Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Freelancer nhận lương gấp 8 nhưng mệt mỏi hơn so với làm văn phòng

Với nhiều người trẻ chuyển từ công việc 8 tiếng/ngày sang làm tự do, chạm đến mức thu nhập cao không hề dễ dàng. Đó là sự đánh đổi về thời gian, sức khỏe và mối quan hệ xung quanh.

Nhiều người nghỉ việc văn phòng chuyển sang làm freelancer vì mong muốn có sự tự do và gia tăng thu nhập. Ảnh: Pexels.

Sau 2-3 tháng nghỉ ngang công việc văn phòng để làm tự do, Hạ Lam (26 tuổi), hiện sống tại TP.HCM, nhanh chóng “quay xe”, rải hồ sơ xin việc và đi phỏng vấn trở lại.

“Tôi luôn đặt mục tiêu tài chính lên hàng đầu. Bởi vậy, khi khởi điểm làm freelance content (viết nội dung) với mức thu nhập 1,5-3 triệu đồng/tháng, tôi cảm thấy quá bấp bênh”, cô giải thích.

Tuy nhiên, khi có cơ hội đi làm 8 tiếng/ngày như trước, Lam càng chắc chắn mình không thích môi trường công sở gò bó. Cô cho rằng cố ép bản thân cũng không ích gì.

Ở lần thứ 2 chọn con đường freelancer, Lam quyết định chi tiền mua khóa học, đọc nhiều sách và học hỏi mọi người để nâng cao kỹ năng. Từ những bài viết đầu tiên được trả 30.000-40.000 đồng, cô dần nâng lên 70.000 đồng và hơn nữa.

Sau khoảng 5-6 tháng, thu nhập của Lam tăng lên 6-7 triệu đồng, rồi dần gấp đôi, gấp 3, có tháng gấp 4 lần so với mức lương 11-12 triệu đồng khi còn làm văn phòng.

“Tất nhiên, đó là sự đánh đổi. Nếu làm văn phòng 8 tiếng/ngày thì freelancer có khi phải làm tới 15-16 tiếng. Tôi thường xuyên thức khuya, mắt thâm đen và mệt mỏi vì giải quyết lượng công việc lớn hơn”, cô nói.

Thực tế, thu nhập tăng đồng nghĩa với áp lực nhiều thêm và sức khỏe suy giảm là điều xảy đến với nhiều người trẻ chuyển từ công việc “9-to-5” sang làm freelancer.

Chi tiêu thoải mái hơn

Khi thu nhập tăng lên, cách chi tiêu của Lam cũng trở nên thoáng hơn.

“Ngày trước, tôi không dám tiêu xài, không có tiền cho gia đình. Sau 2 năm làm freelancer, tôi trả hết nợ sinh viên, gửi tiền cho ba mẹ hàng tháng, tự lo cưới hỏi, không phiền người thân. Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm, giải trí, du lịch cũng tăng lên”, cô kể.

Tuy nhiên, Lam không cho phép bản thân “vung tay quá trán”. Mục tiêu của cô là tích lũy tài chính vì không có ý định làm freelancer lâu dài.

Mỗi tháng, Lam dành 50-60% thu nhập để gửi ngân hàng, còn lại chi tiêu vào hoạt động khác. Cô dự định mua khóa học để quản lý tài chính khoa học hơn.

Thu nhap cua freelancer anh 1

Làm thế nào để gia tăng thu nhập là bài toán khó với nhiều freelancer. Ảnh: Pexels.

Đến giai đoạn cảm thấy đủ về tài chính, Lam sẽ chuyển sang kinh doanh hoặc có hoạt động riêng thay vì bỏ sức lao động và thời gian quá nhiều như hiện tại.

“Tôi sẽ làm freelancer thêm khoảng 2 năm nữa chứ không có ý định đi đường dài vì sức khỏe báo động, chỉ lo xoay xở kiếm tiền. Khi dư dả chút ít, tôi sẽ nghĩ đến việc sống thoải mái, không cày cuốc nữa”.

Khi còn làm nhân viên văn phòng với mức lương 8 triệu đồng, Hoài Thịnh (24 tuổi, TP.HCM) chỉ nỗ lực leo lên vị trí cao hơn. Tuy nhiên, khi tìm hiểu và theo đuổi kế hoạch nghỉ hưu sớm, cô thay đổi suy nghĩ và hành động.

Trong vòng một năm, Thịnh áp dụng lộ trình 3-3-3-3 do mình tự thiết kế.

Thu nhap cua freelancer anh 2

Hoài Thịnh nhân 8 thu nhập sau một năm tập trung học hỏi và xây dựng thương hiệu cá nhân. Ảnh: Hải Anh.

3 tháng đầu, cô gái 24 tuổi chỉ học và đọc. Cô vừa làm content full-time ở một tập đoàn, vừa tập trung đọc sách và học hỏi kiến thức chuyên môn từ người đi trước. Bên cạnh đó, cô tìm tòi về mạng xã hội và nâng cao khả năng tư duy logic.

3 tháng tiếp theo, Thịnh bắt đầu nhận thêm việc freelance để áp dụng những kiến thức bản thân tiếp cận được.

3 tháng sau nữa, nhờ nắm vững kiến thức, nỗ lực làm việc và liên tục nâng cao kiến thức, Thịnh yêu cầu tăng lương ở các công việc hiện tại. Cô cũng xây dựng thương hiệu cá nhân và có lượng người biết đến nhất định.

3 tháng cuối, Thịnh chia sẻ nhiều hơn về công việc trên nhiều kênh và có thêm job. Cô được mời vào vị trí trưởng nhóm marketing của agency nhỏ, đồng sáng lập một dự án tư vấn và đào tạo, đồng thời tăng thu nhập nhanh chóng thông qua các tính năng của mạng xã hội.

“Hơn một năm cố gắng, mức thu nhập của tôi tăng gấp 8 lần, đạt mốc hơn 50 triệu đồng. Thời điểm đó là một tháng sau khi tôi nghỉ công việc chính để làm tự do. Với những thay đổi đó, tôi nghĩ bản thân có thể đạt được mục tiêu nghỉ hưu trước 45 tuổi”.

Nhưng để chạm đến mức thu nhập này, Thịnh thừa nhận bản thân phải đánh đổi sức khỏe, sự khúc mắc trong quan hệ vợ chồng, không có nhiều thời gian cho gia đình, luôn trong tình trạng bận rộn.

Sau đó, Thịnh quyết định giảm tải để cân bằng công việc - cuộc sống. Thay vì làm nhiều việc bằng cách tăng số lượng job như nhiều người vẫn làm, cô nâng giá và chủ động lựa chọn đối tác làm việc.

Khi thu nhập tốt hơn, thói quen chi tiêu của Thịnh cũng tăng lên. Tuy nhiên, cô cố gắng phân chia gửi tiết kiệm gồm hỗ trợ bố mẹ, phòng khi con nhỏ ốm đau, tiết kiệm với mục tiêu FIRE (Tự do tài chính và nghỉ hưu sớm) thường rơi vào 2-3%.

Không màu hồng

Xuất phát điểm là dân văn phòng trong ngành du lịch, công việc của Đường Bảo Nhi (25 tuổi, TP.HCM) đứng yên khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Khoảng thời gian phải nghỉ không lương, cô biết đến công việc freelancer và tiếp cận nhiều hơn với các phương pháp kiếm tiền online.

Nhi bắt đầu chăm chút các kênh mạng xã hội để xây dựng thương hiệu cá nhân. Sau khoảng 2 tháng vừa học, vừa làm cho chính mình, cô có được khách hàng đầu tiên. Tiếp đó, cô nhận thêm các dự án làm remote (từ xa) dài hạn.

Thu nhap cua freelancer anh 3

Theo Bảo Nhi, hiện nay, nhiều bạn trẻ “thần tượng hóa” công việc freelance và khiến nó trở thành “công việc trong mơ”. Ảnh: NVCC.

Lúc này, Nhi mới hình dung rõ tính chất công việc của người làm việc tự do, rồi biết đến khái niệm “permalancer” (người làm việc lâu dài với một hoặc nhiều tổ chức, có thu nhập ổn định hàng tháng mà không cần dành quá nhiều thời gian ở văn phòng).

Nhi cho rằng mình nằm giữa “freelancer” và “permalancer”.

Ngoài được tự do về thời gian và địa điểm làm việc, thu nhập của cô cũng trên đà tăng lên.

“Hơn một năm qua, thu nhập của tôi tăng gấp 2-3 lần, có tháng nhân 8 so với với lương văn phòng trước đó. Hiện tại, tôi vẫn duy trì ở mức 8 con số”.

Để quản lý tài chính, Nhi tích lũy và đầu tư vào tài sản hơn là chi tiêu vào tiêu sản. Cô tập sống tối giản hơn, giảm tối thiểu mức tiêu xài cho tiêu sản dù thu nhập tăng hơn trước đó nhiều lần.

Hiện tại, sau khi trừ ra chi phí cố định hàng tháng, Nhi dành 80% phần còn lại vào tích lũy và đầu tư, 20% cho những nhu cầu phát sinh khác.

“Về mục tiêu lớn hơn, trước năm 30 tuổi, tôi kỳ vọng đạt thu nhập ở mức 9 con số”, cô tiết lộ.

Theo Nhi, lầm tưởng về thu nhập của người chuyển từ nhân viên văn phòng sang freelancer là sự tự chủ về thu nhập.

“Đối với tôi, freelancer chỉ làm chủ thu nhập sau khi làm chủ được bản thân và công việc. Vì tính chất tự do, công việc sẽ có thể ngưng, hoãn, kết thúc bất cứ lúc nào chỉ qua vài dòng tin nhắn hay thông báo kết thúc hợp đồng sớm hơn dự kiến. Để theo đuổi lối sống làm việc tự do này, freelancer bắt buộc phải nâng cấp bản thân từng ngày để mức thu nhập cũng từ đó mà duy trì, gia tăng theo”, cô nói.

Hoài Thịnh đồng tình rằng không phải ai chuyển từ công việc “9-to-5” sang freelancer cũng đều ổn. Thực tế, nhiều người vật vã vì thu nhập thấp, bấp bênh dẫn đến việc “quay xe” trở lại văn phòng.

“Chính những bài viết như ‘gấp mấy lần thu nhập sau khi bỏ việc văn phòng’, các bài PR để bán khóa học xây kênh mạng xã hội,... khiến một số người bị FOMO (hội chứng sợ bị bỏ lỡ) rồi có cái nhìn khá ‘màu hồng’ về freelancer. Trong khi thực tế, để có thể sống ổn khi làm tự do, bên cạnh khả năng chốt job, tìm job thì cần vững chuyên môn, kỹ năng mềm, mức độ uy tín cá nhân”, cô nói.

Từng làm văn phòng, hybrid (làm việc kết hợp) cho tới freelancer, Thịnh cho biết kiểu nào cũng có ưu điểm riêng, điều quan trọng là bản thân có thực sự tìm kiếm được niềm cảm hứng trong công việc hay không.

Thu nhap cua freelancer anh 4

Theo Hoài Thịnh, freelancer suy cho cùng cũng là đi làm thuê, không hề có màu hồng nên bớt mơ tưởng lại. Ảnh: Pexels.

Với Hạ Lam, người chuyển từ làm 8 tiếng/ngày sang freelancer rất cần sự kiên trì.

“Ban đầu, bên cạnh thu nhập bấp bênh và thời gian làm việc tăng lên, tác động từ gia đình và bạn bè dễ khiến mọi người luôn ở trong trạng thái phân vân nên tiếp tục làm freelancer hay không. Nếu không vượt qua được giai đoạn đấu tranh đó, họ dễ bỏ về làm văn phòng trở lại”, cô nói.

Bên cạnh đó, khoản dự phòng đủ cho 6 tháng đến một năm cũng rất cần thiết. Bởi trong giai đoạn đầu, thu nhập chưa thể bằng ngay mức thu nhập văn phòng, có khi bằng 0, tùy thuộc độ may mắn và khả năng của từng người.

“Đừng xem freelancer là trào lưu mà phải chạy theo người này, người kia. Quan trọng là bản thân thấy phù hợp. Thu nhập của freelancer quan trọng về năng lực, không phải vị trí hay thâm niên. Khi đã có thương hiệu cá nhân, nên tìm kiếm người phù hợp để lập nhóm san sẻ công việc, giảm tải thời gian làm việc. Đó cũng là điều tôi đang hướng tới”, Lam kết luận.

Freelancer tự do nhưng cũng phải tự lo

Chỉ sau một thời gian ngắn làm công việc tự do, Trịnh Khôi thấy mọi kỳ vọng tan biến vì nghề khắc nghiệt hơn mình tưởng. Anh phải tạm dừng 2 năm cho đến khi tự tin hơn để trở lại.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm