Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vợ Việt, chồng Canada đưa con đi phượt qua 30 quốc gia

10 năm bên nhau, chị Thêu - anh Maxime xê dịch khắp nơi trong và ngoài nước nhưng với họ, phượt bằng xe máy ở Việt Nam vẫn là trải nghiệm thú vị nhất.

“Gia đình phượt” là cái tên gắn liền với vợ chồng chị Nguyễn Thị Thêu (TP.HCM), anh Maxime Godin-Murphy (quốc tịch Canada) cùng con gái 7 và 2 tuổi.

Đúng như tên gọi, cả nhà đều thích xê dịch, đặc biệt là 2 thành viên nhỏ tuổi. Chỉ cần ngưng vài tuần, các bé lại hỏi bố mẹ bao giờ được đi tiếp.

“Trước dịch, khi chưa có bé nhỏ, gia đình mình đặt chân tới khoảng 30 quốc gia. Mình thấy việc xê dịch không ảnh hưởng đến công việc của bố mẹ và việc học của con nên đi liên tục, chưa có kế hoạch dừng lại ở nơi nào cố định”, chị nói với Zing.

Gia dinh di phuot anh 1

Sau 2 năm tạm dừng xê dịch vì dịch, gia đình chị Thêu lên đường xuyên Việt vào đầu năm nay.

Đam mê xê dịch

Chị Thêu và ông xã kết hôn năm 2012. Thời điểm đó, anh Maxime đang thực hiện kế hoạch đi 50 nước trên thế giới. Được nửa chặng đường, anh gặp chị và quyết định ở lại Việt Nam.

Vợ chồng chị Thêu cùng du lịch khi con đầu lòng vẫn trong bụng mẹ. Khi mới vài tháng tuổi, bé theo bố mẹ đi cả trong và ngoài nước.

Vì Covid-19, gia đình chị Thêu ở TP.HCM và không đi xa suốt 2 năm. Từ Tết năm nay, họ mới bắt đầu hành trình phượt xuyên Việt bằng xe máy với dự định đi hết 63 tỉnh, thành trong khoảng 6-8 tháng.

Tuy nhiên, trong nửa năm, cả nhà mới đi qua 13 tỉnh miền Tây, 6 tỉnh, thành Đông Nam Bộ và Đắk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận. Mùa mưa đến khiến việc xê dịch khó khăn hơn, họ quyết định tạm dừng, đi thăm châu Âu và Bắc Mỹ trước.

Đến nay, gia đình nhỏ đã đi qua Pháp, Bỉ, Hà Lan và đang dừng chân ở Đức. Các điểm đến tiếp theo gồm Cộng hòa Séc, Hungary, Áo, Italy, Thụy Sĩ,... Mỹ và Canada.

Theo kế hoạch, họ sẽ về nước vào dịp Tết năm sau để tiếp tục hành trình phượt xuyên Việt.

Đều làm công việc online tự do, vợ chồng chị Thêu không gặp khó khăn khi đi dài ngày. Bé lớn nhà chị học homeschool của Mỹ, sách được gửi về tận nơi, học sinh lên hệ thống giảng của trường học và tự làm bài tập, khi nào đáp ứng đủ bài thi và điểm số thì lên lớp.

“Bé không bắt buộc học giờ nào trong ngày hay ngày nào trong tuần mà rảnh lúc nào thì học lúc đó. Học nhanh thì lên lớp sớm, học chậm thì lên lớp muộn, chứ không phải cứ một năm/lớp. Bé học liên tục thì chỉ cần 4 tháng là xong một lớp, sau đó muốn học tiếp hoặc chơi đều được. Bởi vậy ở Mỹ, có nhiều bé 12 tuổi đã học xong lớp 12. Bé nhỏ của mình thì đến tuổi sẽ vào lớp một luôn”, chị nói.

Ngoài tiếng Việt, con gái lớn của chị Thêu hiện có thể nói tiếng Anh, Pháp và giỏi các kỹ năng sống do được trải nghiệm nhiều.

Gia đình chị Thêu thường không lên kế hoạch cụ thể cho hành trình mà đi tới đâu biết đến đó. Trong chuyến đi này, chị thích nhất là “đất nước xe đạp” Hà Lan.

“Ở đây, chỗ nào trên đường phố cũng thấy xe đạp, mọi thứ đều trong lành, sạch sẽ, sông ngòi chằng chịt, thuyền bè lướt qua lại nhẹ nhàng, nhà cửa xây sát sông. Họ có hệ thống kiểm soát mực nước nên nước lúc nào cũng mấp mé bờ, tĩnh lặng không gợn sóng. Các ngôi làng nhỏ thì đẹp khó có thể diễn tả bằng lời”, chị kể.

Chị Thêu cũng nhớ lại kỷ niệm vui khi thuê xe đạp ở Amsterdam. Mọi chiếc xe đều quá khổ so với vóc dáng của chị khiến nhân viên cửa hàng không yên tâm. Họ tư vấn cho chị mua bảo hiểm 14 euro để phòng trường hợp té ngã.

Lần khác, trên chuyến tàu metro ở Paris (Pháp), chị Thêu suýt bị móc túi. May mắn, một cô gái đã chặn kẻ lừa đảo, giúp chị không thiệt hại gì. Sau sự việc, chị nhắc nhở bản thân cần cẩn thận hơn ở mọi nơi.

Thích phượt ở Việt Nam

Với chị Thêu, phượt bằng xe máy vẫn là lựa chọn yêu thích nhất của gia đình. Ngay cả ở châu Âu, vợ chồng chị cũng muốn đi xe máy vì thuận tiện, không phải đi bộ rất lâu mới đến ga xe, ga tàu hay điểm tham quan.

Tuy nhiên, họ không thể thuê phương tiện này ở đây vì chưa có bằng lái quốc tế. Cả nhà sử dụng các hình thức phổ biến như metro, xe buýt, tàu điện, tàu trên cao.

“Phượt bằng xe máy ở Việt Nam là thích nhất vì di chuyển rất tiện, có thể đi đến hang cùng ngõ hẹp, vùng sâu bản địa để cảm nhận văn hóa, con người ở nơi đó. Mình thích hình thức xê dịch này hơn là du lịch nước ngoài vì giá cả rẻ, đồ ăn phù hợp, con người, ngôn ngữ, thời tiết”, chị giải thích.

Chị Thêu cho rằng nhiều bậc phụ huynh thường nghĩ đi phượt với con nhỏ rất khó khăn. Tuy nhiên, quan điểm của chị là nếu các bé có sức khỏe bình thường, không hay đau ốm thì không phải e ngại.

“Tùy điều kiện thời gian và kinh tế, ba mẹ có thể sắp xếp phù hợp với gia đình. Mình tin rằng dù đi bằng cách nào hay ăn, ngủ ở đâu, các con cũng sẽ rất vui và học hỏi được nhiều điều thực tế mà sách vở không dạy”, chị nói.

“Hãy đi cùng con, thấy cùng con, học cùng con” là điều chị Thêu luôn tâm niệm. Với chị, thế giới bên ngoài thứ gì cũng mới mẻ với cả con và bố mẹ.

Lợi ích của việc xê dịch chị Thêu thấy trước mắt là hàng ngày, con đều vui vẻ khi được đến địa điểm mới.

Các bé tự học từ thực tế dễ và nhanh nhớ hơn; đến bảo tàng thấy các hiện vật; nghe hướng dẫn viên kể về vùng đất mới hấp dẫn và thú vị; ra đồng lúa xem cây lúa, cây rau, cưỡi trâu, cưỡi bò, tắm ao, tắm sông; học giao thông trên đường đi từ Á, Âu đến Mỹ; học đọc bản đồ theo cách thực tế nhất; ăn những món ngon nổi tiếng thế giới; biết nhiều ngoại ngữ hơn; có thể ngủ ngon giữa rừng nóng muỗi U Minh hay chơi tuyết giữa trời Canada lạnh giá; có thể đạp xe băng đường ruộng ở Việt Nam hay chạy theo các kiểu tàu xe ở châu Âu cho kịp.

Trước đây, gia đình chị Thêu từng đi nhiều nơi nhưng không thường xuyên ghi lại hình ảnh. Sau này, chị cố gắng lưu lại khoảnh khắc trong những chuyến đi để lên các con thấy yêu thương, gắn bó với gia đình hơn.

Qua đó, chị cũng muốn chia sẻ kinh nghiệm phượt cùng con nhỏ với các bậc phụ huynh còn lo ngại.

Gia đình ở TP.HCM đi xuyên biên giới bằng xe bán tải

Trong 45 ngày, gia đình chị Hà hoàn thành chặng đường 10.987 km với 200 giờ chạy xe và nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm