Hầu như mỗi nhóm nhạc Hàn đều có màu sắc và tên fanclub riêng, đây là đặc điểm để nhận diện cộng đồng người hâm mộ của từng nghệ sĩ. Nhưng cũng từ điểm đặc trưng này mà nhiều cuộc chiến không khoan nhượng nổ ra giữa các fandom (cộng đồng người hâm mộ).
Những quy luật bất thành văn thuở sơ khai
Ngành giải trí Hàn là nơi khai sinh ra những sản phẩm cổ vũ đặc trưng như bóng bay, lightstick và màu sắc fandom. Tại Hàn Quốc, việc sử dụng bóng khi đi tham gia các buổi biểu diễn âm nhạc bắt đầu thịnh hành từ khoảng giữa những năm 1990. Việc sử dụng màu fandom này bắt đầu từ H.O.T, sau này trở thành một điểm đặc trưng của các nhóm nhạc Kpop thế hệ sau.
Màu sắc của nhóm sẽ được sử dụng lên toàn bộ những sản phẩm dành cho fan như bóng cổ vũ, lightstick (gậy ánh sáng), áo nhóm… Có những màu sắc đã trở thành thương hiệu như khi nhắc đến màu xanh lam đậm thì sẽ nhắc đến Super Junior, màu đỏ là DBSK, màu hồng là SNSD, màu cam là Shinhwa…
Luật bất thành văn thời kỳ đó là nhắc đến màu sắc cộng đồng fan coi như đang nhắc đến nhóm nhạc. Màu sắc không chỉ để phân biệt mà với các fandom còn là danh dự của họ.
Màu sắc được coi như đặc điểm nhận dạng của các nhóm nhạc thời kỳ đầu. |
Khi bảng màu trở nên cạn kiệt
Bảng màu số lượng tuy phong phú nhưng không phải màu nào cũng có thể dùng làm màu lightstick hay màu sắc đại diện cho các nghệ sĩ, nhóm nhạc. Với số lượng nhóm nhạc gia tăng mạnh qua từng năm, việc một số nhóm có màu sắc tương đồng với nhau là điều khó tránh.
Bảng màu cơ bản gần như đã được các nhóm nhạc đời đầu tận dụng hết. Vì vậy, các nhóm nhạc mới thường không công bố màu sắc đại diện ngay, mà họ phải trải qua một thời gian dài “thăm dò” cẩn thận.
Năm 2008, YG đăng ký bản quyền lightstick hình vương miện màu vàng cho BIGBANG. Đây được coi là gậy cổ vũ chính thức đầu tiên trong cộng đồng người hâm mộ nhạc Hàn.
Việc sáng tạo lightstick của BIGBANG đã mở ra một hướng đi mới. Các công ty quản lý thay vì đau đầu tìm kiếm một màu sắc mới đã chuyển qua thiết kế gậy cổ vũ đặc trưng riêng.
Các lightstick được thiết kế riêng của các nhóm nhạc thời kỳ sau. |
Những cuộc chiến gìn giữ màu sắc không khoan nhượng
Tưởng chừng phương án thiết kế gậy cổ vũ có màu sắc và mang đặc trưng riêng sẽ chấm dứt các tranh cãi trong cộng đồng người hâm mộ. Nhưng thực tế mọi chuyện vẫn tiếp diễn.
Vụ việc trưởng nhóm Lee Teuk (Super Junior) nhận nhầm khu vực fan của mình với fan nhóm BToB do màu sắc lightstick giống nhau cũng khiến fan nhóm này tranh cãi kịch liệt với fan của BToB suốt thời gian dài.
Nhóm nhạc nam trẻ iKon đã vướng phải một “cuộc chiến” kéo dài sau khi công bố màu sắc lightstick chính thức của nhóm. Ban đầu cộng đồng người hâm mộ của nhóm Shinhwa phản đối gay gắt vì cho rằng màu sắc của iKon trùng với màu cam vốn đã là thương hiệu của nhóm Shinhwa suốt hơn một thập kỉ. Cuộc tranh cãi này sau đó đổi chiều khi gậy cổ vũ chính thức của iKon được phát hiện khi bật lên có màu sắc giống hệt màu đỏ của nhóm DBSK.
Fandom của DBSK đã vào cuộc với mục tiêu giành lại màu đỏ. Họ thậm chí còn mở chiến dịch quyên góp để "nhuộm đỏ" thành phố Seoul với băng rôn, khẩu hiệu ghi những dòng chữ như "màu đỏ thuộc về DBSK", "đấu tranh vì màu đỏ".
Vì thần tượng hay vì chính mình?
Thực tế, rất ít thần tượng tự mình lên tiếng về việc tranh giành màu sắc. Thế nhưng fan lại luôn đấu đá lẫn nhau nếu có dịp. Liệu hành động này có thực sự để bảo vệ thần tượng, hay là để thỏa mãn cái tôi của những cá nhân trong fandom ấy?
Màu sắc không chỉ là đặc điểm nhận dạng mà từ lâu đã được coi như danh dự của cả cộng đồng. Bởi vậy nếu có bất kì chuyện gì xảy ra, họ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ "danh dự" đó.
Mỗi trận chiến về màu sắc đều trở thành dịp để thể hiện nhân lực hùng hậu, tài chính dồi dào của các fandom lớn. Phần nào đó các fan của nhóm tiền bối này đã dùng sức mạnh để chèn ép những tân binh và fandom non trẻ của họ phải từ bỏ những màu sắc được coi là “cấm kỵ” ấy.
Văn hóa hâm mộ thần tượng là một vấn đề gây tranh cãi từ lâu. Những hành động thái quá như cuộc chiến màu sắc có thể sẽ tiếp tục khiến cái nhìn của xã hội về cộng đồng fan hâm mộ xấu đi.