Khi bắt đầu làm các công việc freelance vào năm 2018, Trịnh Khôi (25 tuổi, TP.HCM) bị mê hoặc bởi những lời ca tụng về sự tự do, thu nhập cao, tự do tài chính.
Tuy nhiên, chỉ khoảng một tháng, anh thấy mọi thứ khó khăn.
“Ban đầu, mình kỳ vọng rất nhiều về mức thu nhập có thể đạt được để ổn định cuộc sống. Nhưng thực tế, mình nhanh chóng vỡ mộng vì bị khách hàng ép giá, không thể cạnh tranh với những người làm freelancer khác do không có mối quan hệ cũng như thương hiệu cá nhân”, chàng trai nói với Zing.
Năm 2019, Khôi phải tạm dừng con đường freelance. Anh quay trở lại vào đầu năm 2021, khi đã tự tin hơn về quy trình, nhân lực, mối quan hệ.
Hiện tại, Khôi dẫn dắt nhóm 3 người chuyên về lĩnh vực content (nội dung) và làm khối lượng công việc của 10 cá nhân cộng lại.
Khôi không phải người duy nhất vỡ mộng khi làm freelancer. Theo anh, đây là điều sẽ xuất hiện với đa sống người dấn thân vào con đường này.
Không hề dễ dàng
Với Khôi, nghề freelancer có nhiều góc tối vì càng tiềm năng thì thử thách càng lớn.
“Thực chất, tự do là phải tự lo”, anh mô tả.
Lý do khiến Khôi tiếp tục gắn bó với công việc này là cơ hội trong lĩnh vực mà anh đang hoạt động khi nhu cầu rất lớn nhưng nguồn cung freelancer thật sự chất lượng còn chưa nhiều.
Trịnh Khôi phải tạm dừng công việc freelance trong 2 năm để có sự chuẩn bị kỹ hơn về nhiều mặt. |
Tháng 3 năm nay, Huyền Trang (23 tuổi), hiện là giáo viên tự do và người sáng tạo nội dung, chuyển sang làm freelance sau khi nghỉ việc văn phòng.
“Thật ra, mình chưa hiểu biết nhiều về nghề freelancer. Một phần lúc đó, mình chán cảnh sáng nào cũng thức dậy, bon chen trên đường phố để đến công ty ngồi làm việc. Mình cảm thấy cần khoảng thời gian để refresh lại bản thân. Cùng với đó, gia đình có một số biến động, việc làm freelance giúp mình có nhiều thời gian lo liệu hơn”, cô cho biết.
Theo Trang, công việc này có cái hay là chủ động về thời gian. Ngày trước làm văn phòng, việc ngủ đến 9h là điều xa xỉ, còn khi làm freelancer, cô có thể chọn khung giờ làm việc và thay đổi linh hoạt. Nhờ đó, cô có nhiều chuyến đi trải nghiệm hay dễ dàng về thăm gia đình.
Cuối tháng 9, Trang quyết định dọn về quê sinh sống. Trong thời gian chuyển giao này, cô vẫn duy trì được công việc và nguồn thu nhập.
“Làm việc freelance mang đến cho mình làn gió mới. Mình cảm thấy thoải mái hơn, học thêm nhiều kỹ năng mới mà công việc yêu cầu. Mình cũng học được cách quản lý thời gian hiệu quả”, cô nói
Tuy nhiên, Trang cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có sự phản đối từ gia đình. Với bố mẹ cô, việc làm tự do đi ngược lại quan niệm truyền thống về thành công.
Khi mọi người hỏi đến, Trang cũng khó giải thích bản thân đang làm gì. Vì vậy, trong mắt họ, cô là người lông bông, không chức vị, không thuộc về công ty hay tổ chức nào.
Làm freelancer cũng không dễ như Trang tưởng. Nhiều lúc, cô hoang mang về lựa chọn này.
Huyền Trang từng trải qua cảm giác vỡ mộng, mất phương hướng khi làm freelancer. |
Thứ nhất, Trang không kỷ luật như mình tự đánh giá. Trước khi làm freelance, cô tưởng tượng ra cảnh sáng dậy sớm uống ly cà phê, tối làm việc đến tận khuya. Thực tế, khi không có ai giám sát và nhắc nhở, cô rơi vào trạng thái thả lỏng, ăn uống, nghỉ ngơi không theo giờ giấc, làm việc theo tâm trạng.
Có những ngày chán nản, Trang không làm gì và thường tốn thời gian lướt mạng xã hội. Điều đó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cô.
Thứ hai, Trang thấy làm freelance khá buồn, nhất là với người hướng ngoại, thích giao lưu. Hơn nữa, không ai thấy cô cố gắng thế nào, mà bản thân phải tự khích lệ để tiếp tục làm việc.
Tiếp đó, Trang phải chủ động rất nhiều, từ quản lý thời gian, tìm kiếm và làm việc với khách hàng, quản lý chất lượng công việc đến tìm tòi học hỏi kỹ năng mới. Không ai giao nhiệm vụ hay cầm tay chỉ việc nên đôi khi, cô mất phương hướng dẫn đến chán nản và nghi ngờ về bản thân.
Nhìn ra bên ngoài, bạn bè đi làm công ty vừa vui, vừa có thăng tiến hay thành tựu, Trang lại cảm thấy áp lực đồng trang lứa.
Vấn đề lớn nhất là tài chính. Làm freelance, Trang không tốn kém chi phí xăng xe, trang phục đi làm, đồ makeup vì chủ yếu làm việc tại nhà. Đổi lại, cô có thu nhập không ổn định.
Thời gian đầu, thu nhập của Trang chưa đến 5 triệu đồng/tháng, rất khó khăn để duy trì cuộc sống ở thành phố lớn. Việc kiếm hàng chục hay hàng trăm triệu đồng như những bài viết trên mạng không phải ai cũng làm được.
“Sau hơn 6 tháng làm freelancer, thu nhập của mình cao hơn so với công việc ‘9-to-5’ trước đây, có thể chi trả các khoản sinh hoạt phí nhưng chưa đạt được mức mình mong muốn. Có lẽ mình chưa biết cách hoặc cần thêm thời gian. Mình vẫn đang cố gắng tăng thu nhập”, cô cho biết.
Chuẩn bị thật kỹ
Trong 4 năm làm freelancer mảng sáng tạo nội dung, Nguyệt Digi (TP.HCM) cũng nhiều lần rơi vào cảnh vỡ mộng.
Về thu nhập, cô từng nghĩ “làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít” nhưng thực tế, việc tìm job không hề dễ dàng khi chưa có kinh nghiệm.
Tiếp đó, thời gian và không gian làm việc không tự do như Nguyệt Digi vẫn tưởng. Khi làm cho agency, cô phải ngồi máy tính cả cuối tuần hoặc tới 1-2h sáng.
Khi chuyển sang làm freelance business, tức dùng kỹ năng để sáng tạo và kinh doanh sản phẩm số (ebook, biểu mẫu hướng dẫn, chương trình tư vấn 1-1,...), Nguyệt Digi lại có sự vỡ mộng khác. Đó là tạo ra sản phẩm số khá đơn giản, nhưng việc xây dựng thương hiệu cá nhân đủ mạnh để có thể kinh doanh và mang về doanh thu tốt lại là chuyện khác.
Điều này đòi hỏi cô phải học thêm nhiều kiến thức về kinh doanh, truyền thông, tiếp thị.
Nguyệt Digi hiện theo đuổi lối sống digital nomad (du mục kỹ thuật số) khi vừa đi du lịch, vừa làm việc, tự chủ công việc và tài chính. |
Với Nguyệt Digi, bắt đầu công việc freelance không khó, nhưng để theo đuổi được lâu dài cần nhiều yếu tố.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là tự kỷ luật bản thân. Người làm freelance phải tự giám sát thời gian biểu và công việc của mình. Nếu lười biếng, họ sẽ bị thả trôi, trễ deadline, không đạt KPI, không kiếm đủ khách hàng dẫn đến thu nhập thấp.
Tiếp theo, kỹ năng tự học là yếu tố tiên quyết. Nguyệt Digi cho rằng freelancer chỉ nên chi tiền cho các khóa học bên ngoài khi đã tự tìm hiểu đủ nhiều nhưng chưa làm được và cần người hỗ trợ, đồng hành. Ngoài ra, không nên ôm đồm học quá nhiều kỹ năng cùng một lượt dẫn đến hiệu quả thấp.
Freelancer cũng cần có sự chủ động trong công việc, tiếp cận khách hàng, tạo ra sản phẩm, dịch vụ, thiết kế quy trình làm việc giữa mình với khách hàng và đối tác.
Khi có những yếu tố như vậy, bước tiến trong công việc tự do mới dài và xa.
Hiện tại, Nguyệt Digi nhận thấy không ít người ôm mộng quá nhiều về công việc freelance. Để không vỡ mộng, cô cho rằng mọi người nên nhìn cả vào mặt trái của nghề, chuẩn bị tài chính có thể lo liệu trong 6 tháng đến một năm không tạo ra thu nhập.
“Mọi người nên trau dồi ở môi trường công sở vì sẽ học được các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. Trải nghiệm thực tế đôi khi sẽ trở thành chất liệu tốt để chuyển sang công việc freelancer”, cô cho biết.
Các bước để trở thành freelancer, theo kinh nghiệm cá nhân của Nguyệt Digi, là xác định kỹ năng chuyên môn; tìm hiểu thị trường đang có nhu cầu ở mảng này không; học hỏi từ trang web, theo dõi những người đi trước;... Tất cả nên được thực hiện trong thời gian ngắn, có thể là một tháng. Sau khi tìm công việc, mọi người có thể vừa làm, vừa đào sâu học hỏi thêm từ chính khách hàng của mình.
Cũng là người từng mơ mộng về nghề freelancer, Huyền Trang cho rằng các bài viết trên mạng xã hội cung cấp thông tin, nhưng đôi khi được phục vụ cho mục đích của người viết như bán khóa học, thu hút người theo dõi,… Do đó, mọi người nên tỉnh táo và chuẩn bị kỹ cả về kỹ năng lẫn tinh thần để đón nhận những mặt tốt và mặt trái của công việc này.
“Hãy tìm cho mình lý do đủ lớn để bắt đầu. Đặc biệt, nếu có thể, nên làm song song 2 công việc đến khi nguồn thu có thể trang trải cho các nhu cầu sống hiện tại mới cân nhắc nghỉ việc ‘9-to-5’ để tránh rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Điều rất quan trọng là sự kỷ luật, kiên trì và nhất quán”, cô nói.
Để tránh bị vỡ mộng khi chọn con đường freelancer, người lao động nên chuẩn bị nhiều thứ như chuyên môn, kỹ năng tự học, sự kỷ luật bản thân, mở rộng mối quan hệ. Ảnh: Phương Lâm. |
Hiện tại, Trịnh Khôi được nhiều người kết nối với mong muốn trở thành freelancer để có được sự tự do và giàu có. Bản thân từng suy nghĩ như vậy nên anh hy vọng mọi người thoát được “cái bẫy” của sự tự do và thu nhập.
Lúc này, Khôi sẽ đặt ra 5 câu hỏi: “Chuyên môn của bạn đang ở mức nào?”, “Bạn đã có sẵn quy trình khi làm việc với khách hàng chưa?”, “Bạn đã có quỹ dự phòng trường hợp 6 tháng không có thu nhập chưa?”, “Bạn có sẵn sàng bị khách hàng gọi dậy lúc nửa đêm hay gặp những khách hàng oái oăm phải giữ được cái đầu lạnh chưa?”, “Bạn đã biết cách quản lý tài chính cá nhân chưa?”.
Theo anh, khi đã trả lời được hết, phần lớn sẽ thôi mơ mộng và nếu còn muốn tiếp tục, họ có thể được xem là đã sẵn sàng bước vào nghề “tự do là tự lo” này.
Ngoài sự chuẩn bị về chuyên môn, Khôi cho rằng mọi người nên có tinh thần sẵn sàng nhận job khó để học hỏi, mở rộng vòng quan hệ, quản lý thời gian và tài chính cá nhân, quy trình.
“Khi thu nhập tăng, đừng ngại chi tiền để kiếm thêm người về nhóm, bỏ một kiếm 10 và đừng bao giờ tiếc, ôm hết tất cả. Ngoài ra, mọi người cũng nên tập trung xây dựng thương hiệu cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội vì càng phủ sóng thương hiệu, khách hàng cũng như cơ hội sẽ đến rất nhiều”, anh nói.