Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Fanboy' tạo dựng đế chế siêu anh hùng Marvel 13 tỷ USD

Sau một thập kỷ phát triển, Marvel Studios trở thành đế chế hàng đầu tại Hollywood. Đứng sau thành công của vũ trụ điện ảnh trị giá 13 tỷ USD là "fanboy" Kevin Feige.

Kể từ Iron Man (Người Sắt) năm 2008, Marvel Studios đã tung ra 17 bộ phim, đạt doanh thu tổng cộng hơn 13 tỷ USD. Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) sẽ xuất xưởng thêm 5 bom tấn nữa trong 2 năm tới.

MCU đã vực dậy những sự nghiệp đổ vỡ (Robert Downey Jr), nuôi dưỡng nhiều gương mặt mới (Tom Hiddleston), thu hút không ít sao hạng A (Benedict Cumberbatch, Tilta Swinton, Anthony Hopkins, Robert Redford) và sở hữu 3 anh chàng đẹp trai tên Chris (Hemsworth, Evans và Pratt).

Nhưng không phải Nick Fury (Samuel L. Jackson) hay Captain America (Chris Evans) đã tập hợp thành công biệt đội siêu anh hùng Avengers. Người đưa Marvel Studios từ một hãng phim độc lập thành đại gia khiến cả Hollywood xanh mặt ghen tị là chủ tịch Kevin Feige. Sự sáng tạo của ông được đánh giá là đã làm thay đổi không chỉ điện ảnh mà cả văn hóa đại chúng Mỹ.

Các hãng phim lớn khác ở Hollywood, điển hình là Warner Bros. với tài sản là các siêu anh hùng DC Comics, đã cố gắng bắt chước mô hình thành công của Marvel nhưng thất bại. Lý do tại sao? “Đơn giản là họ không có Kevin”, tạp chí Vanity Fair dẫn lời Joe Russo, đạo diễn Avengers: Infinity WarAvengers 4, khẳng định.

Anh chàng fanboy

Trước Feige, Marvel Studios thậm chí không tự sản xuất phim. Thành lập năm 1993 với cái tên Marvel Films, chi nhánh điện ảnh của công ty truyện tranh Marvel chỉ bán bản quyền nhân vật cho các hãng phim khác. Ví dụ phim Spider-Man do Sam Raimi thực hiện năm 2002 là do Columbia Pictures (của Sony) sản xuất. Feige là một trong những người gây sức ép đòi hãng tự sản xuất phim dựa trên các nhân vật truyện tranh Marvel.

Trả lời phỏng vấn Vanity Fair, Feige kể ông chưa thể nào quên cái cảm giác bất an, mất ăn mất ngủ thời kỳ đầu. Câu hỏi thường nảy ra trong đầu ông là: “Nếu phim này hỏng thì sẽ ra sao?”. Nỗi ám ảnh đó có lẽ xuất phát một phần từ việc sâu thẳm trong trái tim, chủ tịch Marvel Studios là một “fanboy”, như cách nữ diễn viên Scarlett Johansson mô tả.

Feige hiếm khi nói về bản thân mình. Ông luôn tự cho rằng câu chuyện sự nghiệp của mình chả có gì thú vị. Mark Ruffalo (người thủ vai Hulk) cho rằng đó là bí quyết thành công của ông. “Những diễn viên vĩ đại như Daniel Day-Lewis chẳng bao giờ tự khoe mẽ rằng ông ấy giỏi như thế nào. Kevin cũng giống như vậy”, Ruffalo khẳng định.

Anh chàng fanboy 45 tuổi Feige sinh ở New Jersey, thích đọc truyện tranh nhưng mê nhất là phim, luôn có mặt ở rạp vào tối thứ sáu hàng tuần. Thành tích trung học làng nhàng, Feige nỗ lực hơn ở giai đoạn cấp 3 và lọt được vào Đại học Southern California. Feige bị trường điện ảnh của Southern California từ chối tới 6 lần trước khi ông được nhập học. Bởi cả đời Feige chỉ muốn làm phim.

Được thực tập ở chỗ đạo diễn Richard Donner, Feige với nhiệt huyết dồi dào đã thu hút sự chú ý của Avi Arad, khi đó là lãnh đạo Marvel Studios. Ông trở thành đại sứ của Marvel, giám sát bản quyền nhân vật Marvel. Ông nhiều lần thất vọng với những phim về nhân vật siêu anh hùng Marvel kém chất lượng như Daredevil, Hulk của Lý An và The Punisher.

Giai đoạn giữa thập niên 2000, phim siêu anh hùng bắt đầu trở nên nhàm chán. Năm 2007, Spider-Man 3 gây thất vọng não nề. Nhưng Arad và Feige vẫn đánh cược tất cả khi vay mượn tiền, bán bản quyền các nhân vật nổi tiếng nhất của Marvel Comics, và thuê đạo diễn Jon Favreau thực hiện Iron Man (2008). “Mọi người đã quên rằng Iron Man là một phim độc lập”, ông Feige khẳng định.

Canh bạc đó thành công vang dội. Iron Man được giới phê bình khen ngợi nhiệt liệt và đạt doanh thu gần 600 triệu USD. Nhờ đó, Marvel Studios có đủ nguồn lực tài chính và vị thế để xây dựng một chiến lược riêng. Nhưng Araq quyết định ra đi từ trước khi Iron Man ra rạp. Ở tuổi 33, Feige trở thành nhà lãnh đạo studio độc lập lớn đầu tiên kể từ khi DreamWorks ra đời.

Một vũ trụ khai sinh

Marvel chỉ giữ vai trò hãng phim độc lập trong một thời gian ngắn. Disney mua lại hãng vào năm 2009 với giá 4 tỷ USD. Nhưng dù có túi tiền khổng lồ của Disney, Marvel Studios vẫn hoạt động gọn gàng, tiết kiệm. 4 năm trước, ông Feige làm việc trong văn phòng giản dị ở Tây Los Angeles, nơi mà đạo diễn James Gunn của Guardians of the Galaxy mô tả là “rẻ tiền” và “tồi tàn”.

Từ đó, một vũ trụ điện ảnh ra đời. Feige kể ông đưa đoạn Nick Fury của Samuel L. Jackson vào cuối Iron Man chỉ như một món quà dành cho fan hâm mộ. Nhưng chứng kiến phản ứng tích cực của khán giả, Feige biết rằng ý tưởng xây dựng một chùm phim kết nối chặt chẽ với nhau là có thể hiện thực hóa được.

Thách thức đầu tiên là thuyết phục diễn viên ký hợp đồng dài hạn với Marvel Studios. Jackson ký hợp đồng đóng 9 phim Marvel, một điều chưa từng thấy ở Hollywood. Việc thuyết phục Chris Evans gắn bó với vai Captain America khó hơn nhiều. Feige kể quãng thời gian Evans suy nghĩ là những ngày căng thẳng nhất đối với ông. Cuối cùng Evans ký hợp đồng đóng 6 phim. Tiếp đến Chris Hemsworth đồng ý vào vai Thor.

Feige bắt đầu thúc đẩy kế hoạch khổng lồ của ông. Nhưng mãi đến năm 2012, khi tổ chức chuyến quảng bá Avengers, Feige mới tiết lộ cho đại gia đình Marvel chiến lược xây dựng Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU). “Chúng ta sẽ sản xuất 15 phim trong vòng 2 năm tới”, Feige tuyên bố. Và giống như Big Bang tạo ra vũ trụ, MCU hình thành và liên tục mở rộng.

Trên thực tế, thập kỷ đầu tiên của MCU có không ít nốt trầm. Iron Man 2 (2010) và Thor: The Dark World (2013) đều bị giới phê bình chê. Hai đạo diễn lừng danh Edgar Wright và Joss Whedon đều bỏ đi sau những bất đồng sâu sắc. Whedon - người viết và chỉ đạo 2 phần Avengers đầu tiên - ra đi vào năm 2016. Cả Wright và Whedon đều công khai nói họ phải hi sinh tầm nhìn riêng để phục vụ lợi ích của Marvel.

Một số nhà phê bình cho rằng MCU buộc đạo diễn phải hi sinh sự sáng tạo để đi theo công thức chung. Feige thừa nhận các đạo diễn phải tuân thủ những quy tắc nhất định khi gia nhập Marvel, đặc biệt là khi hãng quyết thực hiện chiến lược mở rộng vũ trụ điện ảnh. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng giờ đây, hãng sẵn sàng để nhà làm phim thử nghiệm cách mới.

Guardians of the Galaxy có phong cách khác với các phim MCU trước đó. Sự hài hước của Thor: Ragnarok hoàn toàn trái ngược với sự u ám của Thor: The Dark World. Black Panther ra mắt đầu năm 2018 cũng là một bước đột phá khi cả dàn diễn viên là người da đen. Và Captain Marvel với nữ diễn viên đoạt giải Oscar Brie Larson, sẽ là phim siêu anh hùng Marvel đầu tiên có nhân vật chính là nữ.

Avengers là lời tạm biệt

Sau Avengers 4 (ra rạp vào năm 2019), sẽ có một số siêu anh hùng từ giã MCU. Một phần nguyên nhân là do hợp đồng giữa Marvel với các diễn viên Chris Evans, Mark Ruffalo, Robert Downey Jr, Scarlett Johansson, Chris Hemsworth và Jeremy Renner sẽ hết hạn. Disney cam kết rằng Marvel đủ sức tiếp tục làm phim siêu anh hùng trong 20 năm tới nhưng chưa tiết lộ gì thêm.

Có lẽ fan hâm mộ MCU chỉ có thể tin tưởng vào Feige. Các diễn viên tỏ ra rất lạc quan. “Tôi cảm thấy mừng cho thế hệ kế tiếp”, Vanity Fair dẫn lời Johansson. Mới đây, CEO Disney Bob Iger tuyên bố Marvel sở hữu bản quyền của 7.000 nhân vật. Cả Iger và Feige đều tỏ ý rằng MCU sẽ đi theo những hướng mới “hoàn toàn khác biệt với những gì trước đó”.

Feige cam kết rằng Avengers 4 sẽ là dấu chấm hết cho mô hình MCU hiện tại. Có nghĩa là có thể hàng loạt siêu anh hùng sẽ thiệt mạng dưới tay siêu ác nhân Thanos, nhưng MCU sẽ vẫn tồn tại theo cách mới mẻ hơn. “Sẽ có hai giai đoạn riêng biệt, trước và sau Avengers 4. Sẽ rất khác với những gì mọi người trông đợi”, ông Feige mô tả.  

Giai đoạn “sau Avengers 4” sẽ thiếu vắng những gương mặt đã quá quen thuộc với khán giả toàn cầu, và đó là thách thức cực lớn đối với Marvel Studios và Feige. Hãng sẽ phải tìm kiếm dàn diễn viên mới đủ sức hấp dẫn, phát triển những kịch bản đủ chất lượng để đáp ứng sự mong đợi của hàng triệu, hàng triệu khán giả khắp thế giới.

CEO Feige tỏ ra hoàn toàn không hề lo lắng về tương lai của MCU. “Khi Disneyland mở cửa, người ta từng hỏi ông Walt Disney rằng khi nào Disneyland sẽ được hoàn thành 100%. Ông trả lời rằng nếu thế giới còn trí tưởng tượng thì Disney sẽ không bao giờ kết thúc”, ông tự tin.

Và có lẽ khi nào mà khán giả mê điện ảnh còn thích xem siêu anh hùng giải cứu thế giới thì Marvel và Kevin Feige sẽ còn tiếp tục ngạo nghễ đứng đó.

Trailer đầu tiên bộ phim 'Avengers: Cuộc chiến Vô cực' "Avengers: Infinity War" là bộ phim quy tụ đông đảo siêu anh hùng nhất từ trước tới giờ của Marvel Studios.

Trailer ‘Avengers: Infinity War’ lập kỷ lục xem nhiều nhất sau 24 giờ

Đoạn phim quảng cáo đầu tiên của bom tấn siêu anh hùng “Avengers: Cuộc chiến Vô cực” thu hút lượng người xem chưa từng thấy sau 24 tiếng được phát hành.

Loạt chi tiết thú vị từ trailer đầu tiên của ‘Avengers: Infinity War’

Đoạn phim quảng cáo đầu tiên của bộ phim bom tấn siêu anh hùng 2018 đã khiến công chúng, đặc biệt là fan Marvel, đứng ngồi không yên bởi sự hoành tráng và nhiều chi tiết gợi mở.








Nhật Minh

Ảnh: Vanity Fair.

Bạn có thể quan tâm