Có dịp ghé thăm Hà Nội, thay vì đi đến các địa điểm tốn khá nhiều thời gian như Cao Bằng, Sa Pa, nhóm chúng tôi chọn đến Hải Phòng để trải nghiệm food tour (tour ẩm thực) vì dễ dàng di chuyển và ẩm thực phong phú, đa dạng.
Thời tiết Hải Phòng tháng 1 rất dễ chịu, có nắng nhẹ, gió mát, thích hợp để thưởng thức các món ăn ngon nổi tiếng.
Ăn trưa với bún cá cay
Bát bún cá cay với các loại nhân khá lạ như bóng cá, trứng cá thu, da thập cẩm, dạ dày cá có giá từ 30.000 đồng/bát. |
Nhóm tôi đến Hải Phòng lúc 11h với cái bụng đói meo và thèm ăn một món ăn nóng. Chúng tôi có hẹn với Hoa, người Hải Phòng chính gốc và là "hướng dẫn viên du lịch riêng" trong chuyến đi lần này.
Theo như tìm hiểu, nơi đây có rất nhiều hàng bún cá nổi tiếng nằm rải rác trên khắp các con phố như Lê Lợi, Văn Cao, Lê Lai, Lạch Tray... Hoa dẫn chúng tôi đi đến quán bún cá cay Thắng Tồ. Theo Hoa, đây là nơi có nước dùng đúng vị và là quán ưa thích của người dân địa phương.
Bún cá cay sử dụng sợi nhỏ, bên trong có nhiều loại nhân lạ miệng như cá chiên giòn, chả cá thu, bóng cá, trứng cá thu, da thập cẩm, dạ dày cá. Món khiến tôi thấy ấn tượng nhất là lòng nhồi bò cá có vị thơm bùi, dai giòn đặc trưng.
Có tên là bún cá cay nhưng cảm nhận đầu tiên của tôi là nước dùng món này đậm đà, không quá cay. Khi ăn bạn có thể cho thêm nước me có vị chua dịu, không gắt như giấm. Nếu muốn tăng thêm hương vị, thực khách có thể thêm ớt chưng hoặc sa tế tự làm của quán.
Giá bún cá thường là 30.000 đồng/bát, giá bún cá đặc biệt là 40.000 đồng/bát. Mức giá này ổn so với một bán bún đầy đặn, nhiều nhân và vừa miệng.
Đặc sản cà phê cốt dừa
Cà phê cốt dừa và chè dừa dầm là hai món không thể thiếu trên bản đồ ẩm thực Hải Phòng. |
Cà phê cốt dừa là món ăn vặt không thể thiếu trong hành trình ăn uống tại đây. Hoa đưa chúng tôi đến một trong những quán nổi tiếng nhất Hải Phòng trên đường Lam Sơn. Ban đầu khi nghe tên, tôi nghĩ đây là một món đồ uống bình thường. Nhưng khi được thưởng thức, tôi thấy món ăn vặt này khá đặc biệt.
Cà phê được đánh quyện cùng cốt dừa thành một hỗn hợp sệt sệt, thơm ngậy. Bên trong có khá nhiều loại topping như dừa nạo, thạch đen, trân châu, dừa khô. Khi ăn cho thêm đá bào, món không bị ngọt quá và vẫn có vị đắng của cà phê. Bạn có thể ăn hết một cốc mà không thấy ngán.
Ngoài cà phê cốt dừa, Hoa gợi ý chúng tôi thử món chè dừa dầm cũng là một trong những món đặc trưng khi đến Hải Phòng. Tôi đã từng ăn thử món này tại Hà Nội và thấy không ấn tượng lắm.
Một cốc chè dừa dầm gồm phần chính là nước cốt dừa và sữa, có thêm topping là thạch dừa, rau câu. Cảm nhận đầu tiên là chè dừa dầm ở Hải Phòng có nước cốt dừa ngon, đậm vị béo ngậy, cùi dừa dày và dai, ăn khá vui miệng. Tôi không phải người hảo ngọt nên chỉ có thể ăn được nửa cốc.
Giá mỗi món tại đây từ 20.000 đồng. Quán khá sạch sẽ, không gian ngoài trời thoáng mát. Tôi được chủ quán giới thiệu quán có khá nhiều cơ sở từ Bắc vào Nam, tiện lợi cho du khách khắp nơi thưởng thức hai món trứ danh đất cảng này.
Bánh bèo lạ miệng cho bữa xế
Khi tham khảo những món ăn vặt cho bữa xế, chúng tôi nghĩ ngay đến bánh bèo. Bánh bèo Hải Phòng không hề giống bánh bèo Huế. Những miếng bánh bèo được gói trong lá, có nhân thịt bằm, mộc nhĩ, nấm hương, vỏ bánh dày và dai hơn. Nhìn qua loại bánh này khá giống bánh tẻ, một loại bánh ở Hà Nội.
"Linh hồn" của bánh bèo là bát nước chấm được ninh từ xương ăn kèm với xíu mại và chả. |
Hoa dẫn chúng tôi đến một quán không nổi tiếng trên mạng xã hội, chủ yếu là khách địa phương đến ăn. Quán bán các loại bánh bèo, bánh gio, bánh giò, bánh bột lọc. Chúng tôi quyết định thử hết các loại bánh.
Bánh bèo ăn kèm nước chấm được ninh từ xương, bên trong bát nước chấm có hai viên xíu mại và một miếng giò. Nước dùng giữ được vị ngọt đậm đà từ thịt, không phải từ đường hay mì chính. Viên xíu mại ăn khá mềm và vừa miệng. Chúng tôi đánh giá đây là một món ăn đáng thử khi đến Hải Phòng.
Các loại bánh khác như bánh giò, bánh gio, bánh bột lọc ăn vừa miệng, không có gì đặc sắc. Các món bánh tại quán giá 20.000-40.000 đồng/món.
Bữa tối no căng bụng với ốc kiểu Hải Phòng
Trước khi kết thúc chuyến đi, chúng tôi vẫn để dành bữa tối để thử các món ốc kiểu Hải Phòng. Khi tham khảo trên mạng, tôi tìm thấy thông tin một số hàng ốc nổi tiếng trên đường Máy Tơ, Lê Lợi, Hàng Kênh. Hoa dẫn chúng tôi đến hàng ốc trên đường Miếu Hai Xã, khá gần trung tâm thành phố và nhiều người địa phương hay ăn.
Chúng tôi gọi thử ốc hương sốt trứng muối, ốc móng tay xào bơ, ngao hấp Thái, sò huyết nướng, hàu nướng, ốc len xào dừa, càng cùm sốt me. Các loại ốc khá to và tươi, giữ được hương vị thơm ngon khi chế biến. Nước chấm ốc có thêm rau thơm tạo nên hương vị đặc trưng, khác với nước chấm ốc ở Hà Nội và TP.HCM.
Các món ốc khá tươi ngon, sạch sẽ và bắt mắt, có giá từ 70.000 đồng/món. |
Nước sốt ở đây thực sự ngon, vừa miệng, hợp khẩu vị với cả nhóm. Trong các loại sốt trứng muối, sốt bơ, sốt me, tôi ấn tượng nhất với sốt me. Vị sốt me hơi chua, thêm vị đậm của mắm, ăn kèm với hành phi khá hợp và lạ miệng.
Tuy nhiên các món ăn kèm như nem chua rán, cóc dầm chưa đặc sắc. Giá cho mỗi món ốc tại quán từ 75.000 đồng. Cả bữa ăn chúng tôi bỏ ra khoảng 1,2 triệu đồng cho hơn mười món ốc tại đây.
Trước khi ra về, chúng tôi vẫn kịp mua bánh mì Hải Phòng về làm quà. Món bánh mì này ở đâu cũng có, nhưng thứ làm nên sự khác biệt chính là loại tương ớt chua ngọt ăn kèm. Bánh mì Hải Phòng nhỏ hơn các loại bánh mì bình thường, chỉ có nhân pate nhưng khiến bao thực khách say đắm.
Tổng kết sau một ngày, chúng tôi đã được thử gần hết các món ăn đặc trưng do chính người Hải Phòng giới thiệu. Những quán ăn địa phương không nổi tiếng trên mạng xã hội, không được nhiều người review, nhưng vẫn giữ được chất lượng và giá cả phải chăng. Với chi phí ăn uống khoảng 500.000 đồng/người, du khách đã có một chuyến du lịch Tết no căng bụng và nhiều trải nghiệm.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách "gối đầu giường" cho người mê nội trợ. Bất kể là ẩm thực đường phố hay nhà hàng sang trọng, mỗi món ăn, mỗi phong cách nấu nướng đều có một câu chuyện riêng, những bí quyết không phải ai cũng biết.