Nguyễn Thị Huyền Trang, hiện là freelancer tại Hà Nội, tham gia vào thị trường lao động được gần 4 năm. Cô trải qua các hình thức làm việc khác nhau như thời vụ, bán thời gian, toàn thời gian, tự do, từ xa và onsite (làm việc trực tiếp cho khách hàng).
Ở vị trí nhân viên toàn thời gian, Trang có 3 lần nhảy việc. Có nơi cô làm dưới 3 tháng, có vị trí là một năm hay có công việc đã gắn bó gần 4 năm.
Vài thời điểm, Trang làm nhiều công việc cùng lúc. Ngoài thời gian cống hiến ở công ty, cô làm thêm để tăng nguồn thu nhập và kinh nghiệm. Điều đó cũng giúp cô học cách sử dụng và quản lý thời gian hiệu quả hơn.
Huyền Trang chuyển đổi khi công việc không được như kỳ vọng. |
Bên cạnh lý do như điều kiện bản thân không cho phép và tác động của dịch Covid-19, Trang cho biết cô thay đổi công việc khi môi trường không còn phù hợp với kỳ vọng của bản thân.
Từ giữa năm 2021, nhiều người lao động trên thế giới có ý định nghỉ việc ngay cả khi tình trạng thất nghiệp leo thang.
Khảo sát nguồn nhân lực của Anphabe cuối năm ngoái cũng cảnh báo làn sóng này đã lan tới Việt Nam khi tỷ lệ người đi làm tìm kiếm công việc mới trong 6 tháng gần nhất là 58%.
Bước sang năm 2022, đặc biệt là sau quý I, tỷ lệ nghỉ việc được ghi nhận tại các doanh nghiệp là cao nhất so với 3 năm trở lại đây. Đáng chú ý, người lao động càng trẻ thì tỷ lệ này càng cao (36%).
Theo khảo sát, mức độ gắn kết của người lao động Việt Nam với doanh nghiệp thấp chưa từng có, với chỉ 35% người được hỏi cho biết “Tôi thấy tương lai của mình ở đây”, 42% chọn “Tôi thấy vui và hứng khởi khi đi làm” và 42% thừa nhận “Tôi có đủ năng lượng và tinh thần để làm tốt công việc”.
Sẵn sàng thay đổi
Khi chọn công ty, Trang cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, môi trường làm việc và cơ hội phát triển bản thân rất quan trọng.
Thời gian đầu nhận việc, Trang dồn nhiều tâm sức để bắt kịp và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sau đó, khi vòng quay công việc lặp lại, cô không thấy cơ hội đột phá và nếu tiếp tục, bản thân vẫn sẽ làm tốt nhưng chỉ dừng lại ở mức độ nhất định.
“Với mình, vẫn làm công việc hiện tại khi không có động lực là thiệt hại cho cả bản thân và công ty”, cô nói.
Ngoài ra, có vị trí sau khi làm được vài tháng, Trang nhận thấy công việc và môi trường không giống như những gì nhà tuyển dụng thông báo ban đầu. Giống như ứng viên cố làm CV trở nên thu hút, một số nhà tuyển dụng vẽ ra bức tranh đẹp hơn thực tế để chiêu mộ người lao động. Và chỉ khi bắt tay vào việc, họ mới có cái nhìn chính xác.
Với công ty như vậy, Trang chủ động xin nghỉ để tránh mất thời gian của đôi bên.
Cố gắng bám trụ với công việc hiện tại khi không có động lực làm việc là thiệt hại cho cả bản thân và công ty. Ảnh: Shutterstock. |
Trang cho rằng sau một thời gian, công việc nào cũng sẽ có những yêu cầu mới. Do đó, người lao động nên chủ động thay đổi để đáp ứng thay vì giậm chân tại chỗ.
Đặc biệt với nhân sự chịu khó học hỏi và cầu tiến, làm mãi một công việc với mức lương cũ dù năng lực tăng nhanh và mối quan hệ mở rộng là tự bạc đãi bản thân.
Theo Trang, nếu môi trường hiện tại không có chính sách tăng lương, đào tạo, phát triển nhân tài hoặc đãi ngộ chưa đúng với mức kỳ vọng, việc tìm vùng trời mới để vùng vẫy là điều nên làm.
“Công việc không nên vừa sức mà cần có thử thách. Nếu cứ lặp lại máy móc, mình có cảm giác được lập trình để làm việc. Sau 2-3 năm công việc vẫn thế, không có thêm điều mới hay đòi hỏi như mình mong muốn thì nên cân nhắc chuyển việc. Tuy nhiên, cần chắc chắn là mình đã nỗ lực để đóng góp cho sự thay đổi tích cực”, cô nói.
Thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng dám thay đổi công việc giúp tăng cơ hội phát triển kỹ năng và có mức lương cao hơn.
Theo Fast Company, những người giậm chân tại chỗ lâu hơn 2 năm được trả mức lương thấp hơn 50%. Trong khi đó, nhân sự thích nghi với sự thay đổi được cho có cơ hội học tập cao hơn và hiệu suất tốt hơn.
Penelope Trunk, doanh nhân và tác giả người Mỹ, cho rằng nếu người lao động không có bất cứ sự thay đổi khoảng 3 năm/lần có nghĩa là họ không hề phát triển kỹ năng và không có sự ổn định nào.
Theo bà, sự thay đổi ở đây không có nghĩa là phải nhảy công ty liên tục, mà còn là nhận thêm việc, thay đổi mảng đang làm, đào tạo thêm nhân viên mới hoặc có sếp mới.
Luôn nâng cấp bản thân
Trao đổi với Zing, ông Bùi Đoàn Chung, Founder Nghề Nhân sự Việt Nam, nhận định thực tế, cứ khoảng 2-3 năm, công việc sẽ có những thay đổi và đòi hỏi mới dù là những công việc đơn giản nhất.
Nhiều người chỉ làm việc từ khoảng 2 năm sẽ chủ động tìm cơ hội mới, ở doanh nghiệp mới. Đó không phải là nhảy việc nhiều mà do công việc hiện tại, họ cảm thấy chưa đủ sức hấp dẫn hoặc học hỏi được thêm những kỹ năng, kiến thức mới.
“Cứ sau khoảng 2-3 năm, người lao động nên tìm cơ hội để được đánh giá lại năng lực, giá trị sức lao động của bản thân, chuẩn bị cho những bước tiến kế tiếp, kể cả đi phỏng vấn tìm việc để điều tra và nhận những phản hồi từ thực tế. Nếu thị trường có nhiều yêu cầu khác biệt và đòi hỏi cao hơn, họ nên bắt đầu học lại, làm lại một cách chỉn chu và kỹ lưỡng hơn trước khi thay đổi công việc”, ông nói.
Ông Bùi Đoàn Chung đánh giá tình trạng “thất nghiệp” khi đang làm việc xảy ra khi người lao động không chịu khó phát triển bản thân. |
Trái lại, theo ông Chung, một số người trong suốt thời gian dài chỉ làm một công việc, lặp đi lặp lại theo tần suất không thay đổi, không áp lực, không biến động.
Họ chỉ đi làm đủ 8 tiếng/ngày, không học thêm, không tham gia bất kỳ nhóm chuyên môn nào khác, ngoại ngữ cũng không biết, không cập nhật, kỹ năng tin học dừng lại ở mức cơ bản, thậm chí ít dùng email.
Tất cả có thể dẫn đến tình trạng chán nản vì lương thấp, không có cơ hội mới và than thở, muốn nghỉ việc.
Tuy nhiên, sau vài lần đi phỏng vấn tìm việc, những người này bị “đánh” cho tơi tả vì thị trường lao động đã khác rất nhiều. Thậm chí, có người không dám đi tìm việc mới vì khi đọc mô tả công việc nơi đâu cũng đòi hỏi tiếng Anh, kỹ năng mềm, những bước tiến nghề nghiệp.
“Lúc đó, họ mới nhận ra mình đã bị thị trường lao động đào thải và chính thức thất nghiệp ngay cả khi đang còn làm việc. Muốn trở lại quỹ đạo của sự phát triển, họ phải nỗ lực hơn rất nhiều và kể cả việc thay đổi chính mình”, ông bày tỏ.
Do vậy, ông Chung cho rằng người lao động nên không ngừng học hỏi và nỗ lực, có thể là nhận thêm công việc mới để làm, tham gia các khóa học bên ngoài để nâng cao nghiệp vụ, kiến thức, tham gia các đội nhóm ngành nghề để cập nhật thêm kiến thức mới và mở rộng mối quan hệ.
Cuối cùng, Founder Nghề Nhân sự Việt Nam nhấn mạnh: “Kinh nghiệm không chỉ là số năm đi làm, mà còn là sự đa dạng trong trải nghiệm nghề nghiệp và sự phát triển năng lực cá nhân tương ứng. Đó mới là những điều giá trị mà thị trường lao động đang cần”.
Dám thay đổi công việc giúp tăng cơ hội phát triển kỹ năng và có mức lương cao hơn. Ảnh: Vecteezy. |
Huyền Trang rất sợ việc bị bỏ lại phía sau. Do đó, cô luôn tập trung nâng cao khả năng ngôn ngữ, kiến thức chuyên ngành và xã hội bằng cách tìm kiếm, tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn như sách báo, đăng ký khóa học và học hỏi từ người đi trước.
“Mình thường dành 2 tiếng/ngày để học hoặc tìm hiểu thêm. Trong kế hoạch chi tiêu, mình dành ra khoản riêng để phát triển bản thân, con số không quá lớn, linh hoạt theo từng thời điểm”, cô nói.
Trang cho rằng thay đổi công việc nhiều có thể là điểm bất lợi khi ứng tuyển vị trí mới. Do đó, nhiều người dù không còn phù hợp với công việc hiện tại vẫn ngại thay đổi hoặc cố đợi 1-2 năm xem có tín hiệu tích cực nào không. Nhưng thực tế, việc đó tốn thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và làm chậm tốc độ phát triển.
“Mình không sợ câu hỏi tại sao em nhảy việc nhiều cũng không xét thời gian cố định cho một vị trí là 1-5 năm. Thay đổi việc nhanh, nhiều với công ty là tốn kém và với người lao động cũng rất mệt mỏi. Do đó, mình nghĩ khi đưa ra quyết định tiếp tục hay tìm công việc mới cần cân nhắc chi phí cơ hội, đánh giá nhiều chiều trong đó có đánh giá giá trị bản thân và môi trường làm việc”, cô nói.