Tết Nguyên đán cận kề là lúc mọi người nhìn lại năm cũ, xem bao nhiêu “gạch đầu dòng” trong danh sách việc cần làm đã hoàn thành.
Tri Thức - Znews đã trò chuyện với 5 nhân vật, là những người có công việc, độ tuổi và nơi sống khác nhau, để lắng nghe họ chia sẻ về thành tựu đạt được trong năm 2023.
Điểm chung của 5 câu chuyện đều xoay quanh hai chữ “bình thường” - tưởng bình thường mà có nhiều điều để tỏ bày.
Vực dậy từ biến cố
Bùi Lê Minh Huyền (26 tuổi, biên dịch viên tại Hà Nội)
2023 là một năm “bình thường” khi tôi có sức khỏe để làm việc, vui chơi và học tập, thỉnh thoảng nấu cho bản thân những món ngon, rủ rê bạn bè đi cà phê hoặc trở về vòng tay bố mẹ.
Bùi Lê Minh Huyền. Ảnh: NVCC. |
Trong số đó, tôi từng nghĩ việc tự nấu ăn rất đơn giản, chỉ cần nghĩ thực đơn, mua nguyên liệu và xắn tay vào bếp chế biến. Cho đến khi bị ốm nặng, phải nằm viện và không thể nấu món mình thèm, tôi mới nhận ra: việc được coi là “nhỏ như con thỏ” giờ đây không dễ thực hiện, nên những lúc bản thân khỏe mạnh và có thể làm được thì phải trân trọng.
Trong năm qua, tôi cũng gặp chuyện chẳng như ý - người bác yêu quý qua đời, để lại trong tôi khoảng trống thênh thang. Nhưng khi vô tình nhìn thấy tấm ảnh chụp cùng bác, tôi hiểu rằng mình phải vượt qua nỗi đau này để bác yên lòng.
Ngoài lúc bận rộn công việc, tôi tranh thủ ra ngoài dạo phố, đi dã ngoại, học lớp phát triển kỹ năng mềm. Mười một tháng kể từ ngày xảy ra biến cố, tôi thấy lòng mình an yên hơn chứ không rối bời như trước. Tôi cũng hiểu tầm quan trọng của gia đình nên gọi điện cho bố mẹ thường xuyên và về thăm nhà khi rảnh.
Cận kề năm mới, tôi kịp mua cho mình một bộ trang điểm. Từng là cô gái không quá chăm chút vẻ bề ngoài, tôi giờ đây muốn ngắm nhìn bản thân trong phiên bản lộng lẫy hơn.
Để tổng kết năm qua, tôi thấy rằng cuộc sống càng áp lực, mong ước con người càng giản dị, chỉ mong có một năm “bình thường”.
Tôi nhớ mãi lời tâm sự của cậu bạn thời đại học: “Nếu bây giờ được chọn lại, tớ chỉ muốn làm một công việc không quá bận rộn, có ngày nghỉ cuối tuần để ngủ thoải mái tới trưa hay lên xe khách về quê thăm mẹ, cùng mẹ ăn canh măng, bún đậu, tương cà”.
Trải nghiệm "lifelong learning"
Bùi Minh Đức (30 tuổi, học thạc sĩ truyền thông tại Mỹ)
Đây là năm của học tập và trải nghiệm khi tôi được thăm thú 20 bang rộng lớn ở Mỹ, đồng thời có cơ hội soi chiếu bản thân, trang bị tâm thế học tập suốt đời (lifelong learning). Việc thay đổi môi trường từ Việt Nam sang Mỹ cũng giúp tôi mở lòng đón nhận mọi thứ khác biệt - điều này sẽ hỗ trợ nhiều cho công việc trong ngành truyền thông.
Bùi Minh Đức. Ảnh: NVCC. |
Ngoài giờ học và làm freelance (làm tự do), tôi tìm niềm vui bằng cách thong dong đi bộ vào rừng, ra biển ngắm hoàng hôn, tham quan hiệu sách, bảo tàng hoặc thư viện.
Nói chung, cuộc sống năm 2023 không có gì nổi bật. Nó “kẹp giữa” sự bỡ ngỡ của năm 2022 (giai đoạn tôi mới sang Mỹ) và nhiều thay đổi dự báo xảy ra trong năm 2024 (sau khi tôi hoàn thành bậc học và về nước).
Nhìn nhận hai chữ “bình thường”, tôi cho rằng đây là khái niệm thuộc về cảm quan - mỗi người sẽ có định nghĩa khác nhau.
Chẳng hạn, ngoài thành công mang tính quy ước, chúng ta có nhiều thành công "bình thường" khác xứng đáng ăn mừng. Nấu cơm ở nhà nhiều hơn, tích cực gặp bạn bè hay chăm chỉ tập thể dục - đây là những điều ít ai đề cập khi tổng kết năm nhưng chúng đều đáng khích lệ. Tận hưởng cuộc sống bình thường chính là trân trọng bao điều nhỏ nhặt như vậy.
Hỗn loạn một cách... bình thường
Phạm Thanh Huyền (26 tuổi, Content Creator tại Hà Nội)
2023 là năm đầu tiên đánh dấu cột mốc tôi không đi làm ở công ty - dù đây từng là định hướng nghề nghiệp trong một thời gian dài.
Sự kiện ông nội mất khiến tôi nhận ra mình không còn phù hợp với môi trường làm việc cũ - nơi có những nguyên tắc mà tôi phải tuân thủ. Tôi không thể bỗng chốc nghỉ làm chỉ vì sáng dậy… thấy buồn.
Phạm Thanh Huyền. Ảnh: NVCC. |
Thế là tôi trở về với “đứa con tinh thần” - trang blog Mắt Toét bằng việc duy trì viết lách, thiết kế sản phẩm để bán. Xuất phát điểm của blog là nơi tôi viết cho vui, song giờ nó đã trở thành công việc toàn thời gian của tôi.
Nếu như ở công ty, tôi chỉ đảm nhận một vị trí cho từng giai đoạn cụ thể thì giờ đây, tôi phải làm từ A đến Z: lên ý tưởng, thiết kế sản phẩm, làm truyền thông, bán hàng, gói hàng, gửi hàng, chăm sóc khách hàng, hợp tác với các nền tảng mua sắm trực tuyến. May mắn thay, tôi hiện đã xây dựng được một team (nhóm) vận hành trang để mọi thứ bài bản, đỡ áp lực.
Công việc mới khiến tôi vừa vui, vừa khó chịu. Tôi vui vì mình có thể chủ động quản lý nguồn thu nhập, giờ giấc làm việc...
Còn cảm giác khó chịu đến từ việc tôi đã quen với hệ thống lớp lang trong công ty, chẳng hạn như cấp bậc (intern, junior, senior v.v) hay cột mốc thăng tiến. Đối với công việc mới, tôi không có được điều đó nên phải vừa đi vừa “soi đèn”, rồi hiểu rằng mình không thể mong đợi sự thoải mái, quen thuộc khi đã chấp nhận thay đổi.
Nhìn chung, một năm từ bỏ công việc cũ đã cho tôi những “lần đầu tiên” - cởi mở thử làm điều mới. Tôi có thể mô tả năm qua là năm hỗn loạn một cách bình thường hay bình thường trong hỗn loạn (cười).
Nếu định nghĩa thành công trước đây của tôi là làm ở công ty mình thích, đi đến nơi mình muốn thì năm qua, thành công với tôi là gia đình trọn vẹn, bản thân khỏe mạnh để làm việc và kiếm ra thu nhập đủ trang trải cuộc sống. Đó là những điều bình thường mà ta chỉ biết trân trọng sau khi trải qua biến cố lớn.
Yêu bản thân
Vương Kiều Hương (48 tuổi, nhân viên công ty tại TP Hồ Chí Minh)
Tôi không có thói quen vạch ra dự định “đao to búa lớn” mỗi năm, chỉ mong vạn sự bình an, có sức khỏe tốt để đi làm đều đặn.
Ở tuổi này, tôi không muốn “mơ lớn”, phần vì biết bản thân sẽ khó thực hiện, phần để tránh tâm lý nặng nề không cần thiết suốt cả năm. Cuộc sống với tôi bây giờ là học cách tận hưởng những gì đang có, sẵn sàng đón nhận bất kể thứ gì ập đến.
Vương Kiều Hương. Ảnh: NVCC. |
Hồi trẻ, tôi cũng có những ước mơ xa xôi, rồi nặng tâm lý so sánh với “con nhà người ta”. Hiện tại, tôi chỉ tập trung vào những điều nhỏ bé khiến mình vui và không quá quan tâm đến hình ảnh nhà giàu, xe sang trên mạng xã hội.
Chúng ta có nhiều cách để đạt được hạnh phúc mà không nhất thiết phải thông qua vật chất hay sự nghiệp thăng tiến, một trong số đó là “yêu điều mình có khi không có điều mình yêu”.
Theo tôi, cuộc sống “đều đều” như vậy cũng có niềm vui riêng - niềm vui xuất phát từ cách mình đối diện với cuộc sống. Niềm vui đôi khi cũng đến từ khoảnh khắc bình dị nhất, như đi chơi cuối tuần với con cái, mua một món đồ nho nhỏ mà mình thích v.v.
Nói tóm lại, “thành tích” to lớn nhất năm 2023 của tôi không liên quan đến vật chất, mà liên quan đến tinh thần - tôi biết yêu bản thân hơn và đang trong hành trình nuôi dưỡng tâm mình an yên.
Không hưởng bình yên... tai hại
Lò Duy Bưu (33 tuổi, giáo viên tại TP Buôn Ma Thuột)
Với tôi, một năm “bình thường” là một năm bình an, ổn định; mọi thứ vừa đủ, không mang lại quá nhiều lo lắng hay ưu phiền. Điều này không có nghĩa là mình không nỗ lực vươn lên trong năm đó. Trái lại, tôi luôn cống hiến hết mình cho “sự nghiệp trồng người” và chăm lo cuộc sống cá nhân thật tốt.
Lò Duy Bưu. Ảnh: NVCC. |
Vì thế, “thành tích” năm 2023 của tôi là chứng kiến học sinh chăm ngoan, học giỏi; các đồng nghiệp nơi tôi công tác luôn cư xử hòa nhã với nhau. Ngoài giờ làm, tôi viết bài cộng tác cho vài tòa soạn, đồng thời nuôi dưỡng thói quen đọc sách. Khi có điều kiện, tôi đến vùng đất mới để quan sát cuộc sống, mở mang tầm nhìn.
Ở góc độ khác, một năm “bình thường” tức là nếu không may thất bại trong chuyện gì, đến cuối cùng ta vẫn bình an ngồi đây, xem những thứ đã qua là bài học kinh nghiệm để bước tiếp.
Bản thân tôi cũng đối mặt với áp lực lớn khi giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống, công việc suốt năm qua. Những lúc ấy, tôi tạm gác mọi thứ sang một bên để đi đâu đó thật xa hoặc tìm đến thói quen hàng ngày như đọc sách, viết lách, nghe nhạc.
Khó khăn, thuận lợi, vui, buồn đan xen trong một năm đã giúp tôi rút ra bài học về sự bình tĩnh và lạc quan, rằng không ai trên đời mãi chật vật hay “thuận buồm xuôi gió”.
Mặt khác, tôi hiểu rằng cảm giác bình yên mà mình nhận lại sau một năm “bình thường” xuất phát từ quá trình lao động vất vả trước đó, chứ không phải ngồi không và hưởng bình yên "tai hại".
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.