Zing trích dịch bài đăng trên Sixth Tone, đề cập đến hoàn cảnh khó khăn của những người làm việc tự do tại Trung Quốc. Trong số đó, không ít người vẫn chưa được xã hội công nhận và phớt lờ sự cố gắng của họ.
Trong cuốn sách “Work, Without Working” được xuất bản năm 2019, tác giả Lin An đã chia sẻ về cuộc phỏng vấn với 20 bạn trẻ xuất thân từ lực lượng lao động tự làm chủ ở Trung Quốc. Lin chia kinh nghiệm của họ thành bốn loại: freelancer (người làm việc tự do) với các kỹ năng chuyên biệt, nhà khởi nghiệp, chủ công ty và những người làm nhiều công việc cùng một lúc (slash career).
“Mặc dù có sự đa dạng và không đồng nhất, điểm chung của họ là tất cả đều làm việc cho bản thân, không phải cho người khác”, cô viết.
Làm việc tự do dần trở thành lựa chọn phổ biến với thanh thiếu niên Trung Quốc. Ảnh: Unplash. |
Đó là một bức tranh hoàn toàn trái ngược với những ý nghĩa tiêu cực từ lâu đã gắn liền với người làm nghề tự do ở Trung Quốc. Sau khi nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời vào năm 1949, thợ thủ công, nhà thơ, tiểu thuyết gia, họa sĩ và ca sĩ opera được xếp vào các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp nhà nước hoặc đơn vị làm việc khác.
Chẳng hạn, hàng chục thợ thủ công và chủ xưởng tại trung tâm sản xuất gốm sứ Jingdezhen đã được phân bổ vào 10 nhà máy thuộc sở hữu của chính phủ trong những năm 1950-1960.
Freelancer là "vô công rồi nghề"?
Mãi cho đến khi cuộc cải cách kinh tế vào cuối những năm 1970 diễn ra, những người lao động theo hình thức tự chủ mới có quyền quyết định cách họ làm việc. Đây cũng là lúc nền kinh tế tư nhân chính thức được khôi phục và các đơn vị do nhà nước thành lập dần bị giải tán hoặc tái cơ cấu.
Nhưng ngay cả khi đó, họ vẫn thích coi mình là “thợ thủ công” hơn là những người làm việc tự do hoặc tự kinh doanh.
Donglai, một freelancer làm trong lĩnh vực văn học và văn hóa, đã rất vất vả để giải thích cho gia đình hiểu được công việc của mình mặc dù cô có thu nhập khá cao. Một phần nguyên nhân của vấn đề này đến từ khoảng cách thế hệ.
Phụ huynh của nhiều bạn trẻ không hiểu được công việc của con cái. Ảnh: Sixth Tone. |
Cha mẹ cô trưởng thành trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa khi mọi công ăn việc làm đều được nhà nước cung cấp và đảm bảo các phúc lợi. Đối với họ, thật khó để hình dung lối sống của một freelancer, xử lý các công việc tại nhà chứ không phải cơ quan hay văn phòng (danwei: thuật ngữ chỉ đơn vị làm việc được sử dụng phổ biến trong trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chưa phát triển).
Những lời chỉ trích của thế hệ đi trước cũng như phần lớn các bài diễn văn xoay quanh freelancer ở Trung Quốc đều dựa trên định kiến cho rằng con đường sự nghiệp của họ là không ổn định và kém an toàn.
Trái ngược với quan điểm này, thế hệ trẻ ngày nay không còn nhìn nhận như vậy nữa. Trong khi các công ty lớn luôn tận dụng những điểm mạnh của sự ổn định và phúc lợi để thu hút nhân tài thì giờ làm việc khắc nghiệt, phòng làm việc trong 4 bức tường toàn kính, hay văn hóa văn phòng đã làm giảm sức hút của họ đối với giới trẻ xứ Trung.
Cán cân lao động thay đổi
Theo Sixth Tone, nghề tự do hoặc tự kinh doanh được xem là đại diện cho một cách làm việc tiến bộ hơn: linh hoạt, độc lập và có khả năng kiếm thu nhập cao hơn. Làm việc tự do cũng có thể là một cách để thể hiện cá tính của mỗi người.
Một cô gái sống ở thành phố Vũ Hán nói rằng cô tự hào trở thành một nhiếp ảnh gia độc lập. “Điều đó thể hiện rằng tôi khác với những người làm việc cho công ty nhiếp ảnh”, cô nói.
Mặc dù freelance là hợp pháp, những người chọn con đường này vẫn phải đối mặt với câu hỏi hóc búa về tương lai của họ, đặc biệt với các bạn trẻ đến từ vùng kinh tế khó khăn hoặc gia đình bảo thủ.
Vẫn còn nhiều rào cản dành cho những người chọn làm việc tự do. |
Quan niệm quá “màu hồng” của nhiều người trẻ tuổi về cuộc sống tự do chỉ củng cố thêm những yếu tố ngoài lề. Xét cho cùng, việc tự kinh doanh không giúp một người thoát khỏi nỗi lo về thuế và bảo hiểm.
Họ phải tự mình chăm sóc bản thân và đối mặt với thị trường lao động, vốn thường bỏ qua sự tồn tại của họ.
Trong những năm gần đây, tổ chức hỗ trợ freelancer xuất hiện ngày càng nhiều ở Trung Quốc. Tổ chức Self-Employment for Self-Sufficiency, có trụ sở tại thành phố Quảng Châu, được thành lập vào năm 2016, đã khởi xướng nhiều sự kiện thường niên như Freelancers’ Day để giúp đỡ những người làm việc tự do.
Các thành phố lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh đều có các nhóm tương tự với phương châm như “Việc làm không cần làm việc”, “Khám phá những triển vọng khác trong cuộc sống” và “Tự làm chủ để tự cung tự cấp”.
Những sự kiện này đã phần nào thay đổi nhận thức của công chúng về freelancer, giúp họ “thoát mác” làm việc tự do là lười biếng.
Freelancer chật vật ở Trung Quốc
Trở thành một freelancer không đồng nghĩa với việc bạn được tự do 100%. Thay vì bị “rập khuôn” trong giờ hành chính, nhiều freelancer phải nghe điện thoại cả ngày. Họ cần phải làm quen với một lịch trình khắt khe hơn so với công việc truyền thống. Điều này đòi hỏi mức độ kỷ luật cao đối với bản thân, trái ngược với những lầm tưởng về làm việc tự do là “vô kỷ luật” và “nhàn rỗi”.
Chính phủ Trung Quốc vẫn đang cân nhắc những kế hoạch trong tương lai khi số lượng freelancer ngày càng tăng. Với các nhà lập pháp, freelancer đại diện cho một giai tầng mới chưa được tích hợp hoàn toàn vào hệ thống quản trị xã hội của quốc gia này.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn còn thiếu sự phân loại rõ ràng và tiêu chuẩn dành cho freelancer. Họ thường dùng một loạt các tên gọi để chỉ đối tượng này như “người làm nghề tự do”, “người làm việc linh hoạt” hoặc thậm chí là “người thất nghiệp”.
Không có thuật ngữ nào trong số này nắm bắt được đầy đủ các đặc điểm nghề nghiệp của tầng lớp mới nổi này.
Freelancer thường bị hiểu nhầm hoặc không được công nhận. |
Với tốc độ phát triển của nền kinh tế nền tảng (platform economy) và sự thúc đẩy của các doanh nghiệp trên toàn thế giới, nhiều công ty đã thử nghiệm áp dụng môi trường làm việc linh hoạt dưới cái bóng của Covid-19.
Trong thời đại ngày này, tự làm chủ hay phải hợp tác với freelancer là việc không tránh né được. Nó có thể bất ngờ xảy ra vào một thời điểm nào đó trong sự nghiệp của mỗi cá nhân.
Thay vì đối xử không công bằng với người làm nghề tự do hoặc coi họ là những cá thể thích suy nghĩ tự do, độc lạ, các nhà hoạch định chính sách nên nhìn nhận họ một cách trung lập và phân tích kỹ lưỡng. Dù là “kẻ thất bại” hay “tâm hồn tự do”, họ chỉ đơn giản là những người làm việc cho bản thân. Họ xứng đáng có được cơ hội như những người khác.