Nhiều hình ảnh, tranh vẽ với thông điệp cổ vũ người dân Đà Nẵng đang được dân mạng lan truyền cùng hashtag #StayStrongDaNang hay #CoLenDaNang trên mạng xã hội.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm