Frankfurt Motor Show năm nay lộ rõ điểm yếu của ngành công nghiệp bốn bánh châu Âu nói chung, và nước Đức nói riêng ở mảng xe điện. Trong bối cảnh phía bên kia lục địa, các hãng xe Mỹ đã có thành tựu nhất định, nổi bật như Tesla.
Bà Angela Merkel - Thủ tướng nước Đức - từng phàn nàn về sự tiến triển chậm chạp của ngành công nghiệp bốn bánh nội địa trong việc chuyển sang động cơ điện. Còn Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) cho rằng các hãng xe Đức đã không có kế hoạch nghiêm túc cho tương lai.
Frankfurt Motor Show 2017 cho thấy rõ các hãng xe châu Âu đang chậm chân trong cuộc đua phát triển xe điện. |
Tuy nhiên, cả BMW, Mercedes, Audi và Porsche hiểu rằng muốn nhanh chóng đưa xe điện ra thị trường, họ phải ngừng sản xuất ôtô truyền thống - một nguồn lợi nhuận khổng lồ. Xe điện mà các hãng xe Đức bán chỉ mang ý nghĩa bổ sung, chủ yếu dành cho người thu nhập cao.
Tại triển lãm Frankfurt năm nay, các hãng xe Đức mang tới nhiều mẫu xe điện ấn tượng, nhưng phần lớn chỉ dừng ở giai đoạn concept. Trong nhóm xe mới, mẫu xe điện sẵn sàng bán ra thị trường chỉ có BMW i3S. Chiếc xe điện đô thị có một số cải tiến nhỏ so với bản tiêu chuẩn. Xe điện châu Âu muốn vươn lên tầm cao như Tesla 3 vẫn quá xa vời, vì các hãng mới lên kế hoạch đưa ra đối thủ của Model S hoặc Model X vào 2019.
BMW giới thiệu i Vision Dynamics tại triển lãm, nhưng ngày ra mắt có thể tận 2021. Mẫu xe điện của MINI dự kiến xuất hiện vào 2019, và thời điểm BMW tung ra X3 chạy điện là 2020. Mercedes-Benz cho biết, tất cả mẫu xe sản xuất sau 2022 đều sử dụng động cơ điện khí hóa.
Phía Volkswagen công bố, hãng sẽ chi hơn 24 tỷ USD cho mảng xe điện vào 2030. Hãng này dự kiến tung ta 80 mẫu xe điện vào năm 2025. Tại Frankfurt năm nay, Volkswagen mang tới ID Crozz được cho là cạnh tranh với Tesla, nhưng chưa có thông tin chính thức cho tới khi đi vào sản xuất.
Trên sân khấu Frankfurt cùng những ánh đèn sáng rực, Mercedes-Benz hào hứng khen ngợi về tương lai xe điện mà hãng đang theo đuổi. Nhưng tại cuộc họp cùng giới chuyên gia tại trụ sở Stuttgart, "ngôi sao 3 cánh" lo lắng do phải đối diện với một tương lai đầy rẫy những khó khăn. Họ đưa ra thị trường càng nhiều mẫu xe điện, lợi nhuận của công ty càng bị đe dọa.
Mục tiêu lợi nhuận hiện tại của Mercedes-Benz là 10%. "Daimler - tập đoàn sở hữu Mercedes - cảnh báo rằng, việc đẩy mạnh kinh doanh xe điện vào năm 2019 sẽ khiến lợi nhuận giảm 2%", Max Warburton, chuyên gia phân tích của Bernstein Research tham gia cuộc họp cho biết.
Mercedes-Benz đang lo lắng về tương lai theo đuổi xe điện. Ảnh: Motor1. |
"Chi phí nghiên cứu và phát triển đang tăng cao, Mercedes-Benz sẽ xây dựng một vài nhà máy lắp ráp pin, sau đó ra mắt các mẫu xe thuần điện với biên lợi nhuận chỉ bằng một nửa so loại ôtô đang kinh doanh. Họ sẽ bán khoảng 500.000 loại xe này vào năm 2025. Bởi vậy, nếu chuyển hoàn toàn sang xe thuần điện sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn, vì Mercedes-Benz không thực sự biết chắc nhu cầu của khách hàng lúc đó sẽ như thế nào", Max Warburton kể lại bài phát biểu của Daimler.
Do đó, khoảng 75% xe điện của Mercedes-Benz bán ra thị trường sử dụng song song động cơ truyền thống, thay vì mạo hiểm với xe thuần điện. Hãng xe Đức không muốn một cú sốc về tài chính, và luôn cố gắng giữ lợi nhuận ở mức 8-10%.
"Quyết định này giúp lợi nhuận và giá cổ phiếu của Mercedes-Benz ở mức ổn định trong bối cảnh ngành công nghiệp bốn bánh đang có những thay đổi lớn", Arndt Ellinghorst, chuyên gia phân tích của Evercore ISI.
Tại cuộc họp, Daimler còn công bố một kế hoạch cắt giảm chi phí nhằm tiết kiệm số tiền 4,8 tỷ USD hàng năm ở giai đoạn 2024-2025.
"Daimler là tập đoàn đầu tiên tuyên bố rõ ràng về việc xe điện ảnh hưởng tiêu cực thế nào tới lợi nhuận. Và sẽ không phải cuối cùng, bởi rất nhiều thương hiệu khác đang theo đuổi mục tiêu tương tự", Max Warburton nói.